Chỉ gần 20% cơ sở y tế thực hiện kê đơn thuốc điện tử: Cần chế tài đủ mạnh để thúc đẩy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 30/6/2023 là thời hạn cuối mà Bộ Y tế đề ra cho các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có gần 20% đơn vị thực hiện.

Sử dụng đơn thuốc điện tử đã được Bộ Y tế chủ trương và thí điểm được nhiều năm
Sử dụng đơn thuốc điện tử đã được Bộ Y tế chủ trương và thí điểm được nhiều năm

Yêu cầu thực tế phải thay đổi

Hơn 20 năm trước, Bộ Y tế đã đưa ra chủ trương quản lý việc bán thuốc theo đơn nhằm phù hợp với quy chuẩn quốc tế và ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh, đồng thời đảm bảo việc sử dụng thuốc chính xác, an toàn và hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho người dân.

Tuy nhiên, điều đó đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Bất cứ ai muốn mua thuốc gì ở các nhà thuốc cũng đều được, mà không cần đơn của bác sĩ, kể cả thuốc kháng sinh. Vẫn diễn ra tình trạng mua thuốc không đơn (đối với các loại thuốc phải kê đơn), hay dùng đơn cũ để mua thuốc tự điều trị, thậm chí, còn mượn đơn của người có bệnh giống mình đi mua thuốc.

Trong khi đó, Bộ Y tế đã có quy định đơn thuốc ngoại trú chỉ có hiệu lực trong 5 ngày, vì diễn biến bệnh sau đó đã khác. Luật Dược và các thông tư hướng dẫn cũng quy định phải bán thuốc theo đơn với các loại thuốc cần kê đơn.

Cục Quản lý Dược cũng quy định các cơ sở bán lẻ, bán buôn, nhập khẩu, sản xuất thuốc trên toàn quốc phải có phần mềm quản lý cơ sở kết nối liên thông về Bộ Y tế.

VT_don thuoc dien tu5.jpg
Bộ Y tế đã triển khai việc kê đơn thuốc điện tử từ nhiều năm trước

Để giải quyết tình trạng trên, năm 2019, Bộ Y tế đã xây dựng và thí điểm thành công việc vận hành Hệ thống thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (gọi tắt là Hệ thống đơn thuốc quốc gia).

Bộ Y tế cũng ban hành 1 loạt văn bản pháp quy về quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử cùng với tài liệu hướng dẫn kết nối Hệ thống đơn thuốc quốc gia với các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) và cơ sở cung ứng thuốc.

Hệ thống đơn thuốc quốc gia là hệ thống tiếp nhận lưu giữ báo cáo đơn thuốc điện tử được kê từ phần mềm của các cơ sở KCB và chia sẻ tới phần mềm của các cơ sở bán lẻ thuốc, nên không ảnh hưởng gì đến quá trình khám bệnh hay bán, cấp thuốc cho bệnh nhân.

Mỗi đơn thuốc có kèm mã định danh kết nối liên thông của người kê đơn và cơ sở KCB cũng như chữ ký số, đảm bảo tính chính danh xác thực và chống chối bỏ cho từng đơn thuốc. Sau khi bán/cấp phát thuốc cho người bệnh, phần mềm quản lý của nhà thuốc sẽ gửi báo cáo số lượng đã bán về hệ thống để lưu giữ.

nguon-thong-tu-27-bo-y-te-du-lieu-hoang-loc-do-hoa-n-kh-744.jpeg
Quy trình áp dụng đơn thuốc điện tử

Lợi ích của việc kê đơn thuốc điện tử

Với việc số hóa chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động của cơ sở KCB và của từng bác sĩ, đơn thuốc điện tử sẽ có thông tin đầy đủ số giấy phép, ngày cấp, tuyến kỹ thuật vv… của cơ sở KCB cũng như thông tin, hình ảnh từng bác sĩ kê đơn.

Nhà quản lý sẽ biết được chính xác từng đơn thuốc của từng bác sĩ đã kê, nên sẽ có tác dụng hữu hiệu trong việc bình chọn đơn thuốc ở các bệnh viện, tiến tới bệnh viện không giấy tờ, phục vụ KCB cho nhân dân ngày một tốt hơn.

Các bác sĩ đều cho rằng, đơn thuốc điện tử sẽ có lợi cho cả bệnh nhân và bệnh viện, khi giúp tránh đọc nhầm tên thuốc, hàm lượng và đặc biệt là dễ dàng tra lịch sử thuốc bệnh nhân sử dụng.

Theo Cục Quản lý KCB Bộ Y tế, áp dụng đơn thuốc điện tử quốc gia, sẽ xóa sổ đơn thuốc giấy cũng như sổ y bạ, người dân không phải mua, có thể tiết kiệm được vài chục tỷ đồng.

Mã đơn thuốc mà người bệnh mang tới nhà thuốc chính là đường dẫn để nhà thuốc truy xuất dữ liệu từ kho dữ liệu quốc gia đơn thuốc về bán hàng. Các cơ sở KCB nếu chưa đăng ký bán lẻ thuốc đạt chuẩn sẽ không thực hiện được việc bán thuốc trá hình ngay tại cơ sở mình.

Theo Bộ Y tế, việc triển khai Hệ thống đơn thuốc quốc gia cũng đảm bảo việc bán thuốc theo đơn chính xác, tránh việc bán thuốc không có đơn, hay bán nhiều lần cho 1 đơn thuốc khi người bệnh tự mua thuốc điều trị như hiện nay.

Vì Hệ thống đơn thuốc quốc gia sẽ tạo nhiều bản ghi báo cáo về cùng một đơn thuốc: đơn mới kê, đơn đã bán tại mỗi cơ sở bán lẻ thuốc … và tự tạo ra cảnh báo đơn đã bán hết số lượng, đơn quá hạn (sau 5 ngày).

Hình ảnh đơn thuốc ở thời điểm bán sẽ được lưu giữ tại phần mềm của nhà thuốc, do đó, đơn thuốc điện tử sẽ giúp cho việc thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề, quản lý người hành nghề, cơ sở hành nghề trên môi trường điện tử một cách đầy đủ.

Bên cạnh đó, các dữ liệu đơn thuốc điện tử còn giúp cho việc thống kê về bệnh học và việc sử dụng thuốc của từng địa phương có gì đặc biệt, để từ đó có chính sách y tế phù hợp, như kế hoạch đấu thầu, mua sắm thuốc phù hợp với mô hình bệnh tật ở địa phương.

Với đơn thuốc điện tử, các nhà thuốc không cần nhập lại thông tin đơn thuốc, nên tiết kiệm được 3-6 phút/giao dịch. Hệ thống công nghệ thông tin mà 100% nhà thuốc đã có sẵn sẽ tự kéo đơn thuốc từ kho dữ liệu quốc gia về phần mềm của nhà thuốc, để chuyển hóa thành hóa đơn bán hàng và gửi báo cáo số lượng thuốc đã bán trên đơn về hệ thống quốc gia để lưu giữ.

Đặc biệt, triển khai Hệ thống đơn thuốc quốc gia, ngành y tế hoàn toàn không phải chi phí đầu tư, bởi đây là do Công ty cổ phần mạng y tế cộng đồng tặng cùng chi phí vận hành trong 5 năm tới. Quyết định 1507 ngày 23/3/2023 của Bộ Y tế đã xác lập sở hữu toàn dân hệ thống này.

VT_don thuoc dien tu7.jpg
Sở Y tế Hà Nội đã triển khai tập huấn về đơn thuốc điện tử

Nhiều cơ sở KCB không biết quy định kê đơn thuốc điện tử

Mặc dù việc sử dụng đơn thuốc điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, nhà thuốc, bác sĩ, cơ sở KCB và nhà quản lý, nhưng triển khai đơn thuốc điện tử vẫn còn "khiêm tốn" cho đến thời điểm hiện tại.

Theo Thông tư 04/2022/TT-BYT của Bộ Y tế, đến ngày 31/12/2022, các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, trong khi các cơ sở KCB khác phải hoàn thành trước ngày 30/6/2023.

Tính đến tháng 7/2023, chỉ có khoảng 14.000 cơ sở KCB trên toàn quốc đã tham gia liên thông đơn thuốc, chủ yếu là các bệnh viện từ hạng 3 trở lên. Tỷ lệ này rất thấp so với tổng số hơn 60.000 cơ sở KCB trên toàn quốc, chỉ đạt khoảng 25% các cơ sở đã triển khai liên thông.

Tuy nhiên, ở các cơ sở đã liên thông đơn thuốc, việc gửi đơn vẫn chưa đầy đủ, nhiều cơ sở liên thông chỉ để “làm vì”. Có thể vì việc xử phạt trong lĩnh vực báo cáo còn nhẹ.

Từ tháng 1/2023 tới nay, mỗi Sở Y tế đã liên thông 700.000 tới vài triệu đơn và tổng số đơn đã liên thông vào hệ thống là hơn 40 triệu. Trong khi mỗi năm, các cơ sở y tế, cả công lập và tư nhân, trên toàn quốc kê khoảng 400-500 triệu đơn thuốc. Như vậy, số đơn được cập nhật lên hệ thống chỉ chiếm hơn 10% số đơn đã thực kê.

Cả nước có 68.000 nhà thuốc bán lẻ, nhưng khảo sát cho thấy, nhiều cơ sở bán lẻ thuốc chưa biết việc phải bán thuốc theo đơn thuốc điện tử. Nhiều cơ sở KCB, cả công lập và tư nhân, nhà thuốc ở một số tỉnh còn không biết đến quy định kê đơn thuốc điện tử của Bộ Y tế. Vì thế, hiện nhiều cơ sở KCB tư nhân, nhà thuốc vẫn chưa liên thông.

Mà chỉ khi khép kín quá trình kê đơn điện tử tại 100% cơ sở KCB và bán thuốc bằng đơn điện tử, ngành y tế mới thực sự quản lý được việc bán thuốc theo đơn đúng - đủ - chính xác.

VT_ don thuoc dien tu.jpg
Việc kê đơn thuốc điện tử đã có hàng lang pháp lý đầy đủ để triển khai

Vĩ thanh

Trong vấn đề phát triển các nền tảng số y tế tại Đề án thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số của Bộ Y tế vừa phê duyệt, Bộ Y tế cho biết sẽ triển khai nền tảng quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia tại các cơ sở KCB công lập và tư nhân trên cả nước, kết quả xét nghiệm trong hồ sơ bệnh án điện tử được công nhận lẫn nhau giữa các cơ sở KCB.

Tuy nhiên, giải pháp về công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật đã xong, đã áp dụng vào thực tế và thời hạn quy định của Bộ Y tế đã qua, mà các đơn vị triển khai kê đơn thuốc điện tử còn quá ít.

Chủ trương kê đơn thuốc điện tử của Bộ Y tế hoàn toàn phù hợp với xu thế và mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Thế nhưng, chỉ có rất ít cơ sở thực hiện là bởi, những cơ sở không thực hiện cũng chẳng bị xử lý.

Thiết nghĩ, ngành y tế cần đẩy mạnh truyền thông về kê đơn thuốc điện tử cho các cơ sở KCB cả công lập lẫn tư nhân, nhà thuốc, đồng thời, tăng cường quản lý, đôn đốc thực hiện. Bên cạnh đó cũng cần có chế tài đủ sức răn đe với những cơ sở KCB, nhà thuốc không thực hiện đúng quy định. Chỉ khi đó mới không còn tình trạng “trên bảo dưới không nghe” như hiện nay./.