Đối phó mối đe dọa của Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp, Nhật trang bị các tàu vận tải cho lục quân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào thời điểm quan hệ Trung-Nhật ngày càng trở nên căng thẳng, Nhật Bản lần đầu tiên có kế hoạch trang bị cho Lực lượng Phòng vệ trên bộ ba tàu vận tải hạng trung và nhỏ vào năm 2024.
Nhật sẽ trang bị các tàu vận tải cỡ vừa và nhỏ cho Lục quân để bảo vệ quần đảo Senkaku (Ảnh: Chinatimes).
Nhật sẽ trang bị các tàu vận tải cỡ vừa và nhỏ cho Lục quân để bảo vệ quần đảo Senkaku (Ảnh: Chinatimes).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 15/2, động thái này nhằm thiết lập mạng lưới tiếp tế đạn dược, nhiên liệu và thực phẩm ổn định tới các đảo xa xôi phía Tây Nam. Một khi xung đột nổ ra trên quần đảo quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp, các tàu vận tải có thể vận chuyển các trung đoàn đổ bộ cơ động để giành lại đảo, thậm chí cả binh sĩ lực lượng tên lửa và trang thiết bị.

Kyodo News hôm Chủ nhật (14/2) đưa tin rằng một trong những tàu vận tải được đề xuất có lượng giãn nước tiêu chuẩn là 2.000 tấn, kém xa so với tàu vận tải lớp Osumi của Lực lượng Phòng vệ trên biển (Hải quân) với lượng choán nước tiêu chuẩn 8.900 tấn. Hai chiếc còn lại có lượng rẽ nước tiêu chuẩn mỗi chiếc là 400 tấn. Mức độ, chi phí xây dựng sẽ được tính vào đơn ngân sách năm 2022. Theo các nguồn thạo tin, số lượng tàu vận tải có thể sẽ được tăng lên trong tương lai để tăng cường khả năng phòng thủ các đảo xa. Các tàu vận tải lớn của Lực lượng Phòng vệ trên biển không thể cập cảng nhỏ trên các đảo xa, vì vậy cần phải đóng các tàu vận tải cỡ vừa và nhỏ.

Trung đoàn cơ động thủy bộ của lục quân Nhật được thành lập năm 2018 để tác chiến bảo vệ các đảo (Ảnh: Dwnews).

Trung đoàn cơ động thủy bộ của lục quân Nhật được thành lập năm 2018 để tác chiến bảo vệ các đảo (Ảnh: Dwnews).

Tin cho biết, Nhật Bản đang thăm dò việc sử dụng các tàu vận tải để vận chuyển trung đoàn cơ động thủy bộ đóng tại thành phố Sasebo, tỉnh Nagasaki, nhằm đối phó với các cuộc xung đột trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Với việc "Luật Hải cảnh" của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/2, các tàu hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng vũ lực với các tàu nước ngoài. Phía Nhật Bản lo ngại về khả năng gia tăng xung đột trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và hy vọng nâng cao khả năng cơ động và tăng cường khả năng ứng phó của Lực lượng Phòng vệ trên bộ qua việc cải thiện khả năng vận chuyển.

Phân tích chỉ ra rằng để cân bằng việc mở rộng sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương và cải thiện mạng lưới tiếp tế ở các đảo xa xôi, Nhật Bản sẽ hình thành sự tương tác chiến lược với quân đội Mỹ. Hải quân Mỹ e ngại tên lửa chống hạm của Trung Quốc nên cố gắng triển khai các lực lượng cơ động cao trong Chuỗi đảo Thứ nhất bao gồm các đảo ở phía tây nam Nhật Bản, Đài Loan và Philippines.

Đài VOA ngày 15/2 cũng dẫn các nguồn tin chính phủ Nhật Bản tiết lộ hôm 13/2 rằng động thái này nhằm đảm bảo cung cấp đạn dược, nhiên liệu và lương thực cho quân đội trên các hòn đảo xa xôi và là một phần trong nỗ lực đối phó sự tăng cường quân sự của Trung Quốc. Kyodo đưa tin, đây sẽ là lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản cung cấp những con tàu như vậy cho Lực lượng Phòng vệ trên bộ (Lục quân).

Binh sĩ Trung đoàn cơ động Thủy bộ Nhật diễn tập phối hợp quân Mỹ đánh chiếm lại đảo (Ảnh: Dwnews).

Binh sĩ Trung đoàn cơ động Thủy bộ Nhật diễn tập phối hợp quân Mỹ đánh chiếm lại đảo (Ảnh: Dwnews).

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang nâng cấp khả năng đối phó với những thách thức an ninh mới. Những thách thức an ninh mới bao gồm việc Trung Quốc mở rộng hàng hải xung quanh quần đảo Nansei (Ryukyu, Trung Quốc gọi là Lưu Cầu) là một phần của Chuỗi đảo Thứ nhất nằm giữa Đài Loan và Kyushu của Nhật Bản.

Các tàu công vụ Trung Quốc đã nhiều lần đi vào vùng biển quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư), do đó, Nhật Bản sẽ xây dựng một mạng lưới cung cấp đạn dược, nhiên liệu và lương thực ổn định cho các đảo xa xôi này. Ngoài việc vận chuyển tiếp tế, chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét trong những tình huống khẩn cấp, tàu vận tải cũng sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển đơn vị đặc biệt "Trung đoàn cơ động thủy bộ" của Lực lượng Phòng vệ trên bộ tới đó.

Các tàu vận tải cỡ vừa và nhỏ sẽ được Nhật trang bị cho lục quân (Ảnh: Dwnews).

Các tàu vận tải cỡ vừa và nhỏ sẽ được Nhật trang bị cho lục quân (Ảnh: Dwnews).

Trung đoàn cơ động thủy bộ được thành lập năm 2018, tương tự như lực lượng Thủy quân lục chiến của Mỹ, có nhiệm vụ bảo vệ và chiếm lại các đảo xa xôi trong trường hợp bị xâm lược.

Để đối phó với sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng quân sự Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản trong những năm gần đây đã tăng cường bảo vệ các quần đảo phía Tây Nam, bao gồm triển khai lực lượng trên bộ và trang bị thêm các tàu vận tải. “Luật Hải cảnh” của Trung Quốc được ban hành vào ngày 1/2 cho phép các tàu hải cảnh của họ sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài “xâm nhập trái phép vùng biển của Trung Quốc” và lo ngại của Nhật Bản về các sự kiện xảy ra bất ngờ đã tăng lên. Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ cải thiện khả năng cơ động của Lực lượng Phòng vệ trên bộ bằng cách tăng khả năng vận chuyển của lực lượng này.

Mục tiêu của Cơ quan Phòng vệ Nhật Bản là đảm bảo ngân sách cho việc đóng 3 con tàu này vào năm tài chính 2022. Bộ Quốc phòng hôm thứ Sáu (12/2) đã thông báo cho các thành viên cấp cao của đảng cầm quyền về yêu cầu ngân sách dự kiến​​.

Trung Quốc liên tiếp đưa các tàu hải cảnh vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Đông Phương).

Trung Quốc liên tiếp đưa các tàu hải cảnh vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Đông Phương).

VOA nhấn mạnh, cả Nhật Bản và Mỹ đều tuyên bố rõ ràng rằng quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật mà hai bên đã ký trong nhiều thập kỷ qua. Điều này có nghĩa là nếu những hòn đảo nhỏ này ở biển Hoa Đông bị tấn công vũ trang, Mỹ sẽ ra tay bảo vệ lợi ích của Nhật.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái khẳng định quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật. Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Nhật Bản cho rằng để bảo vệ các đảo của Nhật Bản, Nhật Bản cần phải nâng cao khả năng phòng thủ của chính mình.

Sau khi triển khai ba tàu vận tải này, Cơ quan Phòng vệ (Bộ Quốc phòng) Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục tăng thêm số lượng tàu để nâng cao khả năng phòng thủ của Nhật Bản xung quanh quần đảo Ryukyu.