Việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi thông điệp rằng họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để chống lạm phát khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng Fed có thể đang phản ứng thái quá và điều này có thể gây ra những hệ quả không cần thiết.
VietTimes trân trọng gửi tới độc giả bài chuyển ngữ thể hiện quan điểm của J.W. Mason - giáo sư kinh tế tại John Jay College, chuyên gia nghiên cứu tại viện Roosevelt - về nội dung này.
|
Giới chức các ngân hàng trung ương đang muốn giảm lạm phát bằng mọi giá. Điều họ lo sợ là gì? (Ảnh: AFP/Getty Images) |
Một thế kỷ trước, khi thế giới chật vật trải qua giai đoạn đầu của tình trạng bất ổn tiền tệ, nhà kinh tế học John Maynard Keynes đã nêu ra mối nguy hiểm tương quan giữa lạm phát và giảm phát.
Ông kết luận rằng, lạm phát là sự “bất công với các cá nhân,” trong khi “giảm phát có nghĩa là sự bần cùng hóa người lao động và doanh nghiệp.” Cả hai tình trạng này đều nên tránh, nếu đủ khả năng. Nhưng trong điều kiện ở giai đoạn đó, giảm phát là mối nguy lớn hơn: “Trong một thế giới bị bần cùng hóa, việc tạo nên tình trạng thất nghiệp còn tệ hơn là làm thất vọng những người sống bằng tiền lợi tức".
Trong năm 2022, chúng ta không phải đối mặt với giảm phát – ít nhất là ở hiện tại. Nhưng chúng ta đối mặt với sự lựa chọn tương tự, giữa lạm phát và giảm phát.
Giới chức ngân hàng trung ương đã thể hiện rõ điều mà họ sợ hãi hơn trong 2 mối nguy vừa nêu: Họ sẵn sàng hy sinh sự toàn diện lao động vì mục tiêu giảm lạm phát.
Fed và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đều đưa ra thông điệp rằng họ sẽ làm bất cứ điều gì để bình ổn giá cả, hay nói cách khác là kiềm chế lạm phát.
Đương nhiên không ai thích giá cả gia tăng, nhưng sự toàn diện lao động và sức tăng trưởng cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Mọi quyết định ưu tiên một mục tiêu so với các mục tiêu khác đều phải tính đến cái giá phải trả cũng như lợi ích của cả hai phía một cách nghiêm túc. Fed đã làm điều này hay chưa(?).
Ai sẽ 'trả giá' cho cuộc chiến chống lạm phát?
Một mặt, mối nguy rõ ràng nhất chính là đà tăng trưởng chậm hơn trong việc làm và lương, do nhu cầu đi xuống. Trên thực tế, đây chính là mục tiêu của Fed. Một trong những cách thức chính để chính sắt thắt chặt tiền tệ vận hành chính là làm suy yếu sức mặc cả của người lao động, để họ chấp nhận mức lương thấp hơn.
Những chính sách như vậy mang đến những hậu quả thực tế.
Ví dụ, nền kinh tế từng chứng kiến sự suy giảm mạnh nhu cầu trong giai đoạn 2008-2010. Tỷ lệ người dân Mỹ lâm vào tình trạng báo động về an ninh lương thực – có nghĩa là họ không có đủ thức ăn, theo đúng nghĩa đen – đã tăng 50%. Ngược lại, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, tỷ lệ các hộ gia đình trong tình báo động về an ninh lương thực lại giảm.
Thị trường lao động yếu đồng nghĩa có thêm nhiều người bị tước quyền vật chất (material deprivation). Sau cùng, người lao động sẽ không chấp nhận mức lương thấp hơn – yếu tố mà Fed cho rằng là cần thiết để có được sự bình ổn giá, trừ khi họ đủ lo lắng về lựa chọn khác.
Ở cấp độ kinh tế vĩ mô, một bài học lớn về 15 năm trước, trong đó sự dịch chuyển về nhu cầu tạo ra những hiệu ứng lâu dài hơn chúng ta từng nghĩ.
Ngay cả khi thời kỳ Đại Suy thoái (Great Recession) đã qua đi được hơn một thập kỷ, GDP và tỷ lệ có việc làm vẫn chưa thể đạt được xu hướng như giai đoạn trước nó.
Khi người dân chờ đợi quá lâu mà không tìm được việc làm, họ có thể rời khỏi lực lượng lao động, vĩnh viễn làm giảm tỷ lệ việc làm.
Và các doanh nghiệp phải đối mặt với nhu cầu thấp cũng không muốn đầu tư để tăng sản lượng, từ đó gây ra tác động lâu dài đối với đà tăng trưởng sản lượng.
Ở cấp độ cá nhân, các nhà kinh tế học nghiên cứu tầm ảnh hưởng của suy thoái nhận thấy rằng, những người lao động từng trải qua tình trạng thất nghiệp trong giai đoạn 2007-2009 vẫn có thể không có việc làm và có mức thu nhập thấp hơn nhiều năm sau đó, nếu so với những người không gặp tình trạng trên.
Cái giá của nhu cầu yếu và tỷ lệ thất nghiệp cao cũng được phân bổ không đều. Nếu như tỷ lệ thất nghiệp tổng thể tăng thêm 1 điểm, thì tỷ lệ người lao động da màu bị thất nghiệp tăng thêm 2. Các thị trường lao động khỏe mạnh, giống như trong vài năm gần đây, sẽ có xu hướng nén lương (wage compression), trong đó lương ở mức đáy tăng nhanh hơn mức lương cao nhất. Thị trường lao động yếu lại xảy ra tình trạng ngược lại.
Ngày nay, có điều rõ ràng là tỷ lệ thất nghiệp không chỉ là sự thất thoát thu nhập tạm thời. Tỷ lệ thất nghiệp cao gây ra những tác động kéo dài đối với đà tăng trưởng, và làm tăng sự bất bình đẳng.
Mặt khác, chúng ta biết được bao nhiêu về tác động của lạm phát(?). Thực ra là không nhiều.
Giới chức ngân hàng trung ương dường như coi lạm phát như một cuộc khủng hoảng, cấp thiết đến nỗi họ phải làm mọi thứ có thể để kiềm chế nó. Nhưng chính xác thì họ đang muốn tránh khỏi điều gì(?).
Dễ thấy nhất trong các tuyên bố của họ là lời giải thích rằng tại sao sự bình ổn giá lại là điều tốt đẹp. Nhưng cái giá mà nền kinh tế phải trả nếu như trải qua thêm một năm có tỷ lệ lạm phát 8% là gì(?). Rất khó để đưa ra một câu trả lời rõ ràng.
|
Bên ngoài Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ở Washington DC (Ảnh: Reuters) |
Điều gì còn đáng ngại hơn lạm phát?
Lý thuyết kinh tế thường tập trung vào định vị tác động của lạm phát. Hầu hết các loại giá cả không được điều chỉnh ngay lập tức – chúng cứng nhắc (sticky) - vậy nên lạm phát dẫn tới những thay đổi về giá.
Khi lạm phát cao, một loại giá cả sẽ được điều chỉnh chậm hơn hoặc nhanh hơn. Một người thích chuối hơn táo có thể vẫn mua táo do ngày hôm nay chúng có giá rẻ hơn. Nhưng khi lạm phát cao, mức giá thấp hơn có thể không phản ánh được sự giảm giá trong quy trình sản xuất táo, mà chỉ là cửa hàng đã cập nhật giá chuối nhanh hơn. Và người tiêu dùng phải từ bỏ thói quen của họ một cách vô ích.
Đây không phải kiểu tác động mà những người không phải chuyên gia kinh tế thường nghĩ tới. Nhưng nó lại nắm bắt được điều gì đó quan trọng, đó là lạm phát ở mức rất cao gây ra tình trạng giá cả hỗn loạn và không có thông tin. Hiện vẫn chưa rõ lạm phát ở mức độ hiện nay có thể tạo ra kiểu tác động đó hay chưa. Và dù tác động này từng có thời quan trọng, khó có thể tưởng tượng nó có thể xảy ra trong một kỷ nguyên mà các thuật toán có thể lập tức điều chỉnh nhiều loại giá.
Một tác động khác của lạm phát chính là làm chậm đà tăng trưởng kinh tế. Không có mối liên hệ rõ ràng giữa lạm phát thấp và tăng trưởng, nhưng nêu lạm phát tăng cao, hiệu ứng tiêu cực rõ ràng sẽ xuất hiện.
Ngưỡng lạm phát mà tại đó đà tăng trưởng chậm đi rõ ràng sẽ cao hơn nhiều so với mức lạm phát mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay.
Và một kiểu kết luận thường thấy từ sự việc này (trong trường hợp này là bởi trưởng kinh tế học gia đến từ World Bank): “Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa lạm phát và đà tăng trưởng, tại thời điểm lạm phát dưới 40%.”
Có cảm giác chung của nhiều người là, mức lạm phát cao đáng kể không gây ra thảm họa về kinh tế. Nhiều giai đoạn tăng trưởng ấn tượng của thế giới thường đi kèm với lạm phát, ở mức khá cao so với tiêu chuẩn ngày nay.
Hàn Quốc là một ví dụ. Năm 1960, nước này cực kỳ nghèo và kém phát triển (một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của họ là tóc giả, làm từ tóc người thật).
Trong vòng 2 thập kỷ sau đó, GDP thực của họ tăng gấp 6 lần, và đến năm 1980, họ trở thành một trong số những xưởng đóng tàu hàng đầu thế giới và là một nước xuất khẩu quan trọng hàng loạt loại hàng hóa sản xuất.
Nhưng trong 2 thập kỷ tăng trưởng bùng nổ này, họ đã trải qua lạm phát cao dai dẳng, trung bình là 15%.
Tương tự với Mỹ Latin, lạm phát cao dường như là vấn đề khó giải quyết trong phần lớn giai đoạn cuối thế kỷ 20, và chỉ giảm xuống sau năm 2000. Nhưng đối với phần lớn khu vực này, tốc độ tăng trưởng thực trong giai đoạn lạm phát những năm 1960, 1970 cao hơn nếu so với giai đoạn bình ổn giá hiện nay.
Đương nhiên điều này không có nghĩa rằng lạm phát cao là điều tốt đẹp. Rõ ràng là phần lớn người dân ở Argentina hay Brazil vẫn thích có đà tăng trưởng mạnh mẽ trong khi giá cả không tăng.
Nhưng cũng có không ít người nghi ngờ về luận điểm cho rằng: lạm phát cao sẽ mang đến những tác động thảm họa, và bởi vậy mà việc kiềm chế nó là điều bắt buộc, cần phải ưu tiên so với mọi thứ khác.
Khi Keynes viết về mối nguy hiểm của lạm phát và giảm lạm phát, thế giới đang chìm sâu trong cuộc tranh luận về việc trở lại chế độ Bản vị Vàng (Gold Standard) mà phần lớn các nước đã từ bỏ trong Thế chiến I.
Nhiều người tin rằng trở lại chế độ này là điều được kỳ vọng và cũng là điều bắt buộc – cũng giống như điều mà giới chức ngân hàng trung ương thường nói về bình ổn giá hiện nay.
Benjamin Strong, Chủ tịch Fed New York, cho rằng thậm chí còn không nên bàn tới những thứ thay thế cho việc trở lại Bản vị Vàng. Mọi sự tách rời khỏi Bản vị Vàng, theo Strong, chỉ có thể dẫn tới “một giai đoạn dài đầy rẫy những điều kiện bất ổn.”
Trớ trêu thay, sự bất ổn về kinh tế và xã hội mà ông Strong cảnh báo đã sớm xuất hiện – nhưng lại không phải hậu quả của việc từ bỏ Bản vị Vàng.
Ngược lại, chính việc tuân theo chế độ này đã gây ra Đại Suy thoái, và mọi thảm họa xuất hiện sau đó. Winston Churchill, người chứng kiến nước Anh trở lại Bản vị Vàng khi còn làm Bộ trưởng Tài chính, sau đó mô tả đây là đánh giá sai lầm tồi tệ nhất trong cuộc đời ông.
Khi các bạn tập trung vào việc tránh khỏi một mối nguy hiểm duy nhất bằng mọi giá, trong khi không dự liệu trước về hậu quả, các bạn có thể lao đầu vào điều tồi tệ hơn./.
Nỗi lo mới của Fed: Gói kích thích 31 tỉ USD của các bang ở Mỹ có thể 'thổi bùng' lạm phát
Nỗ lực chống lạm phát của Fed có thể gây ra suy thoái trầm trọng tới mức không cần thiết?
Tranh cãi về việc Fed tăng lãi suất quá nhanh
Theo Baron's