Cuối tuần trước, tại [ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN], VietTimes đã giới thiệu tới độc giả bài dịch "Fed đang giành phần thắng trước lạm phát (?) Chớ vội mừng!", trong đó thể hiện quan điểm của nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman về 'cuộc chiến' chống lạm phát của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed).
Cụ thể, theo ông Paul Krugman, vẫn còn quá sớm để có thể tuyên bố về một chiến thắng của Fed trước lạm phát, khi đã có quá nhiều dự đoán sai lầm về nó.
Tiếp tục những bàn luận về những nỗ lực kiềm chế lạm phát của Fed, VietTimes xin gửi tới quý độc giả một bài phân tích sâu sắc của Lisa Beilfuss - cây viết chuyên trách mảng thị trường tài chính và kinh tế của Barron's.
Chủ tịch Fed Jerome Powell thông báo về lãi suất cân bằng trong hôm thứ Tư tuần trước (Ảnh: AFP) |
Trong tuần này, nhiều nhà đầu tư đã được nghe về dự định của Chủ tịch Fed Jerome Powell và rồi nhìn thấy bằng chứng nền kinh tế Mỹ đã lâm vào suy thoái. Bài viết này không hề biết về vế trước và cũng không chắc chắc về vế sau, nhưng cả hai vế đều không lột tả được bức tranh lớn hơn.
Một nhà quan sát khách quan có thể thấy rằng lạm phát vẫn chưa giảm và nó đang làm xói mòn đà tăng trưởng kinh tế.
Phản ứng của thị trường trước các sự kiện diễn ra trong tuần trước cho thấy rằng, các nhà đầu tư nghĩ rằng đà tăng trưởng sẽ chậm lại đủ để ngăn chặn Fed tăng tỷ lệ lãi suất sau tháng 12 – và đủ để gợi ý cho họ giảm lãi suất vào đầu năm tới.
Ẩn trong ván cược này là niềm tin rằng lạm phát sẽ giảm sốc, hoặc nếu không thì ngân hàng trung ương sẽ không có đủ hành động để kiềm chế nó.
Điều này dẫn tới một nhận định khác được Phố Wall chia sẻ rộng rãi, rằng một cuộc suy thoái sẽ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, không sâu, và khó bị phát hiện ra.
Có một vài lý do hợp lý cho ván cược đầu tiên.
Thứ nhất là, báo cáo GDP trong quý 2 được công bố hôm thứ Năm tuần trước đánh dấu 2 lần liên tiếp GDP ở mức âm. Dù cho các nhà kinh tế học thuộc Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia có chính thức tuyên bố rằng một cuộc suy thoái đã bắt đầu vào thời điểm nào đi chăng nữa, thì đà hồi phục kinh tế Mỹ giờ đã chấm dứt và các hoạt động của nền kinh tế đang thu hẹp.
Thứ hai, ông Powell nói rằng tỷ lệ lãi suất giờ ở mức cân bằng, tức ở mức độ vừa không bị hạn chế vừa không kích thích. Bình luận này đã giúp giá cổ phiếu và trái phiếu tăng cao, vì người ta hiểu rằng tỷ lệ lãi suất sẽ không cần phải tăng cao hơn nữa.
Nhưng đặt kỳ vọng việc tăng lãi suất sẽ kết thúc sớm và sự đảo ngược lãi suất đều là sai lầm. Tương tự, những ai cho rằng một cuộc suy thoái nếu xảy ra sẽ chỉ ở mức nhẹ nhàng, dường như cũng đang sai lầm.
Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75%?
Hãy nhìn vào dữ liệu được công bố trong hôm thứ Sáu tuần trước. Chỉ số chi tiêu cho lao động (Employment cost index), thứ mà nhiều nhà kinh tế học cho là phép đo lường tốt nhất cho chi phí nhân công, chỉ ra rằng mức lương và thu nhập cá nhân đã tăng với mức kỷ lục là 5,7% so với cách đây 1 năm.
“Đây là báo cáo sẽ khiến giới chức của Fed thức trắng đêm,” theo Omair Sharif đến từ hãng Inflation Insights, và rất có khả năng sẽ có thêm một đợt tăng tỷ lệ lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong tháng 9 tới.
Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) - ngoại trừ thực phẩm và năng lượng - vốn là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, cũng tăng trong tháng 6 nếu so với tháng trước đó và cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà kinh tế học ở Citigroup cảnh báo rằng, các nhà đầu tư đang đặt cược liều lĩnh vào một chính sách tiền tệ ôn hòa.
Ngoài dữ liệu mới nhất về lương – mà các nhà kinh tế thường quan sát để tìm ra tín hiệu giá tiêu dùng và lương đang bắt kịp lẫn nhau – hai chuyên gia kinh tế Andrew Hollenhorst và Veronica Clark của Citigroup nói rằng đà tăng trưởng chậm và sức ép giá hàng hóa đang giảm không phải là lý do đủ để lạc quan rằng lạm phát sẽ giảm.
Xu hướng giá nhà ở và dịch vụ tăng chắc chắn sẽ còn tiếp diễn và thậm chí còn tăng tốc, họ nói, có nghĩa là Fed sẽ phải tăng lãi suất nhiều hơn so với dự đoán của thị trường – thậm chí của các quan chức.
Dữ liệu mới đây về nhà ở càng củng cố cho quan điểm của Citigroup. Giá nhà ở Mỹ tăng 20,5% trong tháng gần nhất, so với cùng kỳ năm ngoái, theo chỉ số giá nhà ở của S&P/Case-Shiller.
Như công ty cho thuê nhà Invitation Homes đã nêu, đà tăng trưởng của tỷ lệ cho thuê nhà và làm mới hợp đồng thuê tăng 17% và 10% theo thứ tự, trong quý thứ hai của năm nay, so với năm trước.
Các nhà phân tích dự báo rằng giá nhà sẽ hạ nhiệt trong năm nay, nhưng giá cho thuê sẽ tụt hậu so với giá nhà khoảng 1 năm và sẽ giữ cấu phần nhà ở trong các thước đo về lạm phát – khoảng 40% chỉ số giá tiêu dùng và 1/4 PCE – tăng lên vào thời điểm sau năm nay.
Thị trường lao động cũng ủng hộ quan điểm của Citigrup. Mặc dù có nhiều tín hiệu cho thấy nhu cầu lao động đang giảm dần, nhưng lao động vẫn đặc biệt thiếu trong ngành dịch vụ.
Điều này là đặc biệt đáng lưu ý bởi chi tiêu của người dân đang chuyển hướng sang các ngành dịch vụ sau đợt bùng nổ hàng hóa do đại dịch COVID-19. Fed tại Atlanta đưa ra dữ liệu cho thấy lương trong ngành dịch vụ đã tăng 6,6% trong tháng 6 năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái – tăng gấp 3 lần so với mức mục tiêu lạm phát của Fed.
Thế khó của Fed
Quan điểm của ông Powell về việc đạt được mức nâng lãi suất cân bằng càng dấy lên nhiều câu hỏi.
“Mặc dù 2,25 đến 2,5% có thể là tỷ lệ cân bằng với lạm phát 2%, nó vẫn là tỷ lệ cực kỳ phù hợp với lạm phát ở mức 9%,” Bill Ackman đến từ hãng Pershing Square Capital Management, viết trên Twitter.
Ông thêm rằng, do lạm phát làm giảm chi phí vay mượn và do chi phí điều chỉnh lạm phát vẫn còn rất rẻ, nên “mọi người có động lực để vay mượn và chi tiêu, từ đó làm tăng lạm phát.”
Ackman nói rằng, mặc dù ông nghĩ lạm phát sẽ sớm giảm, nhưng ông không thấy bất kỳ triển vọng nào trở lại với mục tiêu mà không “đẩy lãi suất cao hơn, ở mức 4% hoặc cao hơn, và duy trì ở mức đó trong một thời gian dài.” Ackman nói thêm rằng “tỷ lệ lãi suất cân bằng cũng như lạm phát chỉ là tạm thời.”
Joseph Wang, cựu nhân viên giao dịch thuộc tổ đặc trách thị trưởng mở của Fed, nói rằng kỳ vọng của thị trường về chính sách tiền tệ ôn hòa của Fed vào đầu năm tới đang làm tình hình xấu đi bằng cách nới lỏng các điều kiện tài chính (như giá cổ phiếu tăng và lợi tức trái phiếu giảm) trước khi lạm phát đạt đỉnh.
"Các thị trường đang đặt cược vào một chính sách tiền tệ không tương xứng với sự trở lại của lạm phát 2%, điều đó chỉ khiến công việc của Fed trở nên khó khăn hơn", ông nói.
Đó là còn chưa kể tới mặt trầm lắng hơn của vòng chu trình thắt chặt này. Thắt chặt chính sách tiền tệ, hay đảo ngược một số hoạt động mua trái phiếu thời kỳ đại dịch khiến bản cân đối kế toán của Fed tăng gấp đôi lên khoảng 9 nghìn tỉ USD, và tăng 95 tỉ USD chỉ trong tháng 9.
Đây là mức tăng với nhịp độ gấp đôi hiện tại và chắc chắn sẽ vùi dập mọi suy nghĩ về tỷ lệ lãi suất giảm, theo Peter Bockvar, giám đốc đầu tư tại Bleakley Financial Group.
Có khả năng khá cao là việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ chấm dứt sớm hơn so với khoảng thời gian 2 năm mà ông Powell từng dự báo, cũng có khả năng là Fed sẽ chùn bước và không thể sớm đưa lạm phát trở về mức mục tiêu đặt ra.
Nhưng do chính bản thân lạm phát, chứ không phải nỗ lực chống lạm phát của Fed, làm giảm đà tăng trưởng kinh tế, mà làm như vậy sẽ tự hại mình.
Nhắc lại cảnh báo mới đây của AT&T rằng sẽ có thêm nhiều khách hàng sử dụng mạng không dây và internet không đủ tiền để chi trả cho thứ dịch vụ mà phần lớn người dân Mỹ coi là thiết yếu.
Trong trường hợp này cần phải đánh đổi thứ gì đó, hoặc lạm phát hoặc đà tăng trưởng. Nhưng đây không phải lựa chọn đơn giản, nếu tính đến việc lạm phát ảnh hưởng như thế nào tới các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Một chiến thắng của thị trường trước Fed sẽ là chiến thắng phải trả bằng cái giá quá đắt, có thể gây ra tổn hại kinh tế to lớn hơn xét về dài hạn./.
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Chu kỳ mạnh lên của USD mới chỉ bắt đầu?
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Fed đang giành phần thắng trước lạm phát (?) Chớ vội mừng!
[ĐỌC CHẬM] Khi nhà kinh tế học đoạt giải Nobel cũng dự đoán sai về lạm phát...
Nguồn: Barron's