|
Bà Marianella Vidal, một cư dân của tỉnh Cusco, Peru, nằm trên dãy Andes, nơi có kỳ quan Machupichu nổi tiếng, cho biết trước đây tình hình an ninh ở đây rất phức tạp. Bà cố gắng hoàn tất các công việc cần thiết để nhanh chóng về nhà khi trời chưa tối, đường vẫn đông người.
Từ khi Bitel (thương hiệu Viettel tại Peru) đưa giải pháp Smart City đến đất nước này, tình hình an ninh đã dần được kiểm soát. Mỗi khu vực dân cư đều có camera giám sát, giúp cảnh sát dễ dàng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Điều đó khiến bà Marianella cảm thấy an tâm hơn khi ra đường và hy vọng hệ thống này sẽ nhanh chóng được nhân rộng trên toàn quốc để mang lại sự yên tâm và an toàn cho người dân Peru.
Giải pháp thành phố thông minh của Bitel được triển khai tại các khu vực như Barrios Altos, Salaverry, Chota, Cusco, Moche và Brena, giúp giảm 84% tỷ lệ tội phạm và 66% số vụ tai nạn giao thông. Công nghệ này dự kiến sớm được mở rộng sang nhiều khu vực khác, giúp chính quyền địa phương và người dân có công cụ để cải thiện hiệu quả giao tiếp, quản lý và tạo môi trường sống tốt hơn. Bitel cũng cung cấp dịch vụ an toàn thông tin cho 100% đồn cảnh sát, cơ sở y tế và sân bay trên toàn quốc.
Đó chỉ là một trong nhiều vấn đề của nước sở tại được doanh nghiệp Việt Nam giải quyết bằng công nghệ số. Nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã vươn ra khai thác thị trường nước ngoài, mở ra không gian mới tiềm năng và giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Không chỉ dừng lại ở các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, Canada, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam còn khai phá nhiều thị trường mới như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp và Myanmar. Một cái tên nổi bật trong số các doanh nghiệp Việt Nam vươn mình ra nước ngoài và tạo được dấu ấn là MobiFone Global (công ty thuộc MobiFone).
Hiện các dịch vụ của MobiFone Global đã vươn ra thị trường quốc tế. Các công ty con, văn phòng đại diện đã MobiFone Global thành lập tại Mỹ, Singapore, Hồng Kông, Myanmar… để phát triển hoạt động kinh doanh.
Trong giai đoạn 2025-2030, MobiFone Global tiếp tục đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp công nghệ hàng đầu khu vực, đầu tư mở rộng hạ tầng truyền dẫn và trung tâm dữ liệu kết nối đến các digital hub của khu vực, cung cấp các dịch vụ viễn thông đặc biệt là các dịch vụ trên mạng 5G, đầu tư vào các công nghệ trọng điểm AI, IoT, Cloud, dữ liệu lớn, bảo mật để cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho khối chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Việt Nam hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài với ước tính doanh thu của thị trường nước ngoài hiện nay khoảng 7,5 tỷ USD, tương đương 80% tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Trong số đó, các doanh nghiệp như VNPT, Viettel, FPT, CMC, Rikkeisoft và NTQ đã rất thành công và ghi dấu ấn tại thị trường nước ngoài. Khoảng 1.500 doanh nghiệp đã có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghiệp số là một trong những thế mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Đã có hàng loạt lời mời gọi hấp dẫn từ đại diện các cơ quan thương mại và đầu tư của 7 thị trường lớn gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản gửi tới các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Đồng hành cùng doanh nghiệp công nghệ số Việt trong hành trình “vươn ra biển lớn” suốt hàng chục năm qua, ông Nguyễn Thanh Tuyên nhận định nhân công vẫn là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.
Thực tế, các cường quốc công nghệ như Mỹ và Nhật Bản đang đối mặt với khó khăn vì lao động già hóa và ngại tiếp xúc công nghệ mới, trong khi lực lượng lao động của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là người trẻ, có ưu thế trong việc tiếp cận công nghệ mới rất nhanh. Đây là ưu thế cạnh tranh để doanh nghiệp Việt “bứt tốc” mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và nâng cao vị thế.
Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện thị phần của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài còn thấp, dù cơ hội phát triển rất lớn. Các doanh nghiệp cần tăng cường nghiên cứu khả năng liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài và mở văn phòng đại diện đầu tư.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, chữ tín và bảo mật thông tin, nghiên cứu kỹ tính khả thi của dự án và hợp đồng. Các doanh nghiệp nên có nhân sự am hiểu địa bàn và ngôn ngữ bản địa, hợp lực chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các doanh nghiệp đi trước.
Một yếu tố quan trọng khác là đổi mới sáng tạo, đầu tư mạnh mẽ vào R&D (nghiên cứu và phát triển) để phát triển sản phẩm đột phá và tạo lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu vững chắc, nâng cao nhận diện thương hiệu trên trường quốc tế để thu hút khách hàng và đối tác.
Sức mạnh nội tại của doanh nghiệp cũng cần được phát triển thông qua việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, ngoại ngữ và tư duy toàn cầu.
Ông Hà Thế Dương, Phó tổng giám đốc Viettel Global, chia sẻ từ kinh nghiệm “thực chiến” ở nước ngoài rằng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần trang bị chiến lược toàn diện, sắc bén và đa chiều thông qua việc nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, nắm bắt xu hướng, nhu cầu và đối thủ cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần xác định "mặt trận" tấn công trọng điểm bằng cách tập trung vào thị trường ngách phù hợp với thế mạnh của mình.
Bên cạnh đó, cần mở rộng liên minh và hợp tác chiến lược, xây dựng hệ sinh thái đối tác vững chắc để tạo sức mạnh tổng hợp và mở rộng mạng lưới. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, kết nối với Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Kính mời độc giả đọc đặc san VietTimes Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề "Chuyển đổi số và kỷ nguyên vươn mình" tại đây!