CEO công nghệ kỳ vọng gì năm Ất Tỵ 2025?

Ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ số đã chia sẻ cảm nhận rất rõ về thời cơ và vận hội để bứt phá, không ngừng đổi mới, vươn ra thị trường quốc tế, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ nước nhà.

Con rắn vốn là biểu tượng của sự hồi sinh, đổi mới, vậy nên năm Ất Tỵ 2025 được nhiều doanh nghiệp đón chờ với sự lạc quan, tràn đầy hy vọng về sự khởi sắc, thời cơ và vận hội mới. Xông đất đầu năm, Tạp chí điện tử VietTimes cùng lãnh đạo của một số doanh nghiệp công nghệ số chia sẻ về kế hoạch kinh doanh và những mong muốn gửi gắm trong năm Ất Tỵ 2025.

Kỳ vọng về đột phá trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn

Ông Vũ Kiêm Văn, Tổng giám đốc MobiFone Global, đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam:

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, với vị thế mới, MobiFone Global xác định năm 2025 là khởi đầu mới quan trọng để thúc đẩy chiến lược phát triển, đồng hành cùng sự phát triển của MobiFone và quốc gia.

vt_vu kiem van.jpg
Ông Vũ Kiêm Văn nhận định rằng Việt Nam đang đứng trước vận hội chưa từng có để trở thành quốc gia công nghệ hiện đại.

Trao đổi với VietTimes dịp đầu xuân, ông Vũ Kiêm Văn chia sẻ về mục tiêu tiên phong trong lĩnh vực công nghệ bằng việc cung cấp các giải pháp hiện đại như 5G, IoT (Internet vạn vật), trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây,… góp phần thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số ở tất cả các ngành, lĩnh vực, tham gia thực hiện các bài toán lớn của đất nước.

Đồng thời, MobiFone Global tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế thương hiệu trên toàn cầu.

Với vai trò là CEO của MobiFone Global và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam, ông Văn nhận thấy Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, phù hợp với xu hướng toàn cầu. Đồng thời, Nghị quyết mở ra thời cơ lớn để Việt Nam bứt phá mạnh mẽ trên con đường phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đây là sự khẳng định về vai trò then chốt của công nghệ và sáng tạo trong việc nâng tầm vị thế quốc gia. Tư tưởng đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo trong những nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết sẽ tạo tiền đề cho các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và cá nhân tham gia vào các hoạt động đổi mới, đồng thời đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa.

Điều này mang đến vận hội chưa từng có để Việt Nam chuyển mình, trở thành quốc gia công nghệ hiện đại, sánh vai với các cường quốc công nghệ trong khu vực và thế giới.

"Tôi kỳ vọng rằng với sự quyết liệt và đồng bộ trong thực thi Nghị quyết 57, Việt Nam sẽ đạt được nhiều bước tiến đột phá trong các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện toán đám mây, và năng lượng tái tạo. Các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ, sẽ vươn lên mạnh mẽ với những sản phẩm Make in Vietnam chất lượng cao, không chỉ đáp ứng thị trường nội địa mà còn tạo dấu ấn trên thị trường quốc tế", ông Vũ Kiêm Văn nói.

Đó là tiền đề để chúng ta xây dựng nền kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, hình thành những trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo đẳng cấp khu vực.

Nhân dịp đầu xuân Ất Tỵ, ông Văn gửi lời chúc cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam một năm mới tràn đầy sáng tạo, đột phá và thành công! Hãy tiếp tục tiên phong trong đổi mới, nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Ông bày tỏ mong muốn tinh thần đoàn kết, bản lĩnh và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực!

Công nghệ trở thành động lực chính để thay đổi và phát triển bền vững

Ông Vũ Xuân Nguyên, Chủ tịch HĐQT IGB Group:

"Năm mới, chúc cho công nghệ dẫn lối, văn hóa thăng hoa, thể thao chinh phục, và du lịch Việt Nam vươn tầm quốc tế", Chủ tịch IGB Group hồ hởi trong cuộc trao đổi đầu Xuân.

Năm 2025, IGB Group đặt mục tiêu tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt tập trung vào các giải pháp số cho văn hóa, du lịch và thể thao.

vt_Xuan nguyen IGB.JPG
Ông Vũ Xuân Nguyên cho biết IGB Group dành 20% ngân sách công ty để đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), blockchain và IoT,...

Ông Nguyên chia sẻ, trong năm mới, IGB Group đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực mũi nhọn. Trong đó, tiếp tục đầu tư vào các giải pháp như Du lịch thông minh, vPickleball và Sgolf.

"Chúng tôi đặt mục tiêu không chỉ cải tiến về công nghệ mà còn tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng và đối tác.

IGB Group mở rộng triển khai phần mềm du lịch thông minh đến các tỉnh thành khác, đặc biệt các khu vực trọng điểm du lịch và các địa phương còn khó khăn trong chuyển đổi số và sẵn sàng đồng hành cùng các Liên đoàn thể thao tại Việt Nam và Thế giới về phát triển phần mềm cho các môn thể thao.

Đặc biệt, IGB Group ứng dụng AI và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) để xây dựng các mô hình dự báo, hỗ trợ ra quyết định cho các doanh nghiệp và địa phương", ông Vũ Xuân Nguyên nói.

IGB Group mở rộng thị trường và quy mô hoạt động. Trong đó, tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế để đưa các sản phẩm phần mềm "Make in Vietnam" ra thị trường khu vực và toàn cầu, tạo dấu ấn cho công nghệ Việt Nam. Đồng thời, xây dựng mạng lưới đối tác nội địa và quốc tế để triển khai các dự án công nghệ lớn, có sức ảnh hưởng lâu dài.

Năm 2025, IGB Group dành 20% ngân sách công ty để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tập trung vào các công nghệ như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), blockchain và IoT. IGB còn có kế hoạch phát triển các giải pháp số hóa văn hóa như bảo tồn di sản số, trải nghiệm 3D các địa danh du lịch và tổ chức các sự kiện thể thao ứng dụng công nghệ hiện đại.

Ban lãnh đạo IGB Group nhìn nhận Nghị quyết 57 về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp công nghệ như IGB Group đẩy nhanh việc cung cấp các giải pháp số hóa, từ quản lý thông tin đến xây dựng hệ sinh thái số cho văn hóa, thể thao và du lịch.

Đây là thời điểm để kết nối chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp công nghệ và các cơ quan, tổ chức địa phương. Bằng cách này, chúng ta không chỉ đưa công nghệ vào cuộc sống mà còn tạo ra các giá trị kinh tế và xã hội lâu dài.

Năm mới, IGB Group tin tưởng vào một tương lai tươi sáng, nơi công nghệ không chỉ là công cụ mà còn là động lực chính để thay đổi và phát triển bền vững.

Thương mại điện tử tiến rất xa

Bà Nguyễn Thị Minh Khuê - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sapo:

Bà Minh Khuê chia sẻ, Việt Nam hiện có 6 triệu nhà bán hàng ở mọi quy mô, từ siêu nhỏ đến nhỏ vừa và lớn. Những năm gần đây lĩnh vực bán lẻ và thương mại điện tử phát triển rất nhanh, có thể nói là tốc độ tăng trưởng dẫn đầu nền kinh tế.

Đảng, Chính phủ đã tạo ra nhiều cơ sở thuận lợi cho nhà bán hàng tiếp tục hiện thực hóa những dự định kinh doanh táo bạo. Tuy nhiên, những nhà bán hàng lại đối mặt với những thách thức và áp lực về chuyển đổi số, do họ còn thiếu nguồn lực, thiếu kinh nghiệm và chi phí đầu tư ban đầu rất lớn.

vt_ms Minh Khue Sapo.jpg
Bà Minh Khuê chia sẻ quan điểm rằng nhà bán lẻ Việt Nam đang đứng trước 2 lựa chọn: Chuyển đổi số nhanh chóng hoặc rời khỏi cuộc chơi.

Hơn nữa, kỷ nguyên của công nghệ AI, Internet vạn vật là kỷ nguyên của sự thay đổi theo từng giây, khiến cho hành vi của người mua hàng rất khó dự đoán. Tất cả bối cảnh này sẽ đặt người bán hàng trong lĩnh vực bán lẻ và thương mại điện tử Việt Nam đứng trước hai lựa chọn: Chuyển đổi số nhanh chóng hoặc Rời khỏi cuộc chơi.

Sapo có tham vọng mang đến giải pháp tăng trưởng nhanh chóng và bền vững cho nhà bán hàng mọi quy mô trong kỷ nguyên công nghệ của sự thay đổi. Sapo thiết lập một “tiêu chuẩn kép” chưa từng có: Giải pháp không chỉ giúp tăng sức cạnh tranh cho nhà bán hàng mà còn cần đảm bảo sự đơn giản, dễ sử dụng, triển khai nhanh, để nhà bán hàng quy mô nhỏ và siêu nhỏ cũng có thể phát triển thần tốc.

"Thách thức của chúng tôi là làm thế nào để nhà bán lẻ ở mọi quy mô, với những điều kiện khác nhau về tiềm lực và hiểu biết công nghệ, đều có thể ứng dụng nhanh giải pháp hỗ trợ bán hàng toàn diện.

Đây là bài toán mà xã hội và thị trường đang cần lời giải và Sapo tiên phong tìm phương án giải quyết, cũng như phối hợp cùng hệ sinh thái đối tác là những doanh nghiệp công nghệ, tài chính, thương mại xã hội,... hàng đầu trong nước và quốc tế", bà Nguyễn Thị Minh Khuê nói.

Dự đoán về triển vọng 5 năm tới, lãnh đạo Sapo cho rằng toàn ngành bán lẻ và đặc biệt là thương mại điện tử sẽ còn tiến rất xa, tăng tốc cả về số lượng và chất lượng, trở thành đầu tàu của nền kinh tế. Công nghệ hỗ trợ bán hàng, chuyển đổi số toàn diện sẽ trở thành tất yếu. Những nhà bán lẻ, các hộ kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ không thể đứng ngoài yêu cầu tự đổi mới bản thân để không đứng ngoài vòng xoáy.

Vận hội mới cho các doanh nghiệp KHCN

Ông Ngô Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT, CEO Công ty cổ phần An ninh mạng SCS (SafeGate):

Theo ông Ngô Tuấn Anh, năm 2025 sẽ là năm bản lề trong hoạt động của SafeGate với tầm nhìn và sứ mệnh cung cấp các giải pháp, dịch vụ an ninh mạng cho hàng triệu người dân cũng như các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Trong năm 2024, SafeGate đã bước đầu thực hiện và triển khai các giải pháp trong thực tế. Năm 2025 sẽ bước sang giai đoạn mới đó là thúc đẩy, triển khai mở rộng các giải pháp, dịch vụ với quy mô lớn hơn, tập khách hàng đa dạng hơn.

ngo Tuan anh 1.jpg
Ông Ngô Tuấn Anh cho rằng Nghị quyết 57 như là chất xúc tác cho hoạt động của các doanh nghiệp KHCN được triển khai một cách nhanh và mạnh mẽ hơn

Ban lãnh đạo SafeGate kỳ vọng năm mới Ất Tỵ sẽ mang tới nhiều vận hội mới cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo nói chung, trong đó có SafeGate.

"Nghị quyết 57 như là chất xúc tác cho hoạt động của các doanh nghiệp KHCN được triển khai một cách nhanh và mạnh mẽ hơn. Nghị Quyết 57 nêu rõ bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", ông Ngô Tuấn Anh nói.

Khẳng định trí tuệ Việt trên bản đồ thế giới

Ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc MISA:

Những ngày đầu Xuân Ất Tỵ, ông Lê Hồng Quang vẫn còn giữ nguyên niềm tự hào khi MISA cùng 5 doanh nghiệp công nghệ khác đã tiên phong nhận nhiệm vụ chiến lược quốc gia làm chủ công nghệ AI đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới. Đây không chỉ là một nhiệm vụ chiến lược tiên phong mà còn là sứ mệnh lịch sử mang dấu ấn trí tuệ Việt, kiến tạo công nghệ AI dành riêng cho người Việt.

1A Quang thumbnail (1).jpg
Ông Lê Hồng Quang cho rằng Việt Nam có thể tự sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ, khẳng định vị trí của trí tuệ Việt trên bản đồ thế giới.

Chia sẻ với VietTimes, ông Quang cho biết, năm Ất Tỵ là năm đầu tiên trong chương trình 5 năm MISA đầu tư 2.500 tỷ đồng cho việc xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cho AI Make in Vietnam tối thiểu 100 tỷ tham số và chuyên sâu cho xử lý văn bản pháp luật Nhà nước, kế toán, thuế và quản trị doanh nghiệp, chuyên sâu nông nghiệp hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi và trồng trọt.

Đây là hành động thiết thực hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số Quốc gia, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam ngày càng giàu mạnh và hùng cường.

"Tôi tin rằng, với định hướng từ Nghị quyết 57, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thể trở thành quốc gia hàng đầu về công nghệ tại Đông Nam Á. Việt Nam có thể tự sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ Make in Vietnam khẳng định vị trí của trí tuệ Việt trên bản đồ thế giới", ông Quang nói.

Bên cạnh đó, với việc đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột, kinh tế số sẽ dần chiếm tỷ trọng lớn trong GDP: Các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều được số hóa, giúp tăng năng suất lao động và tạo ra giá trị kinh tế bền vững. Ở lĩnh vực Chính phủ số, các dịch vụ công sẽ được số hóa, minh bạch, hiệu quả hơn, giúp tăng niềm tin của người dân vào chính quyền. Ở lĩnh vực xã hội số, công nghệ sẽ giúp thu hẹp khoảng cách, tăng cường chất lượng giáo dục, y tế và đảm bảo mọi người dân đều được thụ hưởng những tiện ích của thời đại số.

Nhân dịp năm mới, Tổng giám đốc MISA gửi lời chúc các doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên phong, tạo ra những sản phẩm “Make in Vietnam” xuất sắc, vươn tầm thế giới. Mong rằng các doanh nghiệp công nghệ số sẽ sát cánh cùng nhau và đồng hành cùng các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số để phát triển kinh tế, xã hội văn minh.

"Chúc các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững và gặt hái nhiều thành công trên hành trình chinh phục những mục tiêu lớn cùng đất nước", ông Lê Hồng Quang bày tỏ.