Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2018.
Tính đến cuối năm 2018, 19 doanh nghiệp nhà nước và có vốn nhà nước chi phối (nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) có 114 dự án đầu tư ra nước ngoài. Lĩnh vực được đầu tư gồm viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản và lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Trong đó, 84 dự án phát sinh doanh thu, lợi nhuận. Trong đó tổng lợi nhuận của các dự án có lãi là 187 triệu USD giảm 24% so với năm 2017.
Một dự án đầu tưcủa Tập đoàn Dầu khí tại Peru. Ảnh:PVN |
Tuy nhiên, tổng số lỗ phát sinh trong năm 2018 của các dự án báo lỗ là 367 triệu USD tăng 265% so với năm 2017. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là các dự án của Viettel với số lỗ phát sinh là 349 triệu USD, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) với số lỗ phát sinh là 7,7 triệu USD.
Trong báo cáo, Chính phủ cho biết, lĩnh vực viễn thông, kinh doanh xăng dầu, dịch vụ dầu khí, xây lắp và dịch vụ lưu trú có trên 60% các dự án phát sinh lãi. Ngược lại, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và khai thác khoáng sản có tỷ lệ dự án lãi thấp, lần lượt là 17% và 11%. Ngoài ra, lĩnh vực viễn thông, trồng chế biến mủ cao su và khai thác khoáng sản là 3 lĩnh vực còn nhiều dự án đang bị lỗ lũy kế.
Chính phủ đánh giá, so với năm 2017 tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận năm 2018 của hầu hết lĩnh vực đều giảm, giảm nhiều nhất trong lĩnh vực khai thác khoáng sản (giảm 27%) và kinh doanh xăng dầu (giảm 23%) chủ yếu ảnh hưởng do sự biến động của giá dầu thế giới.
Lợi nhuận giảm nhiều nhất trong lĩnh vực viễn thông với số lỗ tăng là 349 triệu USD, nguyên nhân chủ yếu do đồng nội tệ mất giá cũng như tình trạng lạm phát tại nước đầu tư (như các nước Châu Phi, Trung Mỹ hoặc Đông Nam Á) và cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực viễn thông. Lĩnh vực trồng, chế biến mủ cao su cũng giảm trên 40% do giá cao su tự nhiên thế giới sụt giảm sâu và ảnh hưởng của việc các quốc gia sở tại thay đổi chính sách đầu tư, đất đai (Lào, Campuchia).
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đánh giá nguyên nhân chủ quan chung dẫn đến kết quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn chưa đạt như kỳ vọng là khả năng dự báo thị trường, năng lực quản lý, năng lực tài chính và về kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài còn hạn chế.
Trước đó, chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo Tập đoàn Viettel cũng thừa nhận những khó khăn về biến động tỷ giá, đặc biệt ở thị trường châu Phi. Viettel cũng như nhiều doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài thường đóng khoản vốn điều lệ thấp, số tiền còn lại là đầu tư vào dưới hình thức cho đối tác hoặc liên doanh vay. Tuy nhiên, thực chất là con số đó chỉ là sổ sách bởi khi đồng tiền bị mất giá thì Viettel sẽ tính đến phương án không mua USD để mang về nữa. Còn nếu cứ đánh giá dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh và tính bằng nội tệ thì vẫn lãi, thậm chí tăng trưởng đang rất tốt, chỉ khi đổi USD mang về mới thành lỗ.
Ngoài ra, theo lãnh đạo doanh nghiệp này, một số dự án viễn thông đang trong quá trình đầu tư hoặc mới đi vào hoạt động nên vẫn phải bù chi phí đầu tư lớn.
Báo cáo cho biết, tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án đến cuối 2018 là xấp xỉ 12 tỷ USD. Trong đó 3 tập đoàn đầu tư lớn nhất, gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đứng thứ nhất là 6,7 tỷ USD (chiếm 56%), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) xấp xỉ 3 tỷ USD (chiếm 25%), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là 1,4 tỷ USD (chiếm 12%).
Lũy kế đến cuối 2018, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện của 19 doanh nghiệp là hơn 5,8 tỷ USD. Trong đó, 6 doanh nghiệp đã thu hồi vốn đầu tư từ các dự án tại nước ngoài với số tiền 2,6 tỷ USD, bằng 45% vốn đầu tư đã thực hiện.
Theo VnExpress
Link gốc: https://vnexpress.net/kinh-doanh/doanh-nghiep-nha-nuoc-dau-tu-ra-quoc-te-ngay-cang-lo-3998929.html