Theo tờ ABC News, bên bán trong thương vụ này là Consolidated Pastoral Company (CPC) - một công ty chăn nuôi tư nhân có quy mô lớn của Australia. Thương vụ có giá trị lên tới 135 triệu USD và đang được các cơ quan quản lý xem xét thông qua theo quy định, bao gồm cả việc mua lại hơn 50.000 con gia súc cùng với nhà máy và máy móc khác của các trạm.
Trong một tuyên bố chung với CAIT, ông Troy Setter (Giám đốc điều hành CPC) cho biết các tài sản này dành được sự quan quân rất lớn từ thị trường và được định giá khá cao.
"Việc thoái vốn khỏi ba trạm này với giá trị tài sản ròng cao hơn ban đầu đã phản ánh chất lượng của các trạm và hiệu quả của các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng của chúng tôi trong những năm gần đây” - vị này chia sẻ.
Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành CPC cho biết các quản lý trạm và nhân viên của công ty đều mong muốn được làm việc với CAIT để tiếp tục điều hành và quản lý đất đai tại các trạm.
Được biết, các tài sản của CPC đã được chủ sở hữu là Terra Firma (có trụ sở tại Anh) rao bán toàn bộ hoặc từng phần kể từ tháng 3/2018. Trước khi bán một số trang trại cho CAIT, CPC đã bán một trang trại có tên là Nockatunga ở Queensland và vẫn đang tìm cách bán các trạm gia súc còn lại của mình.
Dù liên tục bán tài sản, CPC vẫn còn sở hữu tới hơn 12 trang trại được đánh giá là có chất lượng cao, với quy mô lên tới hơn 3,9 triệu ha. Ngoài ra, CPC còn sở hữu 80% vốn tại công ty Juang Jaya Abdi Alam (JJAA) - đơn vị đang quản lý và vận hành hai trạm chăn nuôi tại Indonesia.
Về phía CAIT, tờ Global AgInvesting cho biết nhà đầu tư này là một thành viên của Tập đoàn TH (TH Group) đến từ Việt Nam. Tập đoàn này hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: tài chính, nông nghiệp, thực phẩm và dược phẩm. Thương vụ này được cho là sẽ giúp TH Group đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh và mở rộng các hoạt động tại Australia.
Ba trạm chăn nuôi của CPC có diện tích lên tới 740.000 ha (Nguồn: abc.net.au) |
Những “thử nghiệm” trên đất Australia
Theo người phát ngôn của CAIT, công ty này đang hướng đến việc thực hiện đa dạng hóa hoạt động của trạm thay vì chỉ tập trung vào hoạt động chăn nuôi gia súc đơn thuần.
Theo đó, CAIT dự tính sẽ “tiếp tục rót vốn đầu tư vào các tài sản này và thực hiện đa dạng hóa thông qua việc phát triển các lĩnh vực mới, phân chia lại các diện tích cho việc trồng trọt các loại nông sản có giá trị cao và những khu vực dành cho các lĩnh vực ngoài chăn nuôi”.
Là một trong những người tư vấn cho CAIT, ông Andrew Phillip (Chuyên gia phát triển lĩnh vực nông nghiệp của Northern Territory Farmers) cho biết: “Trong quá trình đàm phán, họ (CAIT) tỏ ra khá cắc chắn trong việc trồng thêm các loại nông sản bên cạnh việc tiếp tục chăn nuôi gia súc”.
"CAIT đang xem xét những giống cây khả thi có thể trong được ở các trang trại này. Một trong số đó là thử nghiệm với cây bông tại Kununurra, nhưng nhà đầu tư mới đang xem xét các lựa chọn khác. Họ đang cố gắng tìm ra giống cây phù hợp nhất cho các trạm này” - ông Andrew cho biết.
Vị chuyên gia của Northern Territory Farmers cũng kỳ vọng chủ nhân mới của các trạm sẽ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ phát triển một dự án trồng trọt trên quy mô lớn.
"Họ hiểu rằng cần phải tiếp tục đầu tư, và có rất nhiều công việc phải thực hiện để bắt đầu quá trình đó" - vị chuyên gia này chia sẻ.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Andrew, CAIT đang nhắm đến các thị trường tiềm năng ở nước ngoài để xuất khẩu các sản phẩm bông. Đồng thời, CAIT cũng lên phương án để cải thiện tình hình hoạt động kinh doanh thịt bò tại các trạm.
Tại Việt Nam, TH Group cũng đang thực hiện đầu tư phát triển nhiều dự án trang trại bò sữa chăn nuôi tập trung ở nhiều địa phương. Trong đó, phải kể tới dự án trang trại chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Nghệ An. Được biết, dự án này có quy mô lên tới 37.000 ha, với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD.
Không chỉ ở trong nước, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của TH Group cũng tạo được nhiều sự chú ý. Vào tháng 9/2018, TH Group đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến sữa TH có công suất 1.500 tấn/ngày tại tỉnh Kaluag thuộc Liên bang Nga. Nhà máy này nằm trong dự án tổ hợp chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao với tổng vốn đầu tư lên tới 2,7 tỷ USD./.