Điều trị COVID-19 từ xa: Bác sĩ nói không được mua thuốc kháng đông, kháng viêm tự uống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bác sĩ nói F0 cách ly tại nhà không được tự ý mua các loại thuốc kháng đông, kháng viêm về uống, dù đã có hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM.
Khi F0 cách ly tại nhà, bác sĩ hướng dẫn không được tự ý mua các loại thuốc kháng đông, kháng viêm về uống.
Khi F0 cách ly tại nhà, bác sĩ hướng dẫn không được tự ý mua các loại thuốc kháng đông, kháng viêm về uống.

Các loại thuốc kháng đông, kháng viêm được Sở Y tế khuyến cáo

Sở Y tế TP. HCM đã vừa có văn bản số 5450 cập nhật hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà. Trong đó, bổ sung 2 loại thuốc kháng đông dạng uống để điều trị COVID-19, nâng số loại thuốc kháng đông dạng uống cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà lên 3 loại.
Văn bản này do PGS. TS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM ký, được viện dẫn theo ý kiến của Hội đồng khoa học và công nghệ mở rộng về các thuốc kháng đông dạng uống, ngành y tế thành phố đã cập nhật thêm 2 loại thuốc kháng đông dạng uống. Trước đó, Sở Y tế TP.HCM ban hành văn bản số 5426 do Giám đốc Nguyễn Tấn Bỉnh ký.

Cả hai văn bản của Sở Y tế TP.HCM đề nghị giám đốc các bệnh viện, trung tâm y tế nhanh chóng bổ sung 2 loại thuốc kháng đông dạng uống này nhằm đảm bảo an toàn, điều trị hiệu quả cho người mắc COVID-19.

Cụ thể, 2 loại thuốc kháng đông dạng uống được bổ sung là Apixaban và Dabigatran. Trước đó, Sở Y tế đã cập nhật sử dụng thuốc kháng đông dạng uống Rivaroxaban.

Apixaban: Liều lượng 2,5 mg, uống 2 lần/ngày. Hoặc Rivaroxaban: Liều lượng: 10mg, uống 1 lần/ngày. Hoặc Dabigatran: Liều lượng: 220mg, uống 1 lần/ngày.

Sở Y tế lưu ý thời gian sử dụng các thuốc trên tối đa là 7 ngày, chỉ sử dụng cho người trên 18 tuổi và thận trọng khi sử dụng cho người trên 80 tuổi; chống chỉ định: phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan, suy thận, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, có các bệnh lý dễ chảy máu; khi sử dụng cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết (như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa…).

Người mắc COVID-19 điều trị tại nhà được chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và 1 trong 3 thuốc kháng đông dạng uống trên trong trường hợp có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 < 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Đối với thuốc kháng viêm corticoid, Sở Y tế hướng dẫn có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau:

Dexamethasone: Liều lượng Người lớn: 6mg/lần/ngày. Trẻ em: 0,15mg/kg/ngày (tối đa 6mg/ngày), uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng). Nếu không có sẵn Dexamethasone, có thể sử dụng một trong các thuốc thay thế sau:

Prednisolone: Liều lượng Người lớn: 40mg/lần/ngày. Trẻ em: 1mg/kg/ngày (tối đa 40mg/ngày), uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).

Hoặc dùng Methylprednisolone: Liều lượng Người lớn: 16mg/lần, uống 2 lần/ngày cách 12 giờ. Trẻ em 0,8mg/kg/lần, 2 lần/ngày cách 12 giờ (tối đa 32mg/ngày), uống sau khi ăn (buổi sáng và buổi tối).

Người có bệnh dạ dày cần uống kèm thuốc dạ dày, nếu có đáp ứng tốt, thời gian sử dụng tối đa là 7 ngày.

Ngoài thuốc kháng viêm corticoid và thuốc kháng đông dạng uống dành cho trường hợp có chỉ định, những bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà cần chuẩn bị các thuốc thiết yếu gồm thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền).

Đặc biệt, văn bản của Sở Y tế lưu ý, người mắc COVID-19 cách ly tại nhà cần liên hệ nhân viên y tế khi có dấu hiệu bất thường sau:

Có các triệu chứng như sốt trên 38ºC, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở thì liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài "1022" (bấm số 3) để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM, hoặc số 4 để được tư vấn từ "Thầy thuốc đồng hành", hoặc gọi số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được tư vấn và hướng dẫn xử trí.

Khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 20 lần phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, nồng độ oxy trong máu (SpO2) <95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà) thì liên hệ ngay tổng đài "115" hoặc số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Văn bản số 5450 do Phó Giám đốc Tăng Chí Thượng ký

Văn bản số 5450 do Phó Giám đốc Tăng Chí Thượng ký

Hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 cách ly tại nhà, phiên bản cập nhật 1.1
Hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 cách ly tại nhà, phiên bản cập nhật 1.1
Đối tượng thực sự của văn bản hướng dẫn này của Sở Y tế TP.HCM là gì?

Đối tượng thực sự của văn bản hướng dẫn này của Sở Y tế TP.HCM là gì?

Bác sĩ khuyên F0 cách ly tại nhà không uống thuốc kháng đông, kháng viêm

Các bác sĩ đang tham gia điều trị F0 từ xa cũng đồng thuận với suy nghĩ của chuyên gia chống dịch, bác sĩ Trương Hữu Khanh đã trao đổi với VietTimes sáng nay, cho rằng F0 không nên tự mua dự phòng các loại thuốc kháng đông, kháng viêm nói trên vì nguy cơ gây chảy máu dạ dày.

Trả lời VietTimes chiều nay 11/8, bác sĩ Đinh Khắc Hiếu (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) nhắc đi nhắc lại: “Các loại thuốc kháng đông, kháng viêm đều là thuốc phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ điều trị, F0 đang cách ly tại nhà nhất thiết không nên tự mua dự phòng về nhà. Mặc dù có hướng dẫn đầy đủ từ Sở Y tế nhưng mỗi F0 có thể trạng khác nhau, tình trạng diễn biến bệnh COVID-19 khác nhau, nên việc F0 tự ý uống các thuốc này có thể dẫn tới hậu quả khó lường”.

VietTimes đặt ra câu hỏi về việc, như vậy đối tượng phát hành của các văn bản số 5450 và 5426 là ai? Khi ngay tiêu đề công văn ghi rõ: “Gửi Bệnh viện công lập và ngoài công lập, Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19, Trung tâm y tế, cơ sở cách ly tập trung F0…” Nhưng văn bản ban hành kèm theo lại là “Hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà”.

Cụ thể, văn bản quy định Điều 1 “Đối tượng áp dụng: Người mắc COVID-19 mới được phát hiện tại cộng đồng đang cách ly tại nhà”. Điều 2: “Hướng dẫn tự chăm sóc sức khoẻ tại nhà”. Điều 3: “Hướng dẫn sử dụng thuốc tại nhà”.

Bác sĩ Đinh Khắc Hiếu cho rằng: “Các văn bản này không rõ ràng, không thoát nghĩa. Đối tượng được gửi văn bản thì đều là các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở cách ly tập trung vì ở đây có các bác sĩ để chỉ định sử dụng thuốc theo phác đồ. Nhưng đúng là không tránh khỏi việc khi văn bản được phổ biến thì một số lớn người dân trở thành F0 đang cách ly tại nhà đã rất lo lắng và sẽ tìm cách nhờ người đi mua thuốc về dự phòng, sử dụng. Thậm chí, người dân sẽ cho rằng đây là khuyến cáo chính thức của Sở Y tế địa phương”.

Bác sĩ Hiếu nhấn mạnh: “Những ngày qua, khi tham gia điều trị COVID-19 từ xa, tôi cũng đã tiếp nhiều bệnh nhân cho biết đã đi mua thuốc này thuốc kia về nhà. Tôi xin nhắc lại rất rõ, F0 tuyệt đối không được tự ý mua các thuốc kháng viêm, kháng đông như khuyến cáo của Sở Y tế TP.HCM về nhà và tự uống; sẽ có nhiều hậu quả khó lường, nhất là trong tình trạng y tế quá tải như hiện nay của TP.HCM”.