Điều trị COVID-19 từ xa: Bác sĩ nói về test nhanh và thuốc nên dùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trao đổi về việc điều trị COVID-19 từ xa, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ phân tích về test nhanh và thuốc nên dùng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia chống dịch, nguyên là Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM)
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia chống dịch, nguyên là Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM)

Trong đợt dịch bệnh COVID-19 hoành hành mạnh nhất, số lượng F0, F1 tăng lên chóng mặt như hiện tại, cư dân nhiều khu vực, tỉnh thành, vùng miền đều xôn xao trước câu hỏi về tính chính xác của test nhanh COVID-19. Nhiều người nghi ngờ việc test nhanh khi dương khi âm, có lúc test nhanh dương nhưng test PCR lại âm, sẽ gây hoang mang.

Lợi thế của test nhanh được bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (BV Nhi Đồng 1 TP.HCM) khẳng định: “Đương nhiên là vì nó cho kết quả nhanh”.

“Test nhanh với người dương tính sẽ cho 2 vạch C và T. Kết quả chỉ một vạch C là âm tính. T hiện lên nhanh và đậm hơn C thì khả năng mang virus nhiều đấy. T hiện lên mờ thì khả năng là ít virus” – Bác sĩ Khanh hướng dẫn.

“Nếu test nhanh âm tính thì sẽ có khả năng không bệnh hoặc đang ủ bệnh. Nếu người mới mang virus, vì tải lượng virus còn thấp nên test nhanh tìm không thấy. Bệnh hồi nào không biết và sắp hết nên virus thấp test nhanh cũng không tìm thấy” – Bác sĩ Khanh phân tích.

Với các F0 đã được xác nhận bởi xét nghiệm PCR, bác sĩ Trương Hữu Khanh đưa lời khuyên: “F0 ở nhà không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ đã hết thì bình tĩnh chờ ngày thứ 7 của chu kỳ phát hiện bệnh, test nhanh nếu thấy vạch T mờ hơn lần trước hoặc đã biến mất là khoẻ rồi đấy. Nếu vạch T còn đậm thì cũng kệ, chả sao vì mình không triệu chứng và đang khỏe mà. Và tầm ngày 14 test tiếp lần nữa, nếu vạch T biến mất luôn thì có thể an toàn, tái xuất “giang hồ” và 5K”.

Bác sĩ khuyên các F0 nếu đã thấy vạch T mờ đi nhưng vẫn chưa yên tâm thì có thể tiếp tục tự cách ly theo dõi tiếp trong nhà, cứ 7 ngày tại test nhanh một lần để kiểm tra.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên người dân nên dự phòng test nhanh tại nhà để biết nguy cơ lây nhiễm COVID-19

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên người dân nên dự phòng test nhanh tại nhà để biết nguy cơ lây nhiễm COVID-19

Trong trường hợp đối với các F1, bác sĩ Trương Hữu Khanh đưa lời khuyên: “Test nhanh thấy lên 2 vạch thì chuyển F1 thành F0. Test nhanh lần thứ nhất âm tính đối với F1 thì chưa chắc đã là người không mang virus vì trường hợp này có thể đang ủ bệnh hay nồng độ virus thấp. Vậy nếu là F1, sau lần test nhanh thứ nhất, 3 ngày sau hãy làm lại hay khi có triệu chứng thì làm lại để xác định khả năng có trở thành F0 hay không”.

“Nếu F1 qua ngày thứ 15 kể từ khi xác định liên quan đến F0 nhưng test nhanh thấy kết quả vẫn âm thì tương đối an toàn, có thể 5 K và tiếp tục sinh hoạt trở lại với cộng đồng” – Bác sĩ Khanh khẳng định.

Trước thực tế số lượng F0 tăng lên chóng mặt tại nhiều vùng miền, tỉnh thành, sáng 4/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh về việc người dân nên dự phòng test nhanh để biết nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Về các loại thuốc điều trị F0 tại nhà, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng trao đổi thêm, cụ thể về thuốc kháng viêm Corticosteroids và thuốc chống đông cho F0. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh thì đa số không cần dùng hai loại thuốc này. “Đừng lạm dụng. Phải có chỉ định hợp lý! Hết sức cẩn thận vì cũng có nhiều tác dụng phụ đấy!” – Bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhắc đi nhắc lại các quy tắc điều trị F0 tại nhà, thuốc dự phòng chỉ cần thuốc hạ sốt, giảm đau đầu thông thường, bù nước (cho trường hợp có triệu chứng tiêu chảy), các loại không cần bác sĩ kê toa. Ngoài ra, cần dự phòng một máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 để kiểm tra thường xuyên chỉ số này.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhắc nhở: "Quan trọng nhất là phải tập thở. Vừa bắt đầu sốt, đa phần mọi người đã nghĩ: “Thôi chết rồi, sẽ sốt nặng lên, sẽ khó thở lắm đây!” Khi đó, bạn sẽ khó thở thật. Đa số các tình huống khó thở đều đã được bác sĩ kết luận là liên quan đến cái đầu chứ không phải cái phổi. Giả sử trường hợp mình bị khó thở thật thì cũng phải học cách thở để thở bụng, hít vô thật chậm, tới khi nào bụng phình lên, rồi thổi ra giống như thổi lửa, đến khi cơ bụng xẹp xuống. Một ngày phải tập thở 15-20 lần. Tập trung chú ý vào nhịp thở sâu, không nghĩ lung tung, không tưởng tượng những cái không có thật. Chỉ có cách đó thì phổi của bạn mới có nhiều ô xy nhất".