Điều trị COVID-19 từ xa: Bác sĩ hướng dẫn chăm sóc F1, F0 ở nhà, những điều không thể không biết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chuyên gia chống dịch – Bác sĩ Trương Hữu Khanh đưa hướng dẫn khi cách ly F1, F0 tại nhà, những điều không thể không biết.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh phát biểu về phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Việt Dũng
Bác sĩ Trương Hữu Khanh phát biểu về phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Việt Dũng

Phóng viên: - Thưa bác sĩ Trương Hữu Khanh, hiện nay số lượng F1, F0 đang tự cách ly tại nhà ở TP.HCM càng lúc càng tăng lên rất cao. Xin bác sĩ cho biết, các F1, F0 cần trang bị những thiết bị y tế tối thiểu thế nào để có thể đảm bảo an toàn?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Các F0, F1 chỉ cần mua sẵn một nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 (cần tìm đúng nơi mua, thương hiệu có uy tín); khẩu trang y tế (không dùng khẩu trang N95), nón che mặt, nước rửa tay sát khuẩn.

Hiện tại, bình ô xy đã khá hiếm và giá tăng lên rất cao, không phải ai cũng có thể mua được, trừ những trường hợp đặc biệt, có bệnh nền, đã có chỉ định của bác sĩ điều trị từ trước đó.

Về thuốc, F1, F0 chỉ cần dự trữ những thuốc cơ bản thông thường như thuốc ho, hạ sốt, giảm đau, vitamin. Chỉ vậy thôi, muốn dùng kháng sinh nhất thiết phải có ý kiến của bác sĩ.

F1, F0 cần tự cách ly mình trong phòng riêng, khi cần giao tiếp trực tiếp với người nhà thì phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét và có đeo khẩu trang. Hàng ngày phải vệ sinh tắm rửa sạch sẽ để khử khuẩn cho bản thân, với đồ dùng, trang phục áo quần cần giặt giũ thường xuyên, có thể xả nước nóng trên 50 độ cho đồ trước khi đem ra phơi ở nơi thoáng đãng, khô ráo. Đồ dùng khác như bát đũa chén cũng rửa bằng nước nóng, nếu cảm thấy lo lắng có thể sử dụng đồ dùng một lần.

Nên lưu ý, riêng nhà vệ sinh phải liên tục khử khuẩn, đánh rửa sạch sẽ để tránh nguy cơ lây nhiễm.

*Về chế độ ăn uống, F1, F0 có cần lưu ý gì đặc biệt, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Các F0, F1 cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất, ăn đủ các loại thịt bò, gà, hải sản, ăn đủ rau xanh, uống thêm nước trái cây các loại hoặc vitamin tổng hợp. Nên lựa chọn thực phẩm theo cách ăn sạch, uống sạch.

Kể cả trong trường hợp F1, F0 bắt đầu thấy biểu hiện mất khứu giác, mất vị giác, khi này ăn uống sẽ rất khó, vì không còn cảm thấy ngon miệng và cũng không cảm nhận được mùi, vị của thức ăn nhưng vẫn phải cố gắng ăn đủ khẩu phần để có được sức đề kháng tốt nhất thì cơ thể mới có sức chiến đấu với virus, nhất là chủng Delta cực kỳ nguy hiểm.

Có thể lựa chọn thức ăn dạng lỏng, để dễ nuốt hơn. Nên uống đủ nước, uống nhiều nước càng tốt cho cơ thể.

Các bệnh viện TP.HCM hiện nay đang quá tải vì bệnh nhân COVID-19

Các bệnh viện TP.HCM hiện nay đang quá tải vì bệnh nhân COVID-19

*Thưa bác sĩ, TP.HCM thời gian qua nhiều gia đình bị tình trạng cả nhà cùng là F0, nên xử lý thế nào trong trường hợp này?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Đúng là khi biết mình là F0 thì sẽ vô cùng lo lắng. Thậm chí bị cả nhà thì mức độ lo lắng còn cao hơn rất nhiều. Nhưng tôi vẫn khuyên mọi người hết sức bình tĩnh.

Cách đây một tháng, mọi người bị cảm, sốt, ho đầy ra nhưng lúc đấy ai cũng thấy bình thường. Bây giờ thì chỉ cần có triệu chứng ho, sốt, thậm chí chỉ sốt hơn 37 độ thôi là đã hoảng loạn lên rồi, đã than phiền “Em là F0, em sốt cao liên tục, em khó thở quá!”. Nên biết rằng, khi mình là F0, khi bắt đầu hoảng loạn, thì triệu chứng sẽ thực sự nặng lên.

Các gia đình cả nhà cùng là F0 hãy thực sự phải ý thức được rằng phải thật bình tĩnh. Kể cả sốt, cũng là biểu hiện bình thường, như của bệnh cảm cúm. Khi rơi vào hoàn cảnh đó, ít nhất phải có một người có thể là trụ cột để giữ tinh thần cho cả nhà. Chỉ cần bình tĩnh chiến đấu với virus được đến ngày thứ 10, thì cơ thể đã có kháng thể để buộc con virus phải lui đi.

Với cả nhà cùng là F0, tôi khuyên mọi người nên mang khẩu trang tương đối, giữ khoảng cách tương đối với nhau. Các điều kiện khác cũng giống như ở trên đã hướng dẫn.

*Yếu tố quan trọng nhất đối với F0 cách ly tại nhà là gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Quan trọng nhất là phải tập thở. Vừa bắt đầu sốt, đa phần mọi người đã nghĩ: “Thôi chết rồi, sẽ sốt nặng lên, sẽ khó thở lắm đây!” Khi đó, bạn sẽ khó thở thật. Đa số các tình huống khó thở đều đã được bác sĩ kết luận là liên quan đến cái đầu chứ không phải cái phổi. Giả sử trường hợp mình bị khó thở thật thì cũng phải học cách thở để thở bụng, hít vô thật chậm, tới khi nào bụng phình lên, rồi thổi ra giống như thổi lửa, đến khi cơ bụng xẹp xuống. Một ngày phải tập thở 15-20 lần. Tập trung chú ý vào nhịp thở sâu, không nghĩ lung tung, không tưởng tượng những cái không có thật. Chỉ có cách đó thì phổi của bạn mới có nhiều ô xy nhất.

*Thưa bác sĩ, thực tế là thời gian qua đã có một số trường hợp F0 tử vong ngay tại nhà riêng vì trở nặng bất ngờ và không kịp cấp cứu. Xin bác sĩ cho biết dấu hiệu thế nào là trở nặng? Khi có dấu hiệu trở nặng F1, F0 cần làm gì?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nguyên là Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM và là chuyên gia chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nguyên là Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM và là chuyên gia chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - TP.HCM tính sáng nay 28/7 có khoảng hơn 75.000 trường hợp mắc bệnh đã được Bộ Y tế công bố. Trong số này, có khoảng 750 bệnh nhân trở nặng đang phải thở máy tại các bệnh viện trên địa bàn, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay có 815 bệnh nhân đã tử vong.

Thực tế là, có tới 60-80% người bị nhiễm COVID-19 không có triệu chứng gì cả. Đang đi đường bị giữ lại test ngẫu nhiên, xét nghiệm toàn diện ở khu dân phố, nhà máy, công sở… đều cho thấy tỷ lệ dương tính đang tăng lên rất cao.

Nhóm F0 có triệu chứng thứ hai chỉ giống như bị cảm cúm. Trước chủng Delta thì virus “hành” con người đến cả hơn mười ngày. Nhưng từ khi chủng Delta lây lan thì virus chỉ còn “hành” chúng ta được trong vòng 10 ngày thôi. Sau 10 ngày là cơ thể sẽ tạo ra kháng thể để chống lại virus nên nồng độ virus giảm xuống rất thấp.

Có tới 95% ca nhiễm COVID-19 không cần thở oxy. Các trường hợp từ F0 không triệu chứng mà đột ngột trở nặng dẫn tới phải thở máy hay tử vong, có thể nói là cực kỳ hiếm. Sự thực tại TP.HCM thời gian qua chỉ có 5% bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 từ không triệu chứng sẽ trở nặng. Và số tử vong cũng rất hiếm, nằm trong 5% này, rơi vào những người trên 65 tuổi, người trẻ tuổi nhưng béo phì, người có bệnh nền, đặc biệt là bệnh nền chưa được chữa ổn định như suy thận, ung thư vẫn đang còn chạy hoá chất, bệnh tim mạch…

Đa phần các F0 còn lại là có yếu tố nguy cơ cao. Còn chủ yếu các bệnh nhân cảm thấy rất khó chịu đều là do tâm lý lo sợ chứ không phải chuyển biến của bệnh đang trở nặng.

Nếu nhận thấy (nghĩ) mình có dấu hiệu trở nặng mà gọi cấp cứu vẫn không được thì làm gì? Tốt nhất, nên bình tĩnh, kiên trì liên lạc tới cơ quan y tế nơi gần nhất, thông báo rõ dấu hiệu trở nặng của bản thân để được đón đi cấp cứu. Trước tình trạng quá tải y tế của TP.HCM hiện tại, bạn liên lạc một ngày không được thì đến ngày thứ 2 có thể sẽ được.

Việt Nam mình đi sau các nước khác nên khả năng phát hiện sớm cũng cao hơn các nước khác. Bằng chứng cho thấy kể cả y tế bị quá tải như hiện tại thì tỷ lệ tử vong cũng không phải là quá cao.

Hãy thật chú ý vào khoảng ngày thứ 5 đến ngày thứ 8, các F0 có thể sẽ rất khó thở. Hãy hướng dẫn bệnh nhân bài tập thở sâu, nếu nằm không thở được thì kê gối cao lên. Vẫn không thở được thì cho nằm nghiêng rồi tập thở. Nếu nằm nghiêng vẫn không thở được thì nằm sấp xuống, khi đó các phế nang sẽ huy động hết lượng ô xy để phổi có thể duy trì thở. Chỉ cần động viên tinh thần của F0, xe cấp cứu sẽ tới kịp.

Nói mọi người phải lạc quan thì thường sẽ nhận đươc câu trả lời là hoàn cảnh như thế lạc quan sao nổi? Nhưng nếu không lạc quan và kiên nhẫn tìm mọi cách liên lạc với cơ quan y tế, bạn cũng không thể làm gì trong tình trạng đó. Đừng để các bệnh khác cướp mất tính mạng của bạn trước khi xe cấp cứu tới. Ở trong lằn ranh sinh tử đó, hãy hiểu rằng chỉ một cơn nhồi máu cơ tim, nhồi máu não bất ngờ cũng có thể khiến bạn phải xa lìa cuộc sống. Hoặc chí ít, tâm trạng lo lắng sẽ dồn thêm áp lực lên não của bạn, khiến cơ thể mất đi khả năng chống chịu, sức đề kháng bị tụt xuống rất thấp, tạo điều kiện cho virus hoành hành mạnh hơn, khiến bạn thực sự bị chuyển nặng theo đúng nghĩa.