Điều trị COVID-19 từ xa: Bác sĩ BV Chợ Rẫy nói về các khu đang lây nhiễm mạnh theo ô thông gió

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - nói về việc điều trị F0 tại các khu chung cư đang lây nhiễm mạnh theo ô thông gió.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng (Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy) - Ảnh: NVCC
Bác sĩ Lê Quốc Hùng (Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy) - Ảnh: NVCC

Dịch bệnh COVID-19 lan tràn mạnh mẽ, tâm dịch TP.HCM phải đối mặt với hơn 120.000 ca nhiễm như hiện tại, quá tải y tế, khiến một số lượng lớn các F0 phải tự cách ly tại nhà. Trao đổi với VietTimes, bác sĩ Lê Quốc Hùng -Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - hướng dẫn điều trị F0 tại các khu chung cư đang lây nhiễm mạnh theo ô thông gió.

Các loại thuốc thiết yếu cần cho điều trị F0 tại nhà

* Thưa bác sĩ, TP.HCM hiện nay đang phải đối mặt với hiện trạng nhiều F0 đang phải cách ly tại nhà do ca nhiễm quá cao. Ông có ý kiến gì về vấn đề này/

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: Nên hiểu rằng F0 điều trị tại nhà có thuận lợi là không bị xáo trộn cuộc sống, cách sinh hoạt, ăn uống, có sự chăm sóc của người thân… F0 sẽ ổn định hơn về tâm lý. Thêm nữa, khi vào điều trị cách ly, F0 không được lựa chọn địa điểm nên sẽ phải cách ly cùng những người lạ, thiếu sự chăm sóc của người thân, chịu một áp lực rất lớn về tâm lý.

F0 không triệu chứng điều trị tại nhà sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều cho nhà nước và giúp cơ sở y tế tập trung điều trị cho F0 bệnh nặng, cần máy móc thiết bị hỗ trợ.

Thực tế, cần phải nhìn rõ rằng mức độ lây lan nhanh của virus chủng Delta sẽ không chừa một ai, cho nên số lượng cả gia đình cùng là F0 rất nhiều. Nếu F0 không có triệu chứng thì tốt nhất là được ở cùng nhau, tự điều trị tại nhà, sẽ đỡ được tâm lý ly tán bi thương.

Ngày trước số F0 ít, đưa các F0 đi cách ly thì điều kiện rất khác, còn bây giờ khi mỗi ngày thành phố đều có 4.000 đến 6.000 F0 được phát hiện thì điều kiện y tế kiệt quệ, y bác sĩ mệt mỏi, đương nhiên khó được như bệnh nhân mong muốn.

Tuy nhiên, để F0 điều trị tại nhà phụ thuộc rất cao vào ý thức của chính F0. Xã hội đã xảy ra nhiều trường hợp F0 "bung chốt", F0 đi lung tung, hoặc cả nhà cùng là F0 nhưng điều kiện cách ly quá chật chội, không đảm bảo, nồng độ virus quá cao dẫn tới dễ lây nhiễm sang môi trường xung quanh, dẫn tới dịch bệnh càng bùng phát mạnh hơn.

* Mặc dù vẫn biết là COVID-19 chưa có thuốc đặc trị, nhưng F0 cách ly tại nhà cũng mong biết được một số loại thuốc cơ bản cần có để dự phòng. Xin bác sĩ cho biết, về cơ bản, F0 nên chuẩn bị các loại thuốc gì trong nhà? Khi F1, F0 bắt đầu sốt, đau đầu, đau toàn thân, nên uống thuốc gì, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: Khi bắt đầu sốt thì bệnh nhân có thể uống thuốc hạ sốt phổ thông không cần bác sĩ kê toa như Paracetamol, vitamin C, vitamin tổng hợp…

Nhưng theo ý kiến cá nhân của tôi thì y tế địa phương bắt buộc phải gánh trách nhiệm chuyên môn, lập tổ điều trị dã chiến tại các vùng phát hiện F0, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, thậm chí cung cấp các loại thuốc cơ bản chứ F0 khó có thể tự đi mua thuốc mà bây giờ tại TP.HCM mua online cũng không khả thi.

Triệu chứng của COVID-19 có thể từ không triệu chứng đến có triệu chứng, đến trở nặng. Khi F0 trở nặng rất cần sự phối hợp hệ thống để kịp thời cấp cứu F0.

Thời gian này, chỉ có xe cứu thương chạy trên các tuyến đường. Ảnh: Hoà Bình
Thời gian này, chỉ có xe cứu thương chạy trên các tuyến đường. Ảnh: Hoà Bình

F0 mất vị giác, khứu giác đã chuyển nặng chưa?

*Bệnh nhân F0 đã bị mất vị giác, khứu giác đã phải là F0 chuyển nặng chưa và cần làm gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: Số lượng những F0 bắt đầu chuyển nặng, mất vị giác, khứu giác theo quan sát của chúng tôi thì không nhiều, chiếm khoảng 20% là những người chuyển nặng, 80% còn lại sẽ tự khỏi các triệu chứng. Kể cả các F0 có triệu chứng mất vị giác, khứu giác, nhiều người sẽ tự khỏi sau khoảng 5-7 ngày.

Nhưng vấn đề quan trọng nhất là xác định 20% sẽ chuyển nặng này như thế nào. Thường thì nếu F0 có kết nối qua camera với bác sĩ điều trị COVID-19 từ xa, sẽ được hướng dẫn F0 đếm nhịp thở của mình xem mỗi phút bệnh nhân thở được bao nhiêu lần. Tuỳ theo thể lực của từng người, bác sĩ mới chẩn bệnh được là F0 đó có dự báo chuyển nặng không hay là sẽ hết triệu chứng này trong vòng mấy ngày?

Nếu F0 thở trên 20 lần/1 phút thì đây chính là biểu hiện trở nặng, cần liên lạc tới y tế phường hoặc một cơ sở y tế có thể tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị cách ly.

*Nhiều khu vực cách ly hiện nay mua phải dự phòng bình ô xy. Khi F0 đang cách ly tại nhà mà có biểu hiện suy hô hấp, khó thở thì cần làm gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: - Bình ô xy không phải là phương tiện để cứu bệnh nhân COVID-19 mà chỉ là giải pháp tạm thời giúp bệnh nhân không nặng hơn. Trong khi đó, bình ô xy có thể gây cháy nổ y như bình gas, phải biết cách sử dụng; và còn cần phải xác định tình trạng của bệnh nhân, thì mới quyết định cho thở ô xy.

Khi bắt đầu khó thở, F0 phải gọi cấp cứu 115 càng sớm càng tốt. Kiên trì gọi, đừng bỏ cuộc. Trong khi chờ đợi xe cấp cứu đến thì bệnh nhân có thể giảm các cơn khó thở bằng cách kê cao gối, nằm nghiêng, nằm sấp là yếu tố giúp phế nang phát huy tốt nhất nguồn cung cấp oxy cho người bệnh. Tóm lại là làm cách nào, nằm tư thế nào để cảm thấy dễ thở nhất thì làm.

Quận 8 tổ chức tiêm vaccine cho người dân vào ban đêm tại khuôn viên chung cư Giai Việt, nơi cư trú của 2.000 người dân. Ảnh: HCDC
Quận 8 tổ chức tiêm vaccine cho người dân vào ban đêm tại khuôn viên chung cư Giai Việt, nơi cư trú của 2.000 người dân. Ảnh: HCDC

Virus lây theo trục dọc trong chung cư, F0 phải làm gì?

*Nhiều chung cư tại quận 4, quận 7, TP Thủ Đức… đang gặp phải tình trạng virus lây rất mạnh theo trục dọc? Ngay như tại chung cư tôi đang cư trú hiện nay, virus lây mạnh nhất theo 2 trục các căn có vị trí 17,18 và 23, 24; nguyên nhân có thể là do các căn hộ này chung nhau ô lấy gió. Y tế địa phương khuyến cáo các căn hộ phải đóng chặt toàn bộ các cửa sổ, cửa chính ra hành lang, đề phòng virus lây lan theo không khí. Tuy nhiên, nếu giường của F0 ở gần cửa sổ thì có nên mở cửa thoáng để lấy đủ ô xy? Điều này sẽ tốt hơn cho F0 hay là sẽ khiến tải lượng virus phát tán ra xung quanh mạnh hơn thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: - Theo tôi, các cửa chính ra hành lang chung cư, cửa thông gió ở hành lang, cửa sổ nếu hướng quay ra hành lang hoặc nhìn thẳng sang căn hộ đối diện cần đóng chặt. Virus khi đi vào hành lang chung cư sẽ dễ dàng tấn công các căn hộ liền kề.

Còn các cửa sổ thoáng mở ra bên ngoài không gian rộng, có ánh sáng, có nắng, có khoảng không gian tốt thì nên mở thường xuyên để lấy đủ ô xy cho F0 trong phòng có thể thở được, đồng thời giúp làm loãng tải lượng virus trong phòng. Nếu đóng chặt toàn bộ các cửa thì không khí sẽ rất ngột ngạt, nồng độ virus đậm đặc, chắc chắn các F1 đang cách ly tại nhà sẽ lần lượt nhiễm bệnh hết.

Cửa sổ mở thoáng ra không gian rộng bên ngoài có thể đẩy một tải lượng virus ra ngoài trời nhưng theo nghiên cứu của y văn thế giới đã chứng minh được, rằng tải lượng virus khi đẩy ra không gian ngoài trời không đủ để lây nhiễm, virus sẽ bị nắng diệt khuẩn một cách tự nhiên sau một thời gian. Tại các bệnh viện dã chiến hiện nay cũng đang phải sử dụng cách này để điều trị F0.

*Xin trân trọng cảm ơn Bác sĩ đã giành thời gian cho độc giả!