Điều gì xảy ra với tàu lặn Titan khi một vụ nổ thảm khốc xảy ra?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tàu lặn Titan đã gặp phải một vụ nổ kinh hoàng có khả năng khiến cho người lái tàu và 4 hành khách chết ngay tức thì giữa áp suất nước khủng khiếp dưới vùng biển sâu của Bắc Đại Tây Dương, theo các chuyên gia.

Tàu Titan có thể đã gặp phải một vụ nổ thảm khốc khiến toàn bộ người trong khoang thiệt mạng (Ảnh: 1News)
Tàu Titan có thể đã gặp phải một vụ nổ thảm khốc khiến toàn bộ người trong khoang thiệt mạng (Ảnh: 1News)

Các nhà nghiên cứu hàng hải cho rằng một vụ nổ chính là điều có khả năng xảy ra nhất trong tất cả các tình huống giả định được đưa ra, trong chiến dịch tìm kiếm con tàu lặn mất tích này.

Tàu Titan mất tích từ hôm Chủ nhật tuần trước và có khả năng đã phát nổ trong cùng ngày hôm đó, do có điều “bất thường” được phát hiện bởi một hệ thống theo dõi âm thanh của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, chiến dịch tìm kiếm quốc tế vẫn tiếp tục bởi chính quyền chưa coi thông tin này là xác thực.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã tuyên bố rằng có một “vụ nổ thảm khốc” xảy ra bên trong tàu Titan trong hôm 22/6. Nhiều đội của họ vẫn đang tìm kiếm bằng chứng về những điều đã xảy ra gần xác tàu Titanic, ở độ sâu 3.800 m dưới mặt nước biển.

Các chuyên gia từng cảnh báo rằng, dưới sức ép ghê gớm ở độ sâu như vậy, thân của tàu Titan có thể nổ tung, và dẫn đến cái chết tức thì của bất cứ ai ngồi trong khoang tàu.

“Tôi không nghĩ nhiều người có thể tưởng tượng được nguồn năng lượng đáng kinh ngạc trong quy trình dẫn đến một vụ nổ”, Bob Ballard, một thành viên của đội ngũ đã tìm thấy xác tàu Titanic vào năm 1985, nói với kênh ABC News. “Nó xé nát mọi thứ theo đúng nghĩa đen”.

Mặc dù OceanGate Expeditions, công ty chủ sở hữu và vận hành Titan, quảng cáo rằng phần cabin hình ống của con tàu này được chế tạo bằng sợi carbon, nhưng giới chuyên gia trong ngày cho rằng điều này khác hẳn so với các cabin hình cầu được chế tạo bằng titan được sử dụng trong hầu hết các loại tàu ngầm.

2.png
Hình ảnh bên trong tàu Titan trong một lần lặn trước đây (Ảnh: OceanGate)

Hình cầu là “hình dạng hoàn hảo” bởi áp lực nước được phân bổ đều trên toàn bề mặt, theo Chris Roman, giáo sư Đại dương học đến từ ĐH Rhode Island.

Với chiều dài 6,7 m và trọng lượng 10.432 kg, phần diện tích bên trong lớn hơn của tàu Titan – mặc dù vẫn chật chội đối với 5 người ngồi bên trong – đồng nghĩa với việc nó phải hứng chịu nhiều áp lực từ bên ngoài hơn.

Áp lực nước ở độ sâu 3.800 m dưới mặt nước biển tại khu vực xác tàu Titanic là khoảng 400 atm, tương đương 6.000 pound (2.721 kg) trên mỗi inch vuông.

Arun Bansil, giáo sư vật lý đến từ ĐH Northeastern, mô tả rằng áp lực nước “khổng lồ” như trên không khác gì “lực cắn của một con cá voi đối với một con người”.

Mặc dù tàu Titan có phần thân composite được gắn nhiều cảm biến có thể chịu được áp lực cao ở gần đáy biển, nhưng mọi khiếm khuyết nhỏ cũng có thể gây ra một “vụ nổ gần như tức thì” chỉ trong vòng chưa đầy 40 mili giây, theo phân tích của giáo sư Eric Fusil, Giám đốc Trung tâm đóng tàu thuộc ĐH Adelaide, Australia.

“Các hành khách có khả năng là còn không hiểu chuyện gì đã xảy ra với họ”, Bansil cho hay.

Tàu Titan đã trải qua hơn hai chục chuyến lặn biển sâu, bởi vậy mà phần thân của nó đã hứng chịu áp lực nước liên tục, theo phân tích của Jasper Graham-Jones, Giáo sư cơ khí và kỹ thuật hàng hải đến từ ĐH Plymouth, Anh.

Áp lực đó có khả năng gây ra hiện tượng tách lớp, tức sự chia tách theo chiều ngang của thân tàu làm bằng sợi carbon, ông nói.

Cả Lực lượng bảo vệ bờ biển lẫn OceanGate đều không cung cấp chi tiết về vụ nổ.

Một thảm họa tương tự từng xảy ra vào năm 1963 khi tàu USS Thresher, một tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử, bị cho là phát nổ khi nó vượt qua “độ sâu thử nghiệm” sau khi gặp phải nhiều vấn đề khác. Vụ tai nạn khiến 129 thủy thủ và thường dân thiệt mạng./.

Theo 1News