Những điều ít biết về chiếc tàu lặn ngắm xác Titanic

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sau khi tàu ngầm Titan đi thăm xác tàu Titanic bị mất liên lạc với tàu mẹ hôm 18/6, đã xuất hiện nhiều thông tin xung quanh con tàu, công ty chủ quản và chuyến đi; trong đó có những điều ít ai ngờ tới.

Chiếc tàu lặn Titan và 5 người xấu số tham gia chuyến tham quan định mệnh (Ảnh: Redian)
Chiếc tàu lặn Titan và 5 người xấu số tham gia chuyến tham quan định mệnh (Ảnh: Redian)

Starlink có liên quan đến vụ mất tích tàu ngầm Titan?

Kể từ khi tàu ngầm Titan đi thăm xác tàu Titanic mất liên lạc với tàu mẹ Polar Prince hôm 18/6, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ internet Starlink là thủ phạm của vụ tai nạn; ngày 21/6, Musk đã lên tiếng đáp trả.

Phần lớn sự nghi ngờ bắt nguồn từ các dòng tweet viết trước đó trên tài khoản Twitter của OceanGate Expeditions, công ty vận hành chiếc Titan bị mất tích, ca ngợi Starlink đã cung cấp thông tin liên lạc cần thiết cho sứ mệnh du lịch thăm Titanic trong cả năm 2023.

Trang web kiểm tra thực tế Snopes.com cũng đã viết tweet rằng có một mối liên hệ giữa chiếc tàu lặn Titan bị mất tích và Starlink. Ông chủ Elon Musk đã bình luận trả lời dưới dòng tweet của Snopes: "Các vị thậm chí không thể tiến hành được một cuộc chiến tâm lý tốt", hàm ý phủ nhận những ý kiến trên. Theo trang web của Ocean Gate, bản thân chiếc tàu lặn Titan đã không sử dụng Starlink để liên lạc với tàu mẹ Polar Prince trên mặt nước. Thay vào đó, công ty đã sử dụng sonar hoặc hệ thống âm thanh học, người điều khiển và tối đa bốn hành khách trên tàu có thể nhận được tin nhắn văn bản từ tàu mẹ qua hệ thống này.

Elon Musk phu nhan lien quan.jpg
Elon Musk phủ nhận có liên quan đến sự mất tích của tàu lặn Titan (Ảnh: Creaders).

Theo trang web của công ty, thủy thủ đoàn trên tàu mẹ Polar Prince cũng sử dụng hệ thống âm thanh học để theo dõi vị trí của Titan. Nhưng giữa hai con tàu này lại không có kênh liên lạc nào khác. Bên trong tàu lặn Titan có một mạng Wi-Fi, nhưng chỉ dùng cho kết nối giữa các thiết bị bên trong tàu lặn.

Ngoài ra, công nghệ hiện tại của Starlink cũng hầu như không thể hoạt động ở độ sâu cực lớn và sóng vô tuyến tần số cao được các vệ tinh của nó sử dụng cũng không thể xuyên qua quá vài inch nước biển.

Phóng viên David Pogue của Công ty phát thanh CBS đã đến thăm chiếc tàu ngầm Titan và có một phóng sự chuyên đề về nó trước chuyến hành trình. Ngày 19/6 Pogue tiết lộ rằng khi ông đang tác nghiệp, chiếc Titan đã thực sự mất tích khoảng 5 giờ đồng hồ.

David Pogue đã viết trên Twitter rằng ông đang ở trên con tàu chỉ huy khi chiếc tàu lặn Titan bị mất tích, và nói rằng trong 5 giờ đó, thủy thủ đoàn đã có thể gửi tin nhắn cho các nhân viên hỗ trợ.

"Điều cần nói rõ hơn là, vào ngày hôm đó tôi không ở trên chiếc tàu ngầm - tôi đang ở trên tàu mẹ trên mặt nước, trong phòng điều khiển. Họ vẫn có thể gửi tin nhắn tới tàu ngầm, nhưng không biết khi đó nó ở đâu", ông viết.

Cong ty khang dinh quan he voi Starlink.jpg
Công ty OceanGate nói có quan hệ với Starlink (Ảnh: redian).

Ông cho biết OceanGate đã chặn quyền truy cập vào internet của các nhà báo trên con tàu chỉ huy để ngăn họ công bố sự thật rằng chiếc tàu ngầm đã mất tích.

Khi bị những người bình luận hỏi tại sao ông không báo cáo việc công ty OceanGate đã ngắt quyền truy cập mạng internet của ông và các nhà báo, David Pogue nói rằng công ty đã nói với họ rằng họ cần ngắt bỏ tất cả các kênh để ứng phó trường hợp khẩn cấp.

Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ và Canada đang sử dụng các máy bay và tàu để tìm kiếm địa điểm tàu Titan bị chìm, nhưng khu vực tìm kiếm rất xa bờ và rộng lớn. Starlink có thể là chìa khóa để tìm kiếm chiếc tàu lặn, nhưng chỉ khi nó xuất hiện trở lại trên mặt nước.

Công ty OceanGate nói với Fox Weather rằng nếu tàu lặn nổi lên thành công, nó sẽ thiết lập liên kết với tàu mẹ thông qua Starlink.

"Tàu ngầm Titan được thiết kế để tự động nổi lên trong trường hợp gặp sự cố và giữ liên lạc với các tàu nổi thông qua kết nối internet được cung cấp bởi hệ thống Starlink của Elon Musk", OceanGate thông báo với giới truyền thông.

Tau Titan.jpg
Tàu Titan đang ở trạng thái lặn (Ảnh: redian).

Lực lượng cứu hộ lo ngại chiếc tàu lặn có thể nằm dưới đáy đại dương sâu đến mức chỉ có phương tiện không người lái mới có thể kéo nó lên được. Lực lượng cứu hộ cố chạy đua với thời gian vì đến chiều ngày 22/6 theo giờ miền Đông nước Mỹ, lượng oxy trên tàu ngầm sẽ cạn kiệt. Tuy nhiên cố gắng của họ đã vô ích, ngày 22/6, đã phát hiện thấy các mảnh vỡ của chiếc Titan.

Giá vé cho mỗi hành khách là 250.000 USD

250.000 USD cho một vé để tham quan xác tàu Titanic nằm dưới đáy biển ở độ sâu 4.000m. Một cuộc phiêu lưu của các tỉ phú đã thu hút sự chú ý của mọi người và đứng đầu danh sách tìm kiếm.

Trong khi nhiều cư dân mạng cầu nguyện, một số người đã chỉ ra công ty đằng sau nó đang đối xử với dự án này bằng thái độ chơi đùa của một đứa trẻ. Ví dụ, toàn bộ tàu ngầm này được điều khiển bằng chiếc gamepad (tay cầm điều khiển trò chơi điện tử)?!

Ngày 18/6 theo giờ địa phương, chiếc tàu lặn mang tên Titan chở 5 người đã mất liên lạc sau 1 giờ 45 phút lặn xuống, lần cuối cùng được phát hiện thấy ở độ sâu 3.800m.

Sau đó, các bộ phận liên quan ở Mỹ và Canada đã bắt đầu tìm kiếm, nhưng do địa điểm xa xôi, do các yếu tố không xác định như điều kiện thời tiết và ánh sáng ban đêm nên việc tìm kiếm và cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.

Gamepad duoc dung dieu khien Titan.jpg
Gamepad được sử dụng cho việc điều khiển con tàu (Ảnh: thepaper).

Người ta chỉ có thể tìm kiếm trên mặt nước và bằng sóng âm dưới nước. Và do thiết kế tàu ngầm chỉ có thể cung cấp khả năng hỗ trợ sự sống trong 96 giờ, nên không có nhiều thời gian để giải cứu.

Từ hồ sơ những hành khách được tiết lộ, tất cả họ đều có lý lịch không tầm thường: vị khách thứ nhất là Hamish Harding, một tỉ phú người Anh, đã đi vòng quanh cả Bắc Cực và Nam Cực, lặn xuống tới đáy sâu nhất của rãnh Mariana và tham gia sứ mệnh không gian có người lái của Blue Origin hồi năm ngoái.

Hai vị khách tiếp theo là cha con Shahzada Dawood, một trong những gia tộc giàu có nhất Pakistan; người còn lại là Paul-Henri Nargeolet, một chuyên gia đã nhiều lần tham gia khảo cổ và thám hiểm Titanic. Người điều khiển tàu là Stockton Rush, CEO công ty chủ quản OceanGate của chiếc Titan.

5 hanh khach tren tau.jpg
5 hành khách xấu số (trái qua): S. Rush, S.Dawood, con trai Dawood, H. Harding và Paul-Henri Nargeolet (Ảnh: Chosun).

OceanGate, tương tự như cách giảm chi phí của Blue Origin và SpaceX, đã cam kết cung cấp cho công chúng dịch vụ thám hiểm biển sâu rẻ hơn và dễ dàng hơn. Có thể thấy từ trang web chính thức của họ, đây là chuyến thám hiểm thứ ba của Titan (hai lần trước là năm 2021 và 2022, đều trở về thành công).

OceanGate ban đầu được lên kế hoạch mỗi năm lặn một chuyến để ghi lại hình ảnh con tàu xấu số Titanic và mức độ phân hủy của nó, đồng thời tiến hành các cuộc điều tra khoa học kỹ thuật về nó. Toàn bộ hành trình gồm 10 ngày, trong đó 8 ngày trên biển. Lần này mỗi hành khách đã trả 250.000 USD cho chuyến đi.

Ngoài Titan, OceanGate còn có 2 loại tàu lặn 5 người khác là Antipodes và Cyclops-1, với độ sâu lặn tối đa lần lượt là 305m và 500m, cũng được sử dụng cho các dự án thương mại, nghiên cứu khoa học và thăm dò.

Tuy nhiên, tham vọng của OceanGate là lên kế hoạch phát triển tàu lặn có độ sâu tối đa 6.000 mét (20.000 feet). Ngay từ năm 2019, họ đã công khai tuyên bố phát triển và bắt đầu chế tạo vào đầu năm 2020.

Nhưng việc xảy ra sự cố ngoài ý muốn hiện nay khiến người ta phải đặt câu hỏi về năng lực công nghệ của công ty.

Xac chiec Titanic.png
Xác tàu Titanic nằm dưới đáy đại dương (Ảnh: radian).

Điều khiển tàu ngầm bằng gamepad giá 40 USD

Có cư dân mạng đã tìm lại video phỏng vấn từ năm ngoái và nói thẳng: những người chế tạo chiếc tàu ngầm này rất không nghiêm túc.

Trong video, đầu tiên người thuyền trưởng tuyên bố rằng chiếc tàu ngầm Titan không nhận được bất kỳ sự phê chuẩn hay chứng nhận nào và có thể gây ra tổn thương thân thể, sau đó chỉ ra chiếc tàu ngầm được "lắp ráp" bằng các bộ phận có sẵn.

Ví dụ, đèn được mua ở cửa hàng bán đồ cắm trại, tay cầm để lái tàu ngầm là tay cầm chơi game (gamepad) không dây Logitech F710 phiên bản năm 2010, được bán với giá khoảng 40 USD.

Ngoài ra, bài viết lưu ý rằng các cửa của tàu ngầm đều được chốt chặt bằng đinh vít, vì vậy ngay cả khi nó nổi lên, hành khách sẽ không thể thoát ra ngoài nếu không có sự trợ giúp của thuyền viên. Cũng không có hệ thống định vị trên tàu, chỉ có một nút bấm trong toàn bộ cabin kích cỡ như xe bán tải.

Theo trang web chính thức, cải tiến lớn nhất của Titan là hệ thống kiểm định tình trạng thân tàu theo thời gian thực, có thể phân tích tác động của việc thay đổi áp suất lên tàu khi tàu lặn lặn sâu hơn.

Ong Rush ben tau Titan.jpg
Stockton Rush, CEO của công ty chủ quản OceanGate bên chiếc Titan trước chuyến đi định mệnh (Ảnh: redian).

Như đã nói ở trên, một chi tiết khác thu hút nhiều sự chú ý là công ty đã tiết lộ trước chuyến thám hiểm rằng thông tin liên lạc cho hoạt động này được Starlink của Elon Musk cung cấp. Nó đã khiến nhiều cư dân mạng nghi ngờ, liệu vụ tai nạn có liên quan đến Starlink hay không?

Trên thực tế, OceanGate với Starlink có quan hệ đối tác, nhưng cả hai bên đều không cho biết liệu dịch vụ internet vệ tinh có được sử dụng để điều hướng trên tàu ngầm hay không.

Xét từ quan điểm kỹ thuật, việc truy cập Internet từ tàu ngầm mới chỉ đang ở trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu và không dễ thực hiện, đặc biệt là đối với các tín hiệu tần số cao của Starlink lại càng khó khăn.

Theo Thepaper, Creaders