Diễn biến ở Kazakhstan: Mỹ, Nga khẩu chiến về tính hợp pháp của CSTO

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ, Nga đấu khẩu về tính hợp pháp của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO; với sự có mặt hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình do Nga đứng đầu, ngày 7/1 tình hình trên cả nước Kazakhstan đã cơ bản được kiểm soát.
Binh sĩ Nga trong lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO tới Kazakhstan (Ảnh: Sina).
Binh sĩ Nga trong lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO tới Kazakhstan (Ảnh: Sina).

Hãng thông tấn Nga TASS ngày 7/1 đưa tin, trong một cuộc họp báo ngày 6/1, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các lực lượng gìn giữ hòa bình do Nga đứng đầu tại Kazakhstan. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bình luận: một số đại diện của Mỹ không hiểu biết về tình hình xảy ra ở Kazakhstan, còn lấy sự ngộ nhận này làm lập trường chính thức của chính phủ.

Bà Jen Psaki ngày 6/1 bày tỏ, Mỹ đang rất chú ý đến thông tin về việc Tổ chức An ninh Tập thể (CSTO) điều động binh lính gìn giữ hòa bình đến Kazakhstan. Nhà Trắng nghi ngờ về bản chất yêu cầu gửi quân gìn giữ hòa bình của Kazakhstan, và đặt câu hỏi liệu đây có phải là lời mời hợp pháp hay không. Bà nói rằng hiện tại có một số tin tức về lực lượng gìn giữ hòa bình, nhưng chúng đều đến từ Nga.

Bà Maria Zakharova, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga (Ảnh: RIA).

Bà Maria Zakharova, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga (Ảnh: RIA).

Psaki nói rằng Nhà Trắng nghi ngờ về bản chất của yêu cầu gửi quân gìn giữ hòa bình của Kazakhstan và đặt câu hỏi liệu đó có phải là lời mời hợp pháp hay không.

Psaki nói rằng đối với vấn đề các lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể do tổ chức CSTO cử đi, thế giới sẽ chú ý đến mọi hành vi vi phạm nhân quyền và hành động có thể tạo nền tảng cho việc chiếm giữ cơ cấu ở Kazakhstan. Bà cũng kêu gọi các lực lượng gìn giữ hòa bình và các cơ quan thực thi pháp luật của tổ chức CSTO tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế, giải quyết vấn đề Kazakhstan một cách hòa bình.

Bà Psaki nói, Nhà Trắng sẽ yêu cầu Điện Kremlin nói về quy mô quân đội của họ và thêm các thông tin chi tiết. Bà cũng tuyên bố rằng tình hình ở Kazakhstan sẽ không làm thay đổi cục diện ở Ukraine và sẽ không có thay đổi nào trong các cuộc đàm phán ba bên được lên kế hoạch diễn ra vào tuần tới.

Đáp lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã viết trên mạng xã hội: “Mọi người đều quen với việc một số đại diện ở Washington không hiểu về mọi thứ, lại còn coi đó là lập trường của Mỹ”.

Binh sĩ Nga trong lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO ở Kazakhstan (Ảnh: Belta).

Binh sĩ Nga trong lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO ở Kazakhstan (Ảnh: Belta).

Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra ở Kazakhstan gần đây, bạo loạn đã khiến 18 nhân viên thực thi pháp luật thiệt mạng và 748 người bị thương. Các cơ quan thực thi pháp luật Kazakhstan đã bắt giữ 2.298 người. Tổ chức An ninh Tập thể ngày 6/1 đã đưa ra một tuyên bố chính thức, cho biết họ sẽ gửi quân gìn giữ hòa bình đến Kazakhstan để giúp ổn định tình hình địa phương. Hiện đơn vị lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã đến Kazakhstan.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 6/1 tuyên bố rằng bạo loạn ở Kazakhstan là do các thế lực bên ngoài xúi giục nhằm phá hoại sự toàn vẹn của đất nước, để đạt được mục đích, họ còn tổ chức các hoạt động vũ trang. Phía Nga sẽ hỗ trợ các cơ quan an ninh của Kazakhstan thực hiện các hoạt động chống khủng bố, bảo vệ sự an toàn của công dân Kazakhstan và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác, đồng thời giúp Kazakhstan khôi phục trật tự xã hội bình thường trong thời gian sớm nhất.

Quân đội Kazakhstan dọn dẹp Quảng trường Cộng hòa sáng 7/1 (Ảnh: Sina).

Quân đội Kazakhstan dọn dẹp Quảng trường Cộng hòa sáng 7/1 (Ảnh: Sina).

Khi tình hình hỗn loạn trên khắp đất nước ngày càng gia tăng, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã đồng ý với yêu cầu của Tổng thống Kazakhstan Kassym Tokayev về việc cử một lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể tới.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 6/1 thông báo, đợt lính gìn giữ hòa bình đầu tiên của Nga với tư cách là tổ chức CSTO đã đến Kazakhstan.

Trước đó, ông Andre Krisas, Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp của Hội đồng Liên bang Nga, tuyên bố phía Nga không cần đưa ra quyết định bổ sung về việc điều động quân đội tới Kazakhstan của tổ chức CSTO, kể cả quyết định của quốc hội.

Ông Krisas chỉ rõ: "Hiệp ước và Điều lệ của Tổ chức An ninh Tập thể đã được Liên bang Nga thông qua. Nếu được Tổ chức An ninh Tập thể ủy quyền, Nga không cần đưa ra bất kỳ quyết định bổ sung nào".

Tổ chức An ninh Tập thể được thành lập vào tháng 5/2002, phát triển từ Hiệp ước an ninh tập thể của Cộng đồng các quốc gia độc lập được ký kết vào năm 1992. Tổ chức này có 6 quốc gia thành viên bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Tajikistan, Armenia và Kyrgyzstan.

Quân đội Kazakhstan triển khai trên Quảng trường Cộng hòa (Ảnh: Toutiao).

Quân đội Kazakhstan triển khai trên Quảng trường Cộng hòa (Ảnh: Toutiao).

Các đơn vị Lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO đã tới Kazakhstan ngày 6/1. Đến tối cùng ngày, Bộ Nội vụ Kazakhstan tuyên bố họ đã giành lại quyền kiểm soát tất cả các tòa nhà chính phủ ở Almaty. Sân bay do người biểu tình chiếm giữ trước đó cũng được quân đội chiếm lại.

Theo tin của Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 7/1, Kazakhstan đã nâng mức đe dọa khủng bố trên toàn quốc là cấp độ "cực kỳ đỏ" (Critical Red) cao nhất. Điều này có nghĩa là quân đội Kazakhstan sẽ được phép tiến hành khám xét các cá nhân, bao gồm khám xét đồ đạc và xe cộ của người dân, tạm thời hạn chế hoặc cấm người khác di chuyển, xông vào nhà riêng và các cơ sở khác, thậm chí giám sát thông tin liên lạc. Cảnh sát đã lập chốt chặn gần thủ đô Nur-Sultan, bắt giữ nhiều xe buýt chở hành khách và thu giữ vũ khí.

Cũng theo Sputnik, rạng sáng ngày 7/1 theo giờ địa phương, Tổng thống Kazakhstan Tokayev tuyên bố, trật tự tại tất cả các khu vực của Kazakhstan về cơ bản đã được khôi phục và chính phủ đang kiểm soát tình hình. Ông Tokayev cũng nói rằng những kẻ khủng bố đang sử dụng vũ khí, phá hủy tài sản của người dân. Ông nói thêm rằng trước khi các phần tử vũ trang bị xóa sổ hoàn toàn, cần phải thực hiện các hành động chống khủng bố.

Quân đội Kazakhstan triển khai truy quét các phần tử bạo loạn (Ảnh: Sina).

Quân đội Kazakhstan triển khai truy quét các phần tử bạo loạn (Ảnh: Sina).

Các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan, Quảng trường Cộng hòa trong thành phố trở thành địa điểm tập trung chính của những người biểu tình. Truyền thông Nga đưa tin lực lượng an ninh đã dọn sạch quảng trường vào thứ Năm (6/1) và ngày 7/1, với sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, họ đã giành lại toàn quyền kiểm soát sân bay. Cảnh sát Almaty tuyên bố rằng hơn 100 "phần tử phản loạn" và những kẻ cướp bóc đã bị bắt giữ.

Tin cho biết, một số lượng lớn lực lượng an ninh đã ập đến Quảng trường Cộng hòa và bắt đầu dọn sạch hiện trường, trong thời gian này nghe thấy tiếng súng nổ. Đồng thời, quân đội Kazakhstan thông báo qua loa đường phố sẽ được dọn sạch, tất cả cư dân trong thành phố cũng nhận được tin nhắn qua điện thoại di động nhắc nhở họ tuân thủ lệnh giới nghiêm. Trước khi lực lượng an ninh giải phóng hiện trường, rất đông người biểu tình vẫn ở lại Quảng trường Cộng hòa, một số người giương biểu ngữ "Chúng tôi chỉ là dân thường, không phải khủng bố". Bộ Y tế Kazakhstan thông báo, ít nhất 10 nhân viên y tế đã bị thương kể từ khi cuộc biểu tình nổ ra.

Người biểu tình trên Quảng trường Cộng hòa mang biểu ngữ "Chúng tôi là dân thường, không phải phần tử khủng bố" (Ảnh: Đông Phương).

Người biểu tình trên Quảng trường Cộng hòa mang biểu ngữ "Chúng tôi là dân thường, không phải phần tử khủng bố" (Ảnh: Đông Phương).

Có 216 thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã bị thương trong cuộc trấn áp bạo động ở Almaty và Shymkent, 2 binh sĩ thiệt mạng ở phía nam; 2 nhà thầu bị thương do trúng đạn, 5 binh sĩ phải nhập viện trong phòng chăm sóc đặc biệt. Có tới 50 xe quân sự của lực lượng Vệ binh Quốc gia bị hư hỏng, 8 chiếc trong số đó không thể sửa chữa được.

Đài truyền hình quốc gia Kazakhstan ngày 7/1 dẫn lời Bộ Nội vụ cho biết tổng cộng hơn 3.000 người đã bị bắt vì tham gia vào cuộc bạo động và 26 phần tử bạo loạn có vũ trang bị tiêu diệt. Cùng ngày, Tổng thống Tokayev thông báo trật tự hiến pháp nói chung đã được khôi phục, đồng thời ra lệnh cho binh lính và nhân viên thực thi pháp luật bắn chết những kẻ khủng bố không chịu đầu hàng mà không cần cảnh cáo.

Ông Tokayev đã có một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, tuyên bố rằng ít nhất 20.000 tay súng đã tấn công thành phố lớn nhất Almaty. Ông chỉ ra rằng đất nước đang phải đối mặt với mối đe dọa từ những tên cướp và khủng bố có vũ trang được đào tạo bài bản, chúng đến từ cả trong nước và nước ngoài. Ông nhấn mạnh chính phủ sẽ không đàm phán với những kẻ tội phạm và giết người, tin rằng sẽ tiêu diệt tất cả các phần tử khủng bố trong thời gian ngắn. Ông cảm ơn Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới và nói rằng lực lượng này sẽ chỉ ở lại Kazakhstan trong thời gian ngắn.

Tổng thống Kazakhstan Tokayev phát biểu trên truyền hình, thông báo trật tự hiến pháp đã được khôi phục về cơ bản (Ảnh: Sina).

Tổng thống Kazakhstan Tokayev phát biểu trên truyền hình, thông báo trật tự hiến pháp đã được khôi phục về cơ bản (Ảnh: Sina).

Tuyên bố của Phủ Tổng thống Kazakhstan nêu rõ, chiến dịch chống khủng bố đã được phát động, lực lượng an ninh đang làm việc tích cực, trật tự hiến pháp đã cơ bản được khôi phục trên tất cả các vùng trong cả nước và chính quyền địa phương đang nỗ lực kiểm soát tình hình. Tuyên bố nhấn mạnh rằng những kẻ khủng bố sử dụng vũ khí, gây thiệt hại tài sản của nhân dân và các hoạt động chống khủng bố sẽ được tiếp tục cho đến khi tất cả các tay súng bị xóa sổ.