Điểm xuất phát của VKIST là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học

Công nghệ thông tin và công nghệ sinh học là hai lĩnh vực hành động chủ đạo ban đầu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa), Bộ trưởng Chu Ngọc Anh (thứ hai từ trái qua) và TS, Viện trưởng Kum Dongwha (thứ hai từ phải qua) cùng các đại biểu nhấn nút khởi động Viện VKIST.
Thông tin được TS Kum Dongwha – Viện trưởng VKIST chia sẻ tại Lễ khởi động VKIST diễn ra sáng 21/11 tại Hà Nội, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh; ông Lee Hyuk - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Lim Tae Hoon – Phó Viện trưởng Viện KH&CN Hàn Quốc – KIST cùng đại diện nhiều bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam. 
Đây là dự án viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Hàn Quốc dành cho Việt Nam nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác KH&CN giữa hai nước, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, VKIST lựa chọn công nghệ thông tin và công nghệ sinh học được xác định trên cơ sở các cuộc khảo sát công nghiệp các ngành kinh tế của Việt Nam, do Viện VKIST phối hợp với các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc tiến hành ngay từ những ngày đầu Viện mới thành lập. Việc khảo sát này nhằm xác định định hướng ưu tiên hoạt động khởi đầu để thực hiện sứ mệnh của mình. 
Về lâu dài, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tin tưởng Viện VKIST sẽ hình thành và phát triển được đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, các cán bộ quản lý có trình độ, năng lực cao, trở thành một tổ chức KH&CN đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu về nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển các công nghệ hiện đại phục vụ cho các ngành công nghiệp của Việt Nam. 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khởi động. Ảnh: Đình Nam.
Nói về kế hoạch phát triển của VKIST, TS Kum Dongwha đặc biệt nhấn mạnh “VKIST sẽ đứng gần với doanh nghiệp… chú trọng các nghiên cứu có thể ứng dụng trong thời gian gần nhất, đồng thời kết hợp cùng với các trường đại học thúc đẩy cơ chế hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp trên thị trường”.
Ông khẳng định chiến lược cốt lõi trong việc quản lý và vận hành Viện là tạo dựng một môi trường thân thiện với công tác nghiên cứu, trong đó mỗi nhà nghiên cứu có được điều kiện tốt nhất để tự do thực hiện công tác của mình. Cùng với việc tạo dựng môi trường bên trong, thì việc xây dựng một mạng lưới mở để huy động sự hợp tác cùng với các nhà nghiên cứu ở các viện, các trường đại học, các doanh nghiệp cũng là một trong những nhân tố quan trọng để đưa hoạt động thúc đẩy hoạt động thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Văn Nguyên.
Để đạt được mục tiêu, bên cạnh việc xây dựng cơ chế, hệ thống vận hành, bồi dưỡng năng lực cho nguồn nhân lực của Viện, ông Kum cho biết Viện sẽ sớm bắt tay vào những nghiên cứu công nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường. Cụ thể các công nghệ sẽ hướng đến nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp. 
Căn cứ trên kết quả các cuộc khảo sát của Viện tiến hành từ tháng 10/2016, ông Kum cho rằng Việt Nam đang rất thiếu những công nghệ phục vụ các quy trình chế biến và gia công. Vì vậy, bước đầu “VKIST sẽ nghiên cứu các công nghệ có thể áp dụng được ngay như quy trình sấy, nghiền bột, đông lạnh… để áp dụng vào nông sản cơ bản như hoa quả, cà phê” – ông Kum cho biết. 
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ông Kum cũng kiến nghị Chính phủ cần quan tâm, xây dựng chính sách trọng tâm là xây dựng hệ sinh thái bền vững cho ngành công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. 
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Việt Nam rất cần có mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học mới, không chỉ giải quyết một số vấn đề quan trọng trước mắt mà quan trọng hơn là hình thành “nếp” nghiên cứu, thiết lập mạng lưới nghiên cứu, vận hành theo cái mới…” – Phó Thủ tướng nói và bày tỏ kỳ vọng của Chính phủ về mô hình phương thức, cách thức tiếp cận nghiên cứu mới thông qua bước đầu được triển khai qua mô hình VKIST sẽ được lan tỏa dần trong hệ thống khoa học của Việt Nam.
Viện VKIST và Đại học Quốc gia Hà Nội ký kết hợp tác trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và các đại biểu.
Phó Thủ tướng cũng “đặt hàng” VKIST 3 tháng 1 lần sẽ báo cáo, đưa ra những đề xuất, khuyến nghị đối với Chính phủ để kịp thời điều chỉnh chính sách, để VKIST lớn mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường vào mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. 
Tại lễ khởi động, lãnh đạo VKIST đã ký biên bản thoả thuận với KIST; ký bản ghi nhớ hợp tác với Đại học quốc gia Hà Nội, Sở KH&CN Hà Nội, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Công ty Traphaco.
Với mục tiêu thành lập một viện KH&CN đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần vào việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ triển khai thành lập Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc. Ngày 9/9/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã ký thỏa thuận về việc phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ không hoàn lại số vốn 35 triệu USD để thành lập Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là dự án viện trợ không hoàn lại lớn nhất của KOICA thực hiện tại Việt Nam cho đến nay.

Nhằm tạo dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2015/NĐ-CP ngày18/5/2015. Theo quy định tại Nghị định này, Viện VKIST sẽ thực hiện cơ chế tự chủ áp dụng cho đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi và một số cơ chế, chính sách đặc thù riêng như cơ chế đặt hàng và cơ chế tài chính đặc thù nhằm đảm bảo khuyến khích được các nhà khoa học trình độ cao là người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam. 
Theo Khoa học và Phát triển
http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/diem-xuat-phat-cua-vkist-la-cong-nghe-thong-tin-va-cong-nghe-sinh-hoc/20171121021145719p1c785.htm