Theo số liệu từ hãng nghiên cứu Gartner – được công bố tại Hội nghị, ước tính trong năm 2017 sẽ có tới 8,4 tỷ thiết bị thông minh kết nối mạng lưới Internet, như: SmartTV, điện thoại thông minh, camera an ninh, hệ thống báo dộng tự động, ô tô, GPS, các thiết bị công nghiệp trong dây chuyền sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp,… được sử dụng trên toàn cầu. Dự kiến đến năm 2020, số lượng thiết bị IoT này sẽ tăng lên tới 25 tỷ thiết bị.Theo đó, các thiết bị thông minh có kết nối Internet (IoT– Internet of Things) đang là tiêu điểm tấn công các mã độc, nhằm theo dõi người dùng, thu thập dữ liệu, đe dọa hoặc tống tiền họ.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, người dùng ngày càng bị đe dọa bởi các phần mềm độc hại, nhằm vào các thiết bị kết nối của họ. Và thiết bị càng thông minh thì khả năng bị đánh cắp thông tin càng cao hơn.
Theo hãng bảo mật Kaspersky Lab, tổng số mẫu phần mềm độc hại nhắm mục tiêu đến các thiết bị thông minh hiện đã lên tới hơn 7.000 mẫu các loại; trong đó, hơn một nửa số mẫu này đã xuất hiện trong năm nay và tiếp tục tăng nhanh nếu chúng ta không quan tâm bảo mật cho thiết bị.
Còn theo số liệu được công bố tại Hội nghị quốc gia về An ninh mạng 2017, các cơ quan chuyên trách về công tác bảo mật và an ninh mạng tại Việt Nam đã thống kê được trên 135.000 cuộc tấn công mạng cả thảy; trong đó có trên 10.000 cuộc lừa đảo lấy thông tin (Phishing), có 47.135 cuộc thâm nhập bằng phần mềm độc hại (Malware) và 77.779 cuộc tấn công thay đổi nội dung (Deface).
Về cách thức xâm nhập, các chuyên gia tại đây cho rằng, tội phạm công nghệ cao đã dùng phần mềm gián điệp là Trojan để tấn công nhằm điều khiển từ xa, ghi thông tin gõ bàn phím, lấy thông tin tài khoản ngân hàng, duyệt các file dữ liệu lấy cắp thông tin,…
Đối với điện thoại di động, Trojan có thể điều khiển lệnh, cấu hình từ xa, tự động thu, gửi dữ liệu về trung tâm, gọi bí mật, lấy cắp danh bạ điện thoại… Còn đối với hệ thống tài chính, Trojan tấn công bằng cách: Các hacker sẽ theo dõi các email của công ty để khi có email thanh toán đến, chúng giả mạo email của khách hàng để yêu cầu công ty chuyển tiền vào tài khoản của chúng...
Chuyên gia an ninh - Đại tá, TS. Trần Văn Hòa cho hay, hiện các mã độc đang có xu hướng tấn công mạnh vào smartphone, vì người dùng hay tham gia vào các diễn đàn mạng, mua bán trực tuyến và tham gia vào các trang mạng xã hội, chat, lướt web… nhưng ít quan tâm bảo mật. Do đó, ông cũng khuyến cáo người dùng cần đảm bảo an toàn hệ thống thông tin bằng cách: Đặt chế độ chặn, lọc thư rác; đặt quyền truy cập hạn chế; tắt các dịch vụ không cần thiết; đặc biệt là phải cảnh giác với email, đường link lạ gửi cho mình,…
http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201711/cac-thiet-bi-iot-la-tieu-diem-cua-tan-cong-mang-585824/