Nắng. Cái nắng tháng ba sương sương bên dòng Nhuệ Giang quê lụa. Trời trong nhẹ như ở trên cao tít tắp vẫn còn những hạt mưa xuân vương vương trong những đám mây màu lam ngọc. Tôi dắt xe đi dạo. Nói là đi dạo, nhưng thực chất là vít nhẹ tay ga đến tham quan Trường THPT Lê Lợi, nơi ngày xưa tôi từng mài nhẵn bút ba năm thời còn là đất của một trường chuyên. Tôi nhớ cảnh quan nơi ấy cũng đủ cho buổi du xuân sớm nay.
Lễ trao tặng 500 lá cờ Tổ Quốc cho các chiến sĩ tại Hoàng Sa, Trường Sa của trường THPT Lê Lợi – Hà Đông. Đại tá Nguyễn Đức Độ – Bí thư Đảng ủy – Chính ủy Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cảnh sát biển đã đích thân lên nhận. |
- Chào bác ạ. Vài câu chào hỏi và nói lên nguyện vọng. Dĩ nhiên cũng có đôi chút “thao lược” vì trường không cho người ra vào tùy tiện, thế là tôi đã được bác bảo vệ với đôi mắt biết cười mời vào tham quan.
Đang giờ học. Sân trường trong vắt tiếng chim kêu. Ao trường xưa vẫn còn đây nhưng nay đã được ke bờ đá rất đẹp. Vẫn những cành cây ngả bóng xuống mặt nước thanh bình. Dãy nhà ba tầng vẫn đó nhưng đã khoác một màu sơn mới thật trẻ trung. Tôi vừa lững thững đi vừa thú vị suy nghĩ.
- Thế nào, chàng trai của mẹ lựa chọn sao rồi?
- Con vẫn quyết định chọn trường THPT Lê Lợi mẹ à.
Ngắm nhìn chàng thiếu niên mới lớn của mình đang lướt điện thoại, tôi khéo léo tìm cách thăm dò suy nghĩ của cậu chàng.
- Thế mấy đứa cùng quyết định giống con thì các bạn bảo lý do vì sao?
- Tụi nó cũng nhiều ý thích lắm mẹ ạ. Thằng An mê môn Hóa ý, nó kể có anh trong trường được thầy cô hướng dẫn tận tâm lắm mẹ. Ảnh được giải toàn quốc thi nghiên cứu khoa học, xong còn tham gia cùng các anh chị sinh viên trường Đại học KHTN nữa chứ. Giỏi quá mẹ nhỉ!
- Thế còn bạn Hải, bạn Quang, à còn bạn Thắng mà thích viết báo và hay hoạt động xã hội, các bạn ấy chọn thế nào?
- Thằng Quang giỏi tiếng Anh nó bảo ở trường này thường xuyên tổ chức “Ngày hội nói tiếng Anh toàn cầu” mà con đang xem đây mẹ. Các bạn nói về rất nhiều đề tài mà bằng tiếng Anh luôn ấy. Con nghĩ chắc do trường có Trung tâm dạy ngoại ngữ riêng, lại còn liên kết với trường ở Úc mẹ à, bạn nào thích giao lưu nước ngoài rồi có mục tiêu du học nữa chắc sẽ để ý cái này. Nó quay nhìn tôi rồi lại liến thoắng:
- Thằng Thắng thì nó bảo trường có nhiều hoạt động xã hội, các chương trình từ thiện đi tận các tỉnh miền núi như “Mang nắng xuân về”, hoạt động dã ngoại kiểu đi thăm cây đa Tân Trào, thăm các đền thờ như đền Chu Văn An. Học sinh đi về là viết bài trải nghiệm chứ không phải đi chơi không đâu, con thấy thế sẽ học được lịch sử, địa lý, văn hóa rất thực tế mẹ ạ. Quan trọng là rất vui! Thằng Hải mê thể thao thì nó quyết luôn vì nó bảo trường này đến cả thầy Hiệu trưởng cũng xuống sân đá bóng. Nói đến đây cả hai mẹ con tôi cùng nhìn nhau phá lên cười.
- Mấy bạn gái thì sao con? Mẹ nhớ con hay chơi với cái Hồng ấy.
- À cái Hồng tóc ngắn cũn cá tính nó lôi kéo cả tụi bạn vào đây luôn. Tụi đấy chả ham làm đẹp, hát múa mà. Chúng nó kêu thích trường này vì thấy có chương trình thi hội diễn thanh lịch, thi hát hay, đặc biệt là chương trình biểu diễn thời trang nhiều nước trong ngày hội công dân toàn cầu của nhà trường. Trời, chương trình này thì con thấy tụi con trai hay con gái đều ham. Mà con công nhận các anh chị ý diễn đẹp thật. Mấy chị xinh lắm ấy, diễn như diễn viên chuyên nghiệp luôn. Cậu chàng có vẻ đắc ý lắm rồi tiếp:
- Hội trại trường cũng có nhiều, con thấy bảo toàn các anh chị tự xây dựng chương trình từ A đến Z. À, đợt vừa rồi có một chị cựu học sinh của trường tên là Quỳnh Anh giành ngôi Quán quân Siêu Mẫu Châu Á cơ đấy mẹ ạ. Trường oách phết mẹ nhỉ?
Lễ khai giảng – Trường THPT Lê Lợi – Hà Đông. |
- Ừ nhưng mẹ vẫn băn khoăn khoản chất lượng học tập, mẹ cũng chưa kịp tìm hiểu kỹ nữa.
- Ôi mẹ ơi, môi trường học là quan trọng nhất chứ. Nhưng mà con cũng đọc rồi, con thấy trường giới thiệu có nhiều học sinh đạt giải cả cấp thành phố lẫn quốc gia ở đủ các môn. Đỗ đại học cũng trên 90% đấy. Mấy thông tin này mẹ cứ lên website hay trang Facebook trường mà xem. Nhưng mẹ biết tụi con thích nhất khi chọn trường Lê Lợi là gì không?
- À ừ chắc là do trường có nhà tập đa năng cho bọn con tha hồ tung hoành chứ gì. Hay là mê cái thư viện gần 20 nghìn đầu sách?
- Mẹ ơi, chính là cái điều lúc nãy mẹ hỏi đó. Trường tổ chức hoạt động rất nhiều mặt mẹ ạ, mà cho học trò tự do sáng tạo, lên ý tưởng, còn tự tổ chức, thực hiện nữa cơ. Slogan của trường là “Công dân toàn cầu là sản phẩm của chúng tôi”. Hay không mẹ! Con thấy rất ngầu!
- Gớm, anh đã mê thì anh hót hay như khướu. Nói như anh thì đến tôi cũng muốn đăng ký vào đây học.
- Haha mẹ, con sang nhà thằng Chiến đây.
Cậu chàng bị tôi nói trúng phóc tim, cậu không kìm được cười lên thành tiếng rồi chuồn mất.
Thầy trò trường THPT Lê Lợi – Hà Đông trong cuộc thi Nghiên cứu khoa học kĩ thuật. Học sinh Phạm Quang Hưng đạt giải Ba toàn quốc. |
Tôi nhớ có lần xem được một phóng sự của Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội về Lễ trao tặng 500 lá cờ Tổ Quốc cho các chiến sĩ biển đảo tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng với cuộc thi hát Quốc Ca của thầy và trò trường THPT Lê Lợi. Hôm đó Đại tá Nguyễn Đức Độ – Bí thư Đảng ủy – Chính ủy Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cảnh sát biển đã đích thân lên nhận.
Do tính chất công việc của mình, một lần tôi tới Bệnh viện K tại Tân Triều và gặp thầy trò trường THPT Lê Lợi đến tình nguyện làm từ thiện tại khoa nhi. Tôi may mắn được ngắm nhìn những nụ cười rạng rỡ của các cháu nhỏ cùng bố mẹ và cả thầy, trò. Vậy mới biết niềm vui luôn đến từ những tấm lòng nhân hậu.
Được biết năm 2020, nhà trường đã được Sở GDĐT Hà Nội chính thức trao bằng Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ II và quyết định của UBND thành phố Hà Nội công nhận trường đạt tiêu chí chất lượng cao – là trường THPT công lập đầu tiên được công nhận trường chất lượng cao của thành phố Hà Nội.
Lần giở bảng thành tích của nhà trường, mới thấy thầy trò trường Lê Lợi nỗ lực và đạt thành tích trên nhiều mặt. Quả là các kỳ thi học sinh giỏi, các kỳ thi học sinh tài năng thanh lịch hay thi đấu thể dục thể thao, thi tiếng hát thầy và trò,… trường luôn giành được nhiều giải cao cả ở cấp thành phố lẫn toàn quốc.
Nhiều lĩnh vực cả thầy và trò giành giải quán quân, giải xuất sắc. Nhiều học sinh của trường đang theo học tại các trường đại học top đầu cả nước, được cấp học bổng ở nước ngoài. Nhưng tôi ấn tượng nhất là trường nhiều lần có học sinh tham gia cuộc thi Nghiên cứu khoa học kĩ thuật và đạt giải cao toàn quốc.
Thậm chí, em Lâm Bình Nguyên, một học sinh của trường đã có công trình nghiên cứu được gửi đi tham gia Cuộc thi Ý tưởng, Phát minh và Sáng chế Nhật Bản JDIE do Hiệp hội sở hữu trí tuệ và sáng chế thế giới (WIIPA) và Tập đoàn Chinzal tổ chức dưới hình thức online. Hình thức nghiên cứu khoa học này quả là một cách phát huy tính độc lập và sáng tạo của học trò cao hơn cả mức học tập.
Điều này đối với học sinh phổ thông thực mới lạ. Trường có một tiêu chí riêng, vô cùng đặc biệt mà thầy trò đã cùng nhau chọn lựa và đề ra: “Thay đổi để trở thành LÊ LỢI HẠNH PHÚC”. Có lẽ vì thế nên các hoạt động của nhà trường vô cùng đa dạng và các cháu tham gia rất tích cực, say mê và nhiều sáng tạo chăng. Rất nhiều cuộc thi bổ ích như “Cuộc thi hùng biện Tiếng Anh quốc gia”, “Tri thức trẻ vì giáo dục”, “Giai điệu tuổi hồng”, “Lê Lợi’ Got Talent”, chuyên đề “Em yêu văn học dân gian”, “Nét đẹp Lê Lợi”.
Trường còn liên kết với “Liên minh Giáo Dục tư thục Nam Úc (AISA)”. Các câu lạc bộ âm nhạc, hội họa, các sân chơi thể thao, ca nhạc, các hoạt động ngoại khóa, tham dự Hội thảo du học, hoạt động “Tái chế và xử lý rác thải nhựa sinh hoạt”, “Nói không với bạo lực học đường”, “Giáo dục kỹ năng mềm”. Tổ chức cho các cháu nghe các chuyên gia nói chuyện về chủ đề giáo dục giới tính, học tập chủ động trong kỷ nguyên tri thức.
Tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc, Đại hội Võ thuật Thiên môn đạo, nhiều lắm. Các hoạt động phong phú ấy quả là giúp học sinh phát huy sáng tạo, năng khiếu, sở trường, cá tính, trở nên tự tin, năng động hơn rất nhiều, giúp cho các cháu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất con người, biết yêu thiên nhiên, xã hội, yêu đất nước. Tôi nghĩ, đây có lẽ chính là điểm nhấn, điểm khác biệt của nhà trường so với nhiều trường THPT khác mà chính con tôi và bạn bè nó đã nhận thấy.
Đang miên man suy nghĩ, bước chân đưa tôi ra phía sau trường. “Khang trang rộng rãi, sạch đẹp ra trò”. Tôi ngắm nghía và thầm nghĩ. Bỗng có tiếng gọi:
- Chị Vân, phải chị Vân không?
- Ơ Dũng hả em.
- Chị đi đâu đấy? À, em đoán rồi, chắc lại đang muốn tìm hiểu để cậu chàng chọn trường chứ gì.
- Chú cứ như thánh đi guốc trong bụng tôi ý nhỉ.
- Chuyện. Mà thôi, em để chị tự tìm hiểu cho khách quan nhé.
Đang tính cười trừ bỗng tôi nhớ ra:
- Ơ này chị hỏi, thế thời kỳ dịch giã thì chắc chỉ có mỗi học online thôi em nhỉ, chứ còn tổ chức được hoạt động gì nữa đâu?
Dũng nháy mắt tinh nghịch:
- Bà chị rồi sẽ mê học sinh của trường em cho mà xem. Hôm nay về nhà chị vào mạng xem tụi học trò thi tiếng hát online “Những bài ca đi cùng năm tháng” nhé, cứ gọi là toàn các giọng ca vàng. Chưa kể đến các cuộc thi thiết kế, kịch bản, viết, vẽ, online như "Lê Lợi trong trái tim tôi", "Viết vẽ về mái trường, Thầy Cô" diễn ra sôi nổi lắm chị ạ.
- Ô, trong thời kỳ dịch mà vẫn có các hoạt động bổ ích vậy hả em?
- Vâng chị, chị thấy hay không nào. Dũng nói rồi cười tươi.
Bỗng tiếng trống trường vang lên “Tùng! Tùng! Tùng!”
- Em phải lên văn phòng đã, hẹn chị khi khác.
- Chào em. Cho chị gửi lời hỏi thăm cô nhé.
Hội trại – Trường THPT Lê Lợi – Hà Đông. |
Tôi quay ra đã thấy những khuôn mặt trong veo ùa xuống sân. Tôi vội đi về phía cổng, bỗng nghe một tràng cười ran của mấy cô cậu học trò đứng xúm lại, chúng cùng đập tay vào nhau và hô: “Yeah! Chốt!”. Tôi choàng tỉnh, ừ nhỉ, tôi phải về ngay thôi, phải “chốt” cùng con trai, dù tôn chỉ của tôi là để con tự nghĩ, tự chọn, nhưng có thêm phần “chốt” của tôi nữa thì cả nhà vui lắm.
Xe ga phóng vèo vèo, gió bên tai tôi như nghe thấy lời của thầy hiệu trưởng trường Lê Lợi: “Xóa bỏ những rào cản tâm lí giữa học trò và thầy cô, tạo mọi điều kiện để học sinh sáng tạo, năng động, có cơ hội trở thành những công dân toàn cầu là mục tiêu phấn đấu của trường THPT Lê Lợi – Hà Đông”.
Hà Đông – Hà Nội, tháng 3/ 2022.
(Ghi theo lời kể của một phụ huynh học sinh)