Dịch tả lợn châu Phi là gì, ăn thịt lợn mắc dịch tả châu Phi gây bệnh gì?

VietTimes - Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm ở lợn và lợn rừng với tỷ lệ tử vong lên tới 100%. Tuy dịch tả lợn Châu Phi được khẳng định là không lây sang người nhưng người dân vẫn cần lựa chọn đúng thịt lợn sạch, không bị bệnh và cần chế biến kỹ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tại Việt Nam, ngày 19/2, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chính thức ra thông báo dịch tả lợn Châu Phi đã bùng phát tại một số hộ chăn nuôi thuộc tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Tính đến chiều 3/3, dịch tả lợn châu Phi nhanh chóng lan rộng đến 7 tỉnh, thành phố, gồm 202 hộ chăn nuôi thuộc Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số lợn bị mắc bệnh đã tiêu hủy là hơn 4.200 con, tương đương trọng lượng 297 tấn.

Có thể nói dịch tả lợn châu Phi không ngừng diễn biến khó lường do hiện nay tình trạng lợn chênh lệch giá được vận chuyển liên tỉnh nhiều, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng và hiểu biết từ phía người dân để phối hợp dập dịch hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại của bệnh dịch.

Người dân cần có kiến thức về bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút African swine fever virus (ASFV) gây ra. Dịch có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Trong năm 2018, nhiều nước thuộc Châu Phi, Châu Âu và Châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn Châu Phi ở các đàn lợn. 

Dấu hiệu đặc trưng để nhận biết dịch tả lợn châu Phi là lợn có biểu hiện sốt rất cao trên 40 độ. Dịch tả lợn châu Phi xảy ra với tất cả các loại lợn (nái, đực, con, choai); tỷ lệ chết rất cao vì chưa có vắc xin điều trị. 

 

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - khẳng định: Do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn. Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. 

Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc ( FAO) lưu ý, việc kiểm soát của dịch tả lợn châu Phi là vô cùng khó khăn, do virus gây bệnh này có thể tồn tại trong thời gian dài ở điều kiện thời tiết rất lạnh và rất nóng, và ngay cả trong các sản phẩm thịt lợn sấy khô hoặc đã giết mổ. 

Tuy nhiên virus này chịu nhiệt kém. Theo nghiên cứu của tạp chí Vi sinh học Thú y (Veterinary Microbiology - Thụy Sĩ), virus này tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.

Dù lợn bị nhiễm bệnh tả Châu Phi không có khả năng lây sang người, song các chuyên gia thú y cảnh báo khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như bệnh tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng...

Đặc biệt, với bệnh liên cầu khuẩn lợn, vi khuẩn tồn tại trong miệng, mũi, họng dễ lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương, vết trầy xước, qua các món ăn tái sống, tiết canh. Khi nhiễm những vi khuẩn liên cầu, bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm độc tiêu hóa, nhiễm trùng máu, viêm não, viêm màng não, suy đa tạng...

Do đó, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh...

Khuyến cáo của FAO đối với người nuôi lợn:

- Khai báo bất kỳ trường hợp đáng ngờ nào mắc dịch tả lợn châu Phi (lợn chết hoặc còn sống) cho cơ quan thú y vì đặc điểm của dịch là không chết cả đàn, mà chết từ từ.

- Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, vệ sinh khu chăn nuôi và tại các chợ như thường xuyên.

- Không cho khách tới thăm khu nuôi, tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với đàn lợn. Không cho lợn ăn thức ăn thừa không đảm bảo hay đồ ăn có chứa thịt.

- Không tặng hoặc bán lợn chết cho người khác và không dùng lợn bệnh làm thức ăn cho động vật.

- Không vận chuyển lợn hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn nhà hoặc lợn rừng (sản phẩm làm tại nhà) ra, vào vùng có dịch.

Xem thêm: