Địa chấn chính trường Nga: Tổng thống Putin lên kế hoạch rời Điện Kremlin, Thủ tướng Medvedev từ chức

VietTimes -- Bài phát biểu Thông điệp Liên bang mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong chiều ngày 15/1 đã bất ngờ trở thành một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử chính trị của nước Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev (Ảnh: RT)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev (Ảnh: RT)

Trong chiều ngày 15/1, chính phủ Nga đã đồng loạt từ chức. Thủ tướng Dmitry Medvedev đã rời khỏi mặt trận chính trị, Tổng thống Putin xác nhận rằng ông sẽ rời khỏi vị trí Tổng thống vào cuối nhiệm kỳ hiện tại của mình, và ông Mikhail Mishustin trở thành tân Thủ tướng Nga.

Tất cả những sự việc chấn động trên chỉ diễn ra trong duy nhất một ngày, hôm 15/1. Một tuần sau khi nước Nga trải qua kỳ nghỉ lễ, 2 tuần sau dịp đầu năm mới…dường như mọi chuyện diễn ra quá nhanh chóng.

Trong sáng ngày 15/1, ông Mishustin vẫn còn ít được những người ở bên ngoài nước Nga biết đến, thậm chí ông không có một trang tiểu sử trên trang Wikipedia, thì đến buổi chiều cùng ngày đã khác. Ngay cả ở trong nước, tiểu sử của ông cũng ít được biết đến.

Ông Mikhail Mishustin, người trở thành tân Thủ tướng Nga thay ông Dmitry Medvedev (Ảnh: RT)
Ông Mikhail Mishustin, người trở thành tân Thủ tướng Nga thay ông Dmitry Medvedev (Ảnh: RT)

Nhưng giới phân tích Nga cho rằng ông là một nhà quản lý đầy tài năng. Khi còn giữ chức vụ Cục trưởng Cục Thuế liên bang Nga, ông đã đạt được những thành tựu to lớn. Doanh thu ngành thuế đã tăng khoảng 20% dưới nhiệm kỳ của ông, trong khi thuế chỉ tăng thêm 2%. Năm ngoái, tờ Financial Times của Anh đã vinh danh ông là “Người thu thuế của tương lai” vì vai trò quan trọng của ông trong việc xây dựng lại hệ thống thuế quan của Nga, biến nó trở thành một trong những hệ thống hiện đại và hữu hiệu nhất thế giới.

Vai trò của ông Mishustin càng quan trọng hơn đối với một quốc gia nơi mà từng có thời trốn thuế trở thành một vấn nạn.

Là người gốc Moscow, ông Mishustin, cũng giống nhu ông Putin, là một người rất yêu thích bộ môn Hockey, từng được mô tả là “một gương mặt chính trị ít được biết đến ở Nga…một quan chức luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình”. Còn nhớ, trước khi ông Putin cũng được mô tả gần giống như vậy trong thời điểm năm 1999, và giờ, ở thời điểm 21 năm sau, lại xuất hiện một nhân tố như vậy.

Lời tạm biệt được đưa ra từ lâu

Hiện tại, Tổng thống Putin đã vạch ra lộ trình rút khỏi Điện Kremlin của ông, từ đó bắt đầu khởi động quá trình chuyển giao quyền lực. Ông sẽ từ chức trong năm 2024, hoặc có thể sớm hơn, và có dự định bãi bỏ hệ thống từng trao cho ông nắm nhiều quyền lực trong lúc tại nhiệm. Hệ thống này được ông Boris Yeltsin công bố năm 1993 với sự ủng hộ  của Mỹ.

Ông Putin có kế hoạch trao thêm quyền lực cho các cơ quan khác, trong đó Thủ tướng đặc biệt được trao thêm quyền. Ông cũng muốn tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước. Trên thực tế, ông Putin dự định sau khi rời khỏi Điện Kremlin sẽ làm việc tại cơ quan này, với vai trò giống như một “chính khách kỳ cựu”. Cơ quan này sẽ bao gồm những người đứng đầu các khu vực của Nga và các thành viên của Chính quyền Tổng thống. Dường như cơ quan này sẽ thực hiện chức năng cố vấn.

Để đạt được các mục tiêu đó, ông Putin muốn giảm quyền lực của Tổng thống và áp dụng hạn chế 2 nhiệm kỳ. Điều đó có nghĩa là một Tổng thống chỉ có 12 năm phục vụ trong Điện Kremlin. Tầm nhìn của ông Putin được hiểu rộng ra là sẽ có thêm sự cân bằng hơn trong bộ máy nhà nước, một Tổng thống có quyền lực yếu hơn trong khi các nhánh khác của chính phủ được tăng cường.

Nhưng không nên nhầm lẫn, mục tiêu của ông Putin chính là duy trì hệ thống mà ông kế thừa từ ông Yeltsin. Hệ thống này, từ chỗ khởi đầu đầy khó khăn, đã giúp cho người dân Nga có được sự tự do và thịnh vượng mà họ chưa từng có trước kia, mặc dù vẫn còn nhiều việc cần làm để phân bổ tài sản một cách công bằng hơn trong xã hội.

Tiền lệ trong quá khứ

Tổng thống Putin đọc Thông điệp Liên bang ngày 15/1 (Ảnh: France24)
Tổng thống Putin đọc Thông điệp Liên bang ngày 15/1 (Ảnh: France24)

Vị trí của ông Putin trong lịch sử có lẽ rồi sẽ rất giống với Tổng thống Franklin Delano Roosevelt của Mỹ, một vị Tổng thống được xem là độc nhất khi phục tới 4 nhiệm kỳ, và là người đã sửa chữa lại đất nước sau một thảm họa tài chính và xã hội (trong trường hợp của Nga là sự kiện Liên bang Xô viết sụp đổ và những năm khó khăn tài chính thập kỷ 90). Điều này cũng phù hợp với một số nhà quan sát ở Moscow từng chỉ ra: Ông Putin muốn được ghi danh vào lịch sử.

Một đề xuất đáng chú ý khác mà ông Putin đưa ra là các vị Tổng thống Nga trong tương lai cần phải sống ở Nga trong 25 năm liên tục trước khi nhậm chức, và không được sở hữu hộ chiếu nước ngoài hay giấy phép cư trú nước ngoài. Điều này sẽ giúp ngăn chặn hữu hiệu phe đối lập ở Moscow có quan điểm thân phương Tây. Thú vị ở chỗ, nếu quy định này được áp dụng vào năm 2000 thì có lẽ ông Putin đã không thể trở thành Tổng thống Nga, bởi ông sống ở Đức trong khoảng thời gian 1985-1990 (mặc dù là để làm nhiệm vụ nhà nước giao phó).

Những sự thay đổi đó có khả năng sẽ được công bố sau một cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến người dân Nga, nhằm đảm bảo rằng chúng nhận được sự đồng thuận rộng rãi.

Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin cũng nêu bật nhiều quan ngại trong nước. Ông hứa hẹn sẽ tăng lương cho các giáo viên và tăng số lượng các cơ sở chăm sóc trẻ em, phát thêm nhiều bữa trưa miễn phí cho trẻ em trong 4 năm học đầu tiên và mở rộng các chương trình hỗ trợ hộ gia đình có con.

Đối với ông Medvedev, mọi chuyện chưa hề kết thúc. Thay vào đó, ông sẽ nắm giữ một vai trò bán nghi thức, nhưng không kém phần quan trọng sau khi kết thúc 12 năm điều hành đất nước cùng ông Putin. Sẽ là nhầm lẫn nếu nói ông Medvedev đã rời khỏi chính trường Nga, đương nhiên quyền lực của ông sẽ không như trước.

Nói chung, Tổng thống Putin hy vọng rằng mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ trong quá trình chuyển giao quyền lực ở Nga. Và tiến trình đó đã bắt đầu.

(Theo RT)