Tổng thống Putin phát biểu tại diễn đàn đầu tư Russia Calling (Ảnh: NBC) |
Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh của họ áp đặt với Moscow kể từ khi Crimea trở lại thành một phần của nước Nga “đã buộc chúng tôi phải phát triển các kênh nhập khẩu thay thế” ở nhiều lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, dược phẩm, quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác – Tổng thống Nga Vladimir Putin nói tại diễn đàn đầu tư “Russia Calling” tại thủ đô Moscow.
Theo ông chủ Điện Kremlin, điều này đã cho phép Nga “đạt một bước tiến lớn, quan trọng trong việc tăng cường chủ quyền kinh tế và công nghệ”.
Các lệnh trừng phạt đương nhiên cũng có tầm ảnh hưởng không nhỏ khi dẫn đến khoản thất thu “hàng tỷ USD” trong thương mại song phương; ông Putin nói. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt nhằm vào Nga lại gây “hiệu ứng boomerang”, khi hàng trăm công ty Mỹ cũng không thu được lợi nhuận từ các dự án ở Nga hoặc mất lượng tiền mà họ đã đầu tư ở Nga do chính các quyết định mà Washington đưa ra – ông Putin nhận xét.
“Vậy người Mỹ đã trừng phạt ai? Họ trừng phạt chính họ. Họ tự bắn vào chân mình. Chính là như vậy” – ông Putin nói.
Và dường nhu giới đầu tư cũng đồng tình với lãnh đạo Nga. Một bản báo cáo mới đây mà tạp chí Forbes đăng tải cho thấy trái phiếu chính phủ Nga đã trở thành một thứ “cần phải có” bất chấp thực tế rằng nước này đang hứng lệnh trừng phạt.
“Xin lỗi những người thù hằn, nhưng thị trường chứng khoán của ông Putin còn tốt hơn của ông Trump, tốt hơn của ông Tập” – báo cáo của Forbes nhận định.
Trái phiếu bằng đồng USD của Nga đến năm 2027 trả lãi 4,25%, vượt xa mức lãi 1,8% của trái phiếu kỳ hạn 10 năm mà Bộ Tài chính Mỹ phát hành – theo Forbes. Trong khi đó, tỷ lệ lãi suất ở châu Âu hiện đang “thấp một cách nực cười” khi mà nền kinh tế hàng đầu của EU là Đức phát hành trái phiếu có mức lãi âm là -0,35%.
Niềm tin của giới đầu tư đối với nước Nga được tăng cường nhờ vào hàng loạt nhân tố, trong đó gồm không nợ nước ngoài, lượng dự trữ đáng kể của ngân hàng trung ương (433 tỷ USD ngoại tệ và 107,9 triệu USD vàng), sự ổn định của đồng Rúp, nhiều bộ luật mới giúp bảo vệ người giữ trái phiếu cùng các cuộc cải cách trong lĩnh vực ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác.
“Họ đã tự phát triển khả năng chống đạn” – James Barrineau thuộc công ty Schroders Investment nhận định trong báo cáo của Forbes.
Theo vị chuyên gia, mặc dù nhiều dự báo cho thấy nền kinh tế Nga chỉ có đà tăng trưởng ở mức khiêm tốn là 2% trong năm tới, nhưng trái phiếu của nước này lại hết sức hấp dẫn các nhà đầu tư ở cả EU và Mỹ xét về mặt hưởng lợi từ việc nắm giữ khoản nợ.
Theo RT