Đến với các sân bay hiện đại, nơi khuôn mặt của bạn là hộ chiếu

VietTimes – Nhận diện khuôn mặt không còn là công nghệ dành cho iPhone X, nó đang cách mạng hóa công tác an ninh tại các sân bay. Hình ảnh hành khách xếp hàng dài trước quầy check-in với tấm hộ chiếu trên tay giờ sắp thành quá khứ.
Úc là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng công nghệ nhận diện sinh trắc học để kiểm soát xuất nhập cảnh
Úc là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng công nghệ nhận diện sinh trắc học để kiểm soát xuất nhập cảnh

Úc là một điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách. Nhưng nếu bạn là người Mỹ, chuyến bay từ Los Angeles đến Sydney sẽ kéo dài 13 giờ. Nếu bạn ở New York thì phải cộng thêm 5 giờ nữa. Còn các hành khách nếu xuất phát từ London thì sẽ có một ngày chân không chạm đất.

Khi đặt chân đến Úc sau một chặng bay dài, hành khách nào cũng muốn quá trình nhập cảnh diễn ra nhanh chóng để có thể sớm rời khỏi sân bay, đến các bãi biển tuyệt vời của Úc càng nhanh càng tốt.

Đó là lý do tại sao Bộ Nội vụ Úc đang đi đầu trong công nghệ hải quan thông minh. Năm 2007, hải quan nước này đã áp dụng công nghệ Cửa Thông minh (SmartGates). Nó đọc hộ chiếu, quét khuôn mặt và xác minh hành khách tại 8 sân bay quốc tế lớn trên khắp đất nước. Công nghệ hải quan thông minh này giúp cho việc xuất nhập cảnh diễn ra nhanh chóng hơn.

Vào tháng 5 và tháng 6 năm 2017, Úc đã thử nghiệm công nghệ hải quan “không tiếp xúc” đầu tiên trên thế giới tại sân bay quốc tế Canberra. Hệ thống nhận diện khuôn mặt không cần hộ chiếu sẽ xác minh hành khách bằng cách đối chiếu khuôn mặt của họ với dữ liệu được lưu trữ trên máy chủ. Sau đợt thử nghiệm đầu tiên này, hải quan Úc dự kiến triển khai đợt thử nghiệm thứ hai trong thời gian ngắn tới đây.

Nhận dạng sinh trắc không chỉ được áp dụng cho xuất nhập cảnh mà nó còn được sử dụng để đơn giản hóa quá trình lên máy bay. Sân bay Sydney đã hợp tác với hãng hàng không Qantas trong việc sử dụng dữ liệu khuôn mặt để rút ngắn quá trình khởi hành.

Theo một thử nghiệm mới, hành khách chọn bay hãng Qantas có thể quét mặt và hộ chiếu tại một quầy khi họ check-in. Từ đó, họ sẽ không cần phải xuất trình hộ chiếu cho nhân viên Qantas cho đến khi ngồi yên vị trên máy bay. Tất nhiên, du khách vẫn phải qua các công đoạn kiểm tra an ninh thông thường để xem có tàng trữ vũ khí chất nổ hay không, nhưng tất cả giao dịch của họ với Qantas hoàn toàn được xử lý với nhận diện khuôn mặt.

“Khuôn mặt của bạn sẽ là hộ chiếu và thẻ lên máy bay, thay cho mọi thủ tục áp dụng trước đây”, ông Geoff Culbert, Giám đốc điều hành sân bay Sydney cho biết.

Những chiếc camera đặt tại Cửa Thông minh ở sân bay Úc sẽ quét khuôn mặt hành khách theo thời gian thực và so sánh với tấm ảnh trên hộ chiếu (ảnh: Bộ Nội vụ Úc)
 Những chiếc camera đặt tại Cửa Thông minh ở sân bay Úc sẽ quét khuôn mặt hành khách theo thời gian thực và so sánh với tấm ảnh trên hộ chiếu (ảnh: Bộ Nội vụ Úc) 

Công nghệ nhận diện khuôn mặt đã được áp dụng tại các sân bay nhờ tiến bộ song song trong công nghệ hộ chiếu.

Kể từ khi thế giới áp dụng mẫu hộ chiếu thống nhất vào năm 1920, cuốn sổ bé bằng bàn tay này đã trải qua một chặng đường dài phát triển. Nếu như năm 1980, hộ chiếu có thể đưa vào máy đọc, thì đến năm 1998 hộ chiếu điện tử (ePassport) đầu tiên đã được Malaysia phát hành. Hộ chiếu điện tử gắn con chip RFID chứa thông tin cá nhân và nhận dạng sinh trắc học của mỗi người. 490 triệu chiếc hộ chiếu điện tử của khoảng 100 nước đang được lưu hành.

Không chỉ có hộ chiếu được “nâng cấp” mà công việc hải quan tại các cửa khẩu cũng được hiện đại hóa. Nhân viên hải quan con người đã được thay thế bằng các Cửa Thông minh và các camera sinh trắc học, với khả năng lập bản đồ khuôn mặt và so sánh với tấm ảnh được lưu trữ trên hộ chiếu của du khách.

Chẳng bao lâu nữa, bạn có thể nhập cảnh vào một quốc gia mà không cần mang theo hộ chiếu vật lý, hoặc thậm chí không cần nói một lời với ai cả.

Đó là cửa, nhưng không phải cửa bình thường

Kể từ khi phát hành hộ chiếu điện tử vào năm 2005, Úc đã trở thành quốc gia tiên phong trong việc áp dụng công nghệ hải quan thông minh.

Quốc gia này đã triển khai Cửa Thông minh tại các Ga đến (Arrivals) vào năm 2007, và áp dụng tại các Ga khởi hành (Departure) từ năm 2015. Loại cửa này hiện là phương pháp chính để kiểm tra khách du lịch tại các sân bay lớn của Úc. Trong giờ cao điểm, một Cửa Thông minh có thể xử lý nhập cảnh cho 150 hành khách mỗi giờ, tương đương với 24 giây một người.

Với hệ thống Cửa Thông minh, du khách đến Úc sẽ vào một quầy để quét Hộ chiếu Điện tử. Cuốn Hộ chiếu Điện tử là một sự kết hợp giữa công nghệ cũ và mới. Nó vẫn có các trang giấy, nhưng họ tên du khách, quốc tịch và ảnh được lưu trữ trong một con chip được gắn ở trong trang giấy trung tâm.

Đến với các sân bay hiện đại, nơi khuôn mặt của bạn là hộ chiếu ảnh 2

 Hành khách đi qua Cửa thông minh (ảnh: Bộ Nội vụ Úc)

Sau khi quét xong hộ chiếu, du khách chuyển đến Cửa Thông minh để quét khuôn mặt. Các camera của Cửa Thông minh sẽ đo lường các đặc điểm sinh học trên khuôn mặt mỗi người, chẳng hạn như khoảng cách giữa hai mắt, giữa mũi và miệng. Nếu quá trình quét khuôn mặt trong thời gian thực khớp với ảnh hộ chiếu được quét tại quầy, du khách có thể đi qua cửa và vào Úc.

Một số quốc gia khác cũng có hệ thống tương tự, chúng được áp dụng sau nước Úc. Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ sử dụng hệ thống Kiểm soát Hộ chiếu Tự động, nhưng khâu kiểm tra cuối cùng vẫn do một nhân viên hải quan tiến hành. Liên minh châu Âu (EU) sẽ kiểm tra các du khách qua một hệ thống gọi là Biên giới Thông minh (Smart Borders).

Tốc độ và sự dễ dàng không phải là lý do duy nhất khiến các nước tìm cách đổi mới hệ thống hải quan tại các cửa khẩu. Sau vụ khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9, an ninh sân bay càng được siết chặt hơn, đồng thời bổ sung thêm nhiều công nghệ mới.

Chính phủ Úc cho biết hệ thống Cửa Thông minh sẽ đem lại một trải nghiệm mới cho du khách và giải phóng các nhân viên hải quan để họ dành nhiều thời gian hơn cho thu thập thông tin, thực thi và nhắm mục tiêu quan trọng. Đây chính là chìa khóa để ngăn chặn các mối đe dọa tại biên giới.

Một nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, con người thường ghi nhớ kém khi phải tìm giữa các khuôn mặt phù hợp. Theo Đại học New South Wales, nhân viên hải quan xác thực hộ chiếu của Úc không thể khớp một trong bảy khuôn mặt với ảnh ID tương ứng. Tỷ lệ thất bại là 14%.

Bruce Baer Arnold, một chuyên gia về sinh trắc học tại Đại học Canberra cho biết: “Dữ liệu sinh trắc học được thu thập và duy trì có tính bảo mật hơn hộ chiếu truyền thống. Bởi vì sinh trắc học liên quan đến kiến trúc tổng thể của khuôn mặt ... máy thường chính xác hơn so với nhân viên hải quan chán nản, căng thẳng".

Khuôn mặt sẽ thay cho hộ chiếu trong tương lai gần

Những tiến bộ trong sinh trắc học và kiểm soát tại hải quan cửa khẩu không dừng lại ở đó. Vào năm 2015, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã tuyên bố thử nghiệm công nghệ "Hành khách không tiếp xúc" (ban đầu được gọi là Cloud Passport), cho phép hành khách đi qua cửa khẩu mà không cần trình ra bất kỳ loại hộ chiếu hoặc giấy tờ du lịch nào.

“Hành khách không tiếp xúc” là một sự lặp lại của hệ thống Cửa Thông minh hiện tại của Úc và là bước hợp lý tiếp theo trong số hóa. Tương tự như hệ thống Cửa Thông minh, hành khách sẽ phải quét khuôn mặt tại nơi kiểm soát nhập cảnh. Nhưng thay vì được kết hợp với hình ảnh vừa được quét từ hộ chiếu của họ, hình ảnh khuôn mặt sẽ được đối chiếu với với hình ảnh của người đó trong cơ sở dữ liệu do Bộ Nội vụ Úc (DHA) lưu trữ. Nếu khuôn mặt của hành khách phù hợp, họ sẽ được bay.

Hải quan Úc đang áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong đám đông (ảnh: Getty Images)
Hải quan Úc đang áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong đám đông (ảnh: Getty Images) 

Hệ thống "Hành khách không tiếp xúc" này cho thấy người đi máy bay hoặc nhập cảnh vào Úc sẽ không cần tiếp xúc trực tiếp với nhân viên hải quan. Nó đang được thử nghiệm tại sân bay quốc tế Canberra với các công dân Úc có Hộ chiếu Điện tử hợp lệ. Bởi vì đó là một thử nghiệm nên hành khách cần mang theo hộ chiếu của họ trong trường hợp xảy ra vấn đề. Sau đợt thử nghiệm này, Bộ Nội vụ Úc có kế hoạch triển khai công nghệ không tiếp xúc tại các sân bay khác của Úc cho bất kỳ du khách quốc tế nào có dữ liệu sinh trắc học.

Những rủi ro với công nghệ mới

Dĩ nhiên, có một rủi ro đi kèm với công nghệ mới. Số nhận dạng sinh trắc học của bạn - các thuộc tính giúp bạn phân biệt với những người khác trên thế giới - có thể sớm được lưu trữ trên đám mây và được chia sẻ trên nhiều hệ thống bởi các chính phủ khác nhau. Nhiều người sẽ có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu ấy. Và một bộ dữ liệu lớn có thể trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với tin tặc.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các hệ thống này bị xâm nhập? Bạn có thể thay đổi mật khẩu nhưng không thể thay đổi khuôn mặt của mình.

Bộ Nội vụ Úc đã không tiết lộ về cách họ bảo mật cơ sở dữ liệu. Nhưng họ đã nói trong một email rằng họ "thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin sinh trắc học phù hợp với tất cả các luật liên quan và các thỏa thuận quốc tế".

Một số chuyên gia bảo mật đã cảnh báo về những điểm yếu tiềm ẩn của nhận dạng khuôn mặt. Máy quét sinh trắc học có thể bị lừa bởi một người trang điểm đậm.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Úc gần đây đã tiết lộ các thử nghiệm về công nghệ sinh trắc học với tỷ lệ thành công cao. Cuộc thử nghiệm "Face on the Move" của họ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác định 2.200 hành khách tại Sân bay Quốc tế Canberra, với tỷ lệ thành công trung bình 94% và "không có lỗi nhận diện".

Chính phủ Úc cũng đang có một kế hoạch thu thập các bức ảnh công dân Úc cùng với bằng lái xe để tạo ra một cơ sở dữ liệu sinh trắc học mới cho các công dân của mình. Ý tưởng là cơ sở dữ liệu này sẽ cung cấp cho cơ quan thực thi pháp luật một phương tiện để nhanh chóng xác định những kẻ tình nghi.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Úc đã lên kế hoạch cho thế hệ tiếp theo của hải quan kỹ thuật số - không chỉ áp dụng tại các nhà ga khởi hành, mà còn triển khai ở nhiều sân bay hơn và thậm chí thay thế thẻ hành khách bằng giấy với các tùy chọn kỹ thuật số.

Chẳng bao lâu nữa bạn sẽ không phải lo lắng về việc để quên hộ chiếu của mình tại khách sạn!