Đến 2025, Đà Nẵng sẽ có 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thành uỷ Đà Nẵng vừa ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số trên địa bàn TP Đà Nẵng với mục tiêu đến năm 2025, đưa Đà Nẵng thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng
Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, Đà Nẵng sẽ thuộc nhóm 3 địa phương có chính quyền số dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước với 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4 (trừ một số thủ tục hành chính có tính chất đặc thù, có quy định riêng), 60% dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức độ 3, 4, được cung cấp trên nhiều nền tảng, hỗ trợ trên thiết bị di động;

Nghị quyết cũng đặt mục tiêu 100% cơ quan nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở; giảm 20% thủ tục hành chính hiện có thông qua kế thừa dữ liệu số; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội TP được ban hành công khai và liên thông; mỗi người dân, doanh nghiệp đều có tài khoản định danh điện tử, được xác thực điện tử và có dữ liệu số để giao dịch, sử dụng dịch vụ công, thông tin, tiện ích của thành phố; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý;…

Về phát triển kinh tế số, đến 2025, kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP địa phương (trong đó, công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 10% GRDP thành phố); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; có 1.000 bộ dữ liệu mở, công khai cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp sử dụng, phục vụ tạo ra sản phẩm mới; có 3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, ít nhất 5 doanh nghiệp doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Đối với các lĩnh vực như: du lịch, ngân hàng, tỷ trọng giá trị tăng thêm gia tăng thông qua hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số trong sản xuất, kinh doanh và vận hành.

Đặc biệt về phát triển xã hội số, đến năm 2025, mỗi hộ gia đình ở Đà Nẵng đều có địa chỉ số, tiếp cận được dịch vụ Internet băng rộng; 100% người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh; 90% người dân, doanh nghiệp được trang bị kỹ năng số và các quy tắc ứng xử trên môi trường số; có thể tham gia hoạt động học tập, lao động, sản xuất, đời sống và sinh hoạt trên môi trường số; 50% khu vực dân cư thành phố có sóng và dịch vụ 5G.

Song song với đó, mỗi người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% cơ sở y tế sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám, chữa bệnh; sử dụng dịch vụ đặt lịch, tư vấn, khám, chữa bệnh qua mạng, thanh toán viện phí qua mạng…

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành TP thông minh và thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng duy trì các mục tiêu đạt được trong giai đoạn trước và đạt được một số mục tiêu 90% dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức độ 3, 4; giảm 30% thủ tục hành chính hiện có thông qua kế thừa dữ liệu số; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; hoàn thành cơ bản chính quyền số tại 100% quận, huyện và phường, xã.

Bộ phận một cửa tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng

Bộ phận một cửa tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng

Đến 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP của địa phương (trong đó công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 15% GRDP); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; có 5.000 bộ dữ liệu mở, công khai cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp sử dụng, phục vụ tạo ra sản phẩm mới; có 5 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, với ít nhất 10 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Tiến tới 90% người dân sử dụng điện thoại thông minh; 95% người dân, doanh nghiệp được trang bị kỹ năng số và các quy tắc ứng xử trên môi trường số; có thể tham gia hoạt động học tập, lao động, sản xuất, đời sống và sinh hoạt trên môi trường số; 80% hộ gia đình, 100% doanh nghiệp có tài khoản giao dịch thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử; 100% khu vực dân cư TP có sóng và dịch vụ 5G.