Đề xuất nhiều cơ chế “xé rào” để sớm triển khai Sân bay Long Thành

VietTimes -- Giao địa phương làm chủ đầu tư GPMB, phát hành công trái để xây dựng khu tái định cư trước khi phê duyệt báo cáo khả thi, hỗ trợ cả đất, công trình không thuộc diện được bồi thường… Đó là một vài trong số nhiều đề xuất tỉnh Đồng Nai muốn áp dụng để sớm triển khai dự án sân bay Long Thành

 

Phối cảnh quy hoạch dự án sân bay Long Thành
Phối cảnh quy hoạch dự án sân bay Long Thành

Những đề xuất được đánh giá là chưa từng có này được UBND tỉnh Đồng Nai thể hiện trong tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành).

Theo đó, tỉnh Đồng Nai đề nghị cho phép tách ngay toàn bộ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư thành tiểu dự án riêng. Và giao cho địa phương làm chủ đầu tư để triển khai sớm hạng mục quan trọng này. Quy mô giải phóng mặt bằng hơn 4.000 hộ dân với 15.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng.

Lý do của đề xuất này là nếu làm đúng theo quy định hiện nay thì sớm nhất cũng phải mất 5 năm mới (đến năm 2021) mới có thể bàn giao mặt bằng sạch cho dự án và vì vậy Sân bay Long Thành không kịp hoàn thành xây dựng để sử dụng vào năm 2025 theo yêu cầu của Quốc hội.

Đồng thơi, tỉnh Đồng Nai đề nghị thực hiện thủ tục giải phóng mặt bằng (GPMB) ngay trong năm 2016 để xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An và Bình Sơn tại huyện Long Thành trước khi Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng sân bay Long Thành được phê duyệt. Đồng thời áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, thi công đối với 2 dự án tái định cư và xây dựng nghĩa trang huyện Long Thành với tổng vốn đầu tư lên tới 5.440 tỷ đồng

Vốn thực hiện đầu tư xây dựng các công trình này được Đồng Nai đề nghị sử dụng nguồn kinh phí thặng dư khoảng 1.000 tỷ đồng của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đồng thời cho phép phát hành trái phiếu chính phủ dưới hình thức công trái xây dựng Tổ quốc có kỳ hạn 1 năm trở lên, lãi suất của trái phiếu được tính vào tổng mức đầu tư dự án.

Về cơ chế đặc thù để GPMB, Đồng Nai đề nghị cho phép hỗ trợ cả đối với các hộ dân có nhà, công trình trên đất nông nghiệp, hay với các công trình nhà, công trình đối với người đang sử dụng thuộc sở hữu của nhà nước và các trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất.

Dự án xây dựng sân bay Long Thành có diện tích thu hồi đất dự kiến lên tới 5.000 ha trên địa bàn 6 xã là Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ước tính, dự án sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 4.000 hộ dân với 15.000 nhân khẩu.

Nếu thuận lợi, dự án sân bay Long Thành có thể vận hành giai đoạn I vào năm 2025