Hành trình 5 năm chuẩn bị
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), có ít nhất 5 điểm nút quan trọng trong quá trình chuẩn bị đầu tư, cần phải đảm bảo được về thời gian để Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn I có thể khởi công sau 5 năm nữa.
Trong báo cáo cập nhật kế hoạch triển khai sân bay Long Thành vừa được gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào cuối tuần trước, ACV muốn công tác thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga hàng không sẽ phải hoàn thành vào tháng 9/2016.
Ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV cho biết, đây là tiến độ nhanh nhất có thể trong điều kiện chọn được phương án kiến trúc đáp ứng được yêu cầu đề ra. Trong trường hợp không chọn được phương án kiến trúc hoặc phải gia công chỉnh sửa, tiến độ phê duyệt sẽ phải kéo dài hơn.
Hiện đơn vị chuẩn bị dự án vẫn chưa nhận được quyết định cuối cùng từ bộ chủ quản về việc có phải tổ chức triển lãm phương án kiến trúc hay không, nhưng kinh nghiệm từ dự án Nhà Quốc hội, việc lấy ý kiến cộng đồng sẽ “thâm” vào quỹ thời gian thêm ít nhất 3 tháng nữa.
Theo ông Bình, tính đến cuối tháng 6/2016, ACV đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và cung cấp các tài liệu, số liệu, thông tin về kiến trúc, quy hoạch và các thông tin liên quan đến Dự án cho các tổ chức, cá nhân dự thi. Ban Tổ chức sẽ nhận các bài thi tuyển chậm nhất đến ngày 8/8/2016.
Liên quan đến công tác lựa chọn tư vấn lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi (F/S) - hạng mục đang được thực hiện rốt ráo, ACV cho biết, sẽ phát hành hồ sơ mời thầu tới các nhà thầu quốc tế chậm nhất là cuối tháng 11/2016. Chủ đầu tư sẽ có khoảng 1 tháng để đánh giá hồ sơ dự thầu, trước khi bắt tay thương thảo với các ứng thầu tiềm năng trước khi trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu vào cuối tháng 1/2017.
Trước đó, vào tháng 11/2015, ba gói thầu đầu tiên của Dự án đã được ACV trình lên cấp có thẩm quyền gồm: Tư vấn thẩm tra dự toán lập báo cáo khả thi (có trị giá gói thầu 0,3 tỷ đồng); Tư vấn đánh giá tác động môi trường (khoảng 3,8 tỷ đồng) và Tư vấn lập F/S (khoảng 18,8 triệu USD). Toàn bộ kinh phí triển khai 3 gói thầu sẽ được huy động từ Quỹ Đầu tư phát triển của ACV.
Cần phải nói thêm rằng, để có thể xây dựng được Báo cáo F/S cho công trình quy mô vốn lên tới 5,45 tỷ USD, có độ phức tạp rất cao về công nghệ, thời gian để đơn vị tư vấn thực hiện gói thầu cần ít nhất 16 tháng.
ACV kỳ vọng có thể trình hồ sơ thẩm định Báo cáo F/S vào khoảng giữa tháng 6 đến giữa tháng 7/2018, để Bộ GTVT thẩm định, trước khi trình Chính phủ vào khoảng giữa tháng 7 đến cuối tháng 8/2018.
Báo cáo F/S tiếp tục được “soi kỹ” bởi Hội đồng Thẩm định nhà nước, do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập, để có thể trình Quốc hội thông qua Dự án trong quý IV/2018.
“Trong trường hợp không kịp trình Quốc hội thông qua dự án đầu tư xây dựng trong kỳ họp Quốc hội khóa XIV vào tháng 10/2018 (do phải trình Quốc hội trước ít nhất 3 tháng), Quốc hội sẽ thông qua tại kỳ họp khóa XIV vào tháng 5/2019. Khi đó tiến độ Dự án sẽ phải kéo dài thêm khoảng 6 tháng”, ông Bình cho biết.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Dự án đầu tư xây dựng vào tháng 12/2018, đơn vị quản lý dự án sẽ cần thêm 18 tháng nữa để tiến hành lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán - hai bước quan trọng nhất để lập được hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp.
Đề xuất biện pháp rút ngắn tiến độ
ACV cho biết, công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp sẽ bắt đầu bằng việc bán hồ sơ mời thầu từ tháng 11/2019, đánh giá hồ sơ dự thầu từ tháng 2/2021; thương thảo hợp đồng vào cuối tháng 2/2015, ký hợp đồng vào cuối tháng 3/2021 - đây cũng là điểm kết thúc của hành trình chuẩn bị kéo dài 5 năm cho siêu công trình có quy mô lớn nhất, phức tạp về công nghệ nhất từng được triển khai tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo ACV, đây là tiến độ được lập theo đúng trình tự, thủ tục hiện hành. Tiến độ trên có thể được rút ngắn nếu áp dụng các giải pháp đẩy nhanh như chỉ định thầu thiết kế kỹ thuật song song với công tác lập F/S. Trước đó, vào tháng 3/2016, ACV đã đề nghị Bộ GTVT cho phép thực hiện thiết kế kỹ thuật song song với công tác lập F/S.
“Trong trường hợp thực hiện thiết kế kỹ thuật sau khi F/S được phê duyệt, thì Dự án chỉ có thể khởi công sớm nhất là cuối tháng 10/2016”, ông Bình tính toán.
Vì lý do này, ACV muốn Bộ GTVT cho phép được thu xếp vốn và chỉ định nhà thầu tư vấn trúng tuyển lập Báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện thiết kế kỹ thuật song song với với công tác lập F/S đối với các hạng mục: Nhà ga hàng không, Nhà khách VIP, Nhà văn phòng ACV, các tòa nhà tiện ích khác; khu bay… để có thể phê duyệt thiết kế kỹ thuật ngay sau khi phê duyệt F/S.
ACV cũng đề nghị bộ chủ quản và UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo Chính phủ sử dụng vốn ngân sách để triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu của Dự án.
Được biết, phạm vi công việc được lập đề cương trong F/S chia thành 5 nhóm hạng mục gồm: 10 hạng mục do ACV làm chủ đầu tư và dùng vốn của ACV; 26 hạng mục do ACV làm chủ đầu tư, sử dụng vốn vay ODA và vốn ngân sách (các hạng mục không có khả năng sinh lời); 6 hạng mục dùng vốn ngân sách do Nhà nước chỉ định làm chủ đầu tư; 2 hạng mục vay vốn ODA thương mại hoặc đối tác công - tư (PPP); 17 hạng mục do các doanh nghiệp khác làm chủ đầu tư.
Trong Đề cương Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Bộ GTVT cuối năm 2015, ACV cũng kiến nghị áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với dự án theo hình thức ngân sách nhà nước cho vay lại toàn bộ, bao gồm cả phần vốn ODA, vốn vay ưu đãi dự kiến lên tới 3,53 tỷ USD, tương đương 35,23% khái toán tổng mức đầu tư Dự án.
“Chủ đầu tư sẽ trực tiếp quản lý dự án thông qua Ban quản lý dự án do chủ đầu tư thành lập như thông lệ mà chúng tôi vẫn áp dụng tại các dự án đầu tư của ACV”, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐQT ACV đề nghị.
Theo Đầu tư