Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” với sự tham gia của nhiều nông dân.
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo ngành ngân hàng ưu tiên tập trung vốn cho nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách tín dụng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhỏ và thấp so với nhu cầu. Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần có một lượng vốn lớn, trong đó nguồn vốn tín dụng đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Bà Trịnh Thị Mý, nông dân xã Phù Lương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết gia đình bà làm nghề chăn nuôi là chính và đã tiếp cận được nguồn vốn của Agribank cách đây gần 10 năm. Tuy nhiên, hiện gia đình muốn mở rộng quy mô mong muốn được ngân hàng nhận thế chấp bằng trang trại để vay vốn.
“Hiện Nghị định 55 đã có cơ chế cho vay tín chấp nhưng chúng tôi chưa tiếp cận được nguồn vốn tín chấp. Còn về thế chấp, chúng tôi đã phải sử dụng 6 bìa đỏ với diện tích 4.200m2 và có cả nhà kiên cố mới vay được vốn”, Bà Mỹ cho biết.
Ông Phạm Đình Thắng, nông dân xuất sắc huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã đại diện cho khoảng 400 hộ trồng, chế biến chăm sóc cây dong riềng cho biết, Hiện, có 2.000 lao động, cần có vốn để thu mua khoảng vài tỷ bộ dong riềng cho đầu vào sản xuất miến nhưng hết mùa vụ lại không cần vốn nữa. Và cần được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng.
“Thế chấp phải có bìa đỏ, mà giá trị đất rất rẻ. Còn nhà xưởng, máy móc vài tỷ nhưng chính sách không có cho thế chấp nhà xưởng, máy móc nên rất mong có các giải pháp tiếp cận nguồn vốn dễ hơn,” ông Thắng kiến nghị.
Còn ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty Thái Dương cho biết, “ở các nước cho vay chăn nuôi 30 năm, còn Việt Nam chỉ vay 3 năm và nhiều là 7 năm thì không thể nào có đủ tiền quay vòng trả cho ngân hàng. Thủ tục pháp lý vay vốn quá nhiều, ví dụ tài sản đó phải có giao dịch đảm bảo. Muốn chứng minh tài sản đảm bảo thì quá nhiều giấy tờ. Để có 1 đồng vốn cần có 200 đồng vốn đảm bảo. Để vay 100 đồng vốn lưu động cần có 500 đồng vốn tài sản bảo đảm. Cơ chế chính sách để làm tài sản đảm bảo cho người chăn nuôi vay vốn cần thông thoáng hơn để doanh nghiệp có đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh”.