Sau khi nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi và tranh luận về vấn đề dạy thêm, học thêm, đến cuối phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) tiếp tục nêu quan điểm của mình.
Ông Thành cho rằng từ các khóa trước, Quốc hội đã thảo luận rất nhiều về dạy thêm, học thêm, tuy nhiên câu chuyện này vẫn chưa có hồi kết. Ông cho rằng kỳ này và một số kỳ nữa chúng ta vẫn phải bàn. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng nhắc lại quan điểm của Bộ trưởng về các giải pháp liên quan đến hệ thống pháp luật, tuy nhiên ông Thành nhận định rằng đó mới chỉ là những việc của bề nổi. Từ đây, ông nêu 4 vấn đề thuộc “chiều sâu”, bao gồm:
Thứ nhất là giảm tải chương trình. Ông Thành nói rằng sau những khảo sát thì thấy nhiều nội dung kiến thức chưa phù hợp với lứa tuổi. Thứ hai là phương pháp dạy học. Theo ông Thành cần đổi mới phương pháp từ dồn ép kiến thức sang dạy tư duy. Thứ ba là phương pháp thi cử. Ông Thành cho rằng tuy đã có những cải tiến về phương pháp thi cử nhưng vẫn chưa phù hợp, vì vậy cần đổi mới mạnh hơn về nội dung và phương pháp thi cử – tập trung nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo như các đề mở để tăng cường nhận thức. Chú trọng đổi mới sáng tạo của học sinh nhiều hơn là việc dạy theo mẫu và áp dụng thi theo mẫu.
Đặc biệt, ông Thành nhấn mạnh vào điểm thứ tư là vấn đề tổ chức hệ thống trường học. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành khẳng định: “Nếu chúng ta còn hệ thống trường chuyên thì đương nhiên là nhu cầu dạy thêm, học thêm là có.”
Ông Thành thừa nhận vai trò của trường chuyên nhưng yêu cầu “thay đổi nội dung và phương pháp trong chương trình dạy và học ở các trường chuyên để làm sao tạo được môi trường hài hòa, môi trường phù hợp.”
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong phần trả lời của mình sau khi nhắc lại 3 giải pháp đầu mà Đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu lên thì cũng khẳng định rằng đó là những giải pháp quan trọng và thuộc nhóm giải pháp về chuyên môn, hiện Bộ GD&ĐT cũng đang triển khai. Tuy nhiên, Bộ trưởng đã không đề cập tới giải pháp thứ tư liên quan đến vấn đề tồn tại của hệ thống trường chuyên.