Thống kê trên được nêu ra trong Báo cáo tổng kết các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 được trình bày tại hội nghị diễn ra sáng ngày 10.09.2016.
Nếu cộng cả khoản kinh phí chi cho nguyên vật liệu phục vụ nghiên cứu khoảng 482 tỷ đồng (khoảng 26,3%) thì tổng số kinh phí "không tham gia trực tiếp cho phát triển nguồn lực KHCN" chiếm khoảng 40%.
Tuy nhiên, "một phần không nhỏ trong số đó đã góp phần kết nối tăng cường trao đổi về học thuật giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước. Một phần khác được cấu thành trong các sản phẩm khoa học công nghệ của các nhiệm vụ" - báo cáo khẳng định.
60% còn lại của tổng kinh phí cho 15 chương trình trọng điểm cấp nhà nước trong giai đoạn 5 năm qua bao gồm899 tỉ chi cho lao động khoa học (48,5%) và 214 tỉ đồng chi cho việc mua máy móc phục vụ nghiên cứu (11,4%).
"Nếu so sánh với các số liệu khoảng 2.700 tiến sĩ và trên 2.600 thạc sĩ và kỹ sư tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ của chương trình. Các nhiệm vụ góp phần đào tạo trên 400 tiến sĩ và 900 thạc sĩ thì có thể thấy rằng khoản kinh phí trên không quá nhiều" - báo cáo nêu.
Trong giai đoạn 2011-2015, đã có 10 chương trình trọng điểm cấp nhà nước về khoa học công nghệ (chương trình KC) và 5 chương trình trọng điểm cấp nhà nước về khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX) được thực hiện.
Theo đó, chương trình KC đã triển khai 329 nhiệm vụ. Tổng kinh phí phê duyệt cho các nhiệm vụ này là 3.049 tỉ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước là 1.554 tỉ đồng, cao gấp 1,7 lần so với giai đoạn trước. Kinh phí bình quân ch mỗi nhiệm vụ là 4,7 tỉ đồng.
Các chương trình KX triển khai 101 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 206 tỉ đồng, cao hơn giai đoạn trước 30%. Kinh phí bình quân cho mỗi nhiệm vụ là khoảng 2 tỷ đồng.
Kết quả, các chương trình KC đã tạo ra 23 loại giống cây trồng mới và 25 chủng vi sinh, giống vật nuôi có ưu thế vượt trội so với các chủng giống cũ.
Các chương trình cũng đã tạo ra 208 công nghệ mới trong đó có 55 công nghệ đã hoàn thiện và chuyển giao cho sản xuất. 630 quy trình sản xuất mới với 157 quy trình đã hoàn thiện.
Đã có 161 mẫu máy móc thiết bị mới được tạo ra với 65 mẫu máy móc dã được hoàn thiện và ứng dụng trong sản xuất.
Các đề tài cũng đã tạo ra 321 loại vật liệu mới và tiến hành thương mại hóa được 73 loại sản phẩm. Tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa đạt hàng trăm tỉ đồng.
Số lượng các sáng chế, giải pháp hữu ích tăng lên đáng kể so với giai đoạn trước. Đã có 40 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp và trên 150 kết quả khác đã làm xong các thủ tục đăng ký đang đợi cấp bằng sở hữu trí tuệ.
Đối với các chương trình KX, các kết quả sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý kinh tế được tổng hợp thành 8 báo cáo gửi đến Ban Kinh tế và các cơ quan lý luận nước với kiến nghị về những vấn đề quan trọng: cơ hội và thách thức của nền kinh tế khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), giải pháp đồng bộ để thực hiện tái cấu trúc đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam…
Gần 10 tỉ cho mỗi bài báo quốc tế
Cũng theo báo cáo tổng kết, với cả chương trình KC và chương trình KX, trong năm 5 năm với tổng số 430 nhiệm vụ, tổng kinh phí là 1.833 tỉ đồng, song cả 2 chương trình trọng điểm cấp nhà nước về khoa học công nghệ chỉ thu về 186 bài báo quốc tế và khoảng 565 bài báo được công bố tại các hội thảo quốc tế.
Nếu tính quy đổi thì mỗi bài báo quốc tế của các chương trình KC và KX cần tới gần 10 tỉ đồng.
Cụ thể, chương trình KC có 162 kết quả khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế và 208 kết quả khoa học được báo cáo đăng trong kỷ yếu các hội thảo khoa học quốc tế. Khoảng 1.100 bài báo được công bố trong nước.
Với các chương trình KX, đã có 1.018 bài báo đã đăng tạp chí khoa học trong nước và 24 bài báo công bố trên tạp chí và 35 bài đăng tại kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế.
Riêng chương trình KX.04 - "Nghiên cứuu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015" có tới 15 bài báo quốc tế và 547 bài trên các tạp chí trong nước.
Trong nhận xét những điểm hạn chế, bất cập của các chương trình trong giai đoạn 5 năm qua, báo cáo viết: "Việc đầu tư giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ trong các chương trình còn tương đối dàn trải chưa thực sự tập trung".
"Vì vậy, kết quả của các chương trình nhìn chung chưa tạo được ấn tượng sâu sắc".
"Đa số các đề tài, dự án chủ yếu tập trung vào giải quyết từng vấn đề cụ thể của sản xuất, chưa có nhiều nhiệm vụ hướng vào những vấn đề có ý nghĩa lớn về mặt khoa học và phạm vi ứng dụng rộng rãi. Do đó tất cả các đề tài đều có địa chỉ ứng dụng nhưng sức lan tỏa của nhiều kết quả chưa cao".