Chỉ vì không muốn cực khổ tối ngày
Được hỏi về các sáng kiến trong công việc, ông Trương Thái Sơn - công nhân kỹ thuật của Công ty Điện lực Chợ Lớn, Tổng công ty điện lực TPHCM - cười hiền: “Nhu cầu điện ngày càng tăng, yêu cầu về chất lượng phục vụ cũng tăng. Nếu không cải tiến cho công việc nhẹ nhàng hơn thì tôi và anh em sẽ cực khổ tối ngày”.
Bởi vậy, công việc vướng mắc chỗ nào, ông Sơn lại ngày làm việc, đêm nghiên cứu tìm giải pháp. “Nhiều cái không biết, tôi đọc sách vở, rồi lên mạng tìm hiểu; nhưng các trường hợp trên mạng chỉ na ná với thực tế của mình thôi, nên phải thay đổi cho phù hợp” - ông nói.
Nhớ lại thời còn đi học ở Trường kỹ thuật điện Hóc Môn, ông Sơn trầm tư: “Nhà nghèo, lại có tới 8 anh em, tôi chỉ được học đến lớp 9 rồi đi học sửa chữa điện. Trong lớp toàn người học lớp 12 nên tôi phải tự đọc sách, tìm hiểu trước ở nhà. Mỗi khi thầy giao bài tập, tôi mở sách xem tới xem lui. Sau quen dần, tôi luôn nộp bài sớm nhất lớp, được thầy chú ý, động viên học thêm về toán cũng như các phần lý thuyết, thực hành”.
Ngày tốt nghiệp, cậu học sinh lanh lẹ Trương Thái Sơn được tuyên dương học sinh giỏi và được phân công về phân xưởng cơ điện, Nhà máy điện Chợ Quán, làm việc trực tiếp với các thiết bị của tổ cao thế, tổ quấn dây máy biến thế, chuyên sửa chữa động cơ, máy phát điện, máy biến thế. Ngày đi làm, tối ông học thêm các lớp kỹ thuật sửa chữa của Hội trí thức yêu nước.
“Nhờ những năm tháng làm việc ở đây, tôi tích lũy được nhiều kỹ năng và kinh nghiệm hữu ích cho quá trình tìm các giải pháp, sáng kiến sau này như kỹ thuật gò hàn, mộc, nguội, rèn, gia công chi tiết máy. Từ nhỏ tôi có tính hễ ai làm gì lạ là về bắt chước. Sau này đi làm cũng thế, thấy ai có gì hay là lân la học hỏi” - ông Sơn nói.
Sáng kiến đầu tiên của ông ra đời năm 2006 - sau 5 năm chuyển về Công ty điện lực Chợ Lớn. “Pin của kềm ép thủy lực sau 4-5 năm sử dụng sẽ bị chai, gây khó khăn cho việc đấu nối dây. Nhờ hiểu về điện tử, tôi nghĩ ra cách thay pin ép điện cầm tay bằng mạch bảo vệ chống ngược cực khi dùng làm nguồn cho kềm ép pin, kết hợp với ắcquy khô. Điều đặc biệt là pin mới sử dụng cho kềm thủy lực chỉ ép 10-15 tấn/lần, nhưng nếu dùng ắcquy khô, kềm có thể ép được 60-80 tấn/lần” - ông Sơn hào hứng nói.
Từ “bước chạy đà” đó, ông đều đặn cho ra đời mỗi năm 1-2 sáng kiến, rồi tăng thành 3-4 sáng kiến.
Tranh thủ làm để khỏi tiếc khi về hưu
Ngày làm việc của ông Sơn và đồng nghiệp bắt đầu từ 7h sáng, hôm thuận lợi thì 14-15h xong, nếu trục trặc thì 17-18h mới kết thúc. Hôm gặp tôi, dù rất nhiệt tình ông vẫn không dám hẹn giờ, chỉ hứa khi nào sắp xong việc sẽ báo trước khoảng 1 tiếng.
Ông giải thích: “Công ty điện lực đang nâng cấp điện áp đường dây trung thế từ 15kV lên 22kV để giảm tổn thất. Tổ của tôi có 9 người, phụ trách quận 5 với hơn 600 máy biến thế, thỉnh thoảng phải hỗ trợ quận 8 nên lúc nào cũng phải làm thật nhanh, phải có giải pháp tốt nhất cho mọi hoạt động”.
26 sáng kiến của ông Sơn, cái được áp dụng trên toàn tổng công ty, cái áp dụng ở Công ty điện lực Chợ Lớn. Mỗi sáng kiến làm lợi cho ngành điện ít thì 10 triệu, 30 triệu đồng, nhiều thì 500 triệu đồng. Ông hồ hởi: “Nhiều khi đi họp, thấy giải pháp của mình được lãnh đạo khen, các đội nhóm khác gọi điện hỏi là tôi hướng dẫn, không giấu gì cả. Những người trẻ có giỏi hay không một phần nhờ học từ người khác”.
Ông Phạm Thành Vinh - Tổ phó Tổ quản lý vận hành lưới điện 1, Công ty điện lực Chợ Lớn - không giấu tự hào khi kể về đồng nghiệp: “Ai có vướng mắc trong công việc anh Sơn đều nghiên cứu rồi nhiệt tình hướng dẫn. Nếu không biết, anh đi tìm hiểu, hỏi han khắp nơi để về chỉ lại cho mọi người”.
Chia sẻ tình yêu với công việc, mắt ông Sơn lấp lánh: “Tôi là con nhà lao động nên quý việc lắm. Làm được cái gì, tôi đều dốc sức dốc lòng, chưa khi nào nghĩ phải có điều kiện này kia”. Rồi ông bật cười khi được hỏi về sáng kiến làm sao kết hợp lưỡi cưa để cắt tỉa các nhánh cây gần lưới trung thế, ông bảo “có phải sáng kiến gì đâu, chỉ cần tinh ý chút là nghĩ ra”.
Tuy nhiên, lợi ích của nó với các công nhân ngành điện lại không nhỏ. Bởi lẽ cây xanh mọc chạm vào đường dây trung thế, cọ sát lâu ngày rất dễ gây rò điện. Bộ sào cưa ra đời giúp dễ dàng khai quang nhánh cây gần đường dây.
Liên tục nhắc đến thời điểm về hưu, ông Sơn nói đầy tiếc nuối: “Còn 3 năm nữa tôi nghỉ. Thời gian còn ít nên nếu làm được gì, tôi sẽ gắng làm để sau này không tiếc. Cái tôi lo nhất là sức khỏe, nên cố gắng tập thể dục để có sức bền làm những việc mình ấp ủ”.
Khi về hưu ông Sơn muốn tạo một hệ thống quạt lắp trên mái tôn, tận dụng năng lượng mặt trời để hút hơi nóng trong nhà ra ngoài. “Dân lao động ở nhà cấp 4 cực lắm, trưa nắng nóng không làm sao chịu được. Khi nào pin mặt trời rẻ, tôi sẽ tạo một hệ thống làm mát phòng chạy bằng năng lượng mặt trời. Đây sẽ là sáng kiến dành cho cộng đồng chứ không phải ngành điện” - ông Sơn nói.
Theo Khoa học phát triển