Theo hãng tin AFP, sáng sớm ngày 11/04, các xe quân sự của quân đội Sudan dưới sự chỉ huy của Bộ trưởng Quốc phòng nước này- ông Awad lbn Ouf đã tiến vào trụ sở Bộ Quốc Phòng là nơi ở riêng của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir và Tổng thống al-Bashir đã bị bắt giữ.
Trong khi đó, hàng chục ngàn người biểu tình đã diễu hành qua trung tâm Khartoum, một số người hô vang "Bashir đã sụp đổ, chúng tôi đã thắng". Các cuộc biểu tình chống lại ông al-Bashir, người cai trị Sudan từ năm 1989, đã diễn ra liên tục trong vài tháng qua.
Sau ít giờ khống chế được Tổng thống al-Bashir, phát biểu trên truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Awad Ibn Ouf nói rằng quân đội sẽ nắm quyền và thực thi điều hành đất nước trong vòng hai năm trước khi tiến hành tổng tuyển cử.
Ông này cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng ba tháng. Đồng thời, đình chỉ hiệu lực bản hiến pháp của Sudan, các cửa khẩu biên giới sẽ bị đóng đến khi có thông báo mới. "Sudan cũng sẽ đóng không phận trong 24 giờ", ông Awad Ibn Ouf cho biết.
Các cuộc biểu tình ở Sudan diễn ra liên tục trong nhiều tháng qua đòi phế truất ông al-Bashir.
|
''Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi tuyên bố chế độ đã bị lật đổ, và ông al-Bashir đang được giam ở một nơi an toàn", ông lbn Ouf tuyên bố. Ông Ibn Ouf cũng cho rằng Sudan bị ảnh hưởng xấu bởi sự ''quản lý yếu kém, tham nhũng và bất công'' của Chính phủ dưới sự điều hành của ông al-Bashir.
Sau khi thông báo lật đổ al-Bashir được tung ra, đám đông người biểu tình đã ăn mừng bên ngoài trụ sở quân đội ở thủ đô Khartoum, ôm lấy binh lính và leo lên trên những chiếc xe bọc thép.
Trong khi đó, cơ quan an ninh Sudan cho biết họ đang giải phóng tất cả các tù nhân chính trị, hãng thông tấn nhà nước Suna đưa tin.
Omar al-Bashir là ai?
Ông al-Bashir lên nắm quyền qua đảo chính năm 1989
|
Ông Omar al-Bashir từng là một sĩ quan quân đội, ông giành quyền đứng đầu Chính phủ Sudan trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1989. Trong thời gian cai trị của ông al-Bashir các cuộc nội chiến đã diễn ra liên tục ở đất nước Sudan.
Cuộc xung đột với người dân miền Nam đất nước này kết thúc vào năm 2005 và Nam Sudan tách ra, tuyên bố độc lập vào năm 2011.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) từng ban hành một lệnh bắt quốc tế đối với ông al-Bashir, cáo buộc ông tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người ở khu vực phía tây Darfur của Sudan.
Bất chấp lệnh bắt giữ quốc tế do ICC ban hành, ông vẫn giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử liên tiếp vào năm 2010 và 2015. Tuy nhiên, chiến thắng mới đây nhất của ông đã bị thành viên các đảng đối lập tẩy chay.