“Đáng tiếc là suốt nhiều năm qua những kiến thức về marketing và thương mại vẫn chưa được đưa vào chương trình của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp“

VietTimes – Như đã phản ánh trong các bài viết trước, thẩm mỹ công nghiệp có một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường để đáp ứng nhu cầu về thiết kế hình thức sản phẩm, hàng hóa. Để làm rõ thêm vấn đề, VietTimes đã có cuộc trao đổi với nhà thiết kế Phạm Huyền Kiêu – Chủ tịch nhóm công ty thiết kế Haki.
ông Phạm Huyền Kiêu (ảnh NVCC)
 ông Phạm Huyền Kiêu (ảnh NVCC)

Như ông đã từng đề cập, thiết kế gắn liền với marketing và thương mại trên thị trường sản phẩm và hàng hóa. Vậy xin ông có đôi lời giải thích về sự gắn bó này?

- Trong nền kinh tế thị trường, chính yếu tố thiết kế đã tạo nên tính khác biệt của các sản phẩm hàng hóa và góp phần vào giá trị của thương hiệu với từng sản phẩm cụ thể. Vì thế, yếu tố thiết kế luôn gắn liền với marketing và nhà thiết kế phải có kiến thức về marketing để thiết kế kiểu dáng, nhãn hiệu cho các sản phẩm. Tất nhiên, họ không làm thay công việc của các chuyên gia marketing chuyên nghiệp nhưng công việc của họ là phải làm thế nào để sản phẩm thiết kế thích ứng với nhu cầu của thị trường chứ không chỉ là để thỏa mãn về cái đẹp cho riêng mình.

Vấn đề này đã được tôi trình bày tại một số hội thảo do Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức. Đáng tiếc là suốt nhiều năm đã trôi qua nhưng những kiến thức về marketing và thương mại vẫn chưa được đưa vào chương trình của trường.

Vậy theo ông, các doanh nghiệp cần phải đầu tư như thế nào cho thẩm mỹ công nghiệp và các nhà thiết kế có thể tham gia gì?

- Theo nhiều ý kiến, ở thời kỳ bao cấp thì các sản phẩm, hàng hóa không cần đến yếu tố thiết kế và các sản phẩm được bán ra thị trường theo sự phân phối của nhà nước. Tuy nhiên, nói như vậy là chưa đúng vì mọi sản phẩm, hàng hóa ở thời kỳ đó ít nhiều vẫn phải có yếu tố hình thức, nhãn hiệu dù rằng chưa thực sự đẹp do chưa phải cạnh tranh trên thị trường.

Tôi muốn nói một cách hình tượng là muốn bán một con bò ra chợ thì ít nhất cũng phải đóng dấu lên lưng của nó để biết rằng đó là con bò của ai. Và khi ra chợ thì cũng không phải ai cũng mua nguyên con mà con bò đó phải được giết mổ và tùy theo nhu cầu, sẽ có người mua khúc thăn, khúc đùi… Không dừng lại ở đó, thị trường lại tiếp tục phân hóa để người mua chỉ cần với giăm bông, bít tết, thịt khô… Và để các sản phẩm dạng này bán được thì đương nhiên phải có thương hiệu cùng những thiết kế riêng cho nó.

Qua thí dụ nói trên, có thể thấy rằng để một sản phẩm đến được với thị trường cạnh tranh thì các doanh nghiệp phải đầu tư thêm nhiều khâu nhằm tạo ra giá trị gia tăng mà trong đó không thể thiếu yếu tố thiết kế. Bản thân các doanh nghiệp cũng có thể chưa thực sự ý thức được về điều đó và chính các nhà thiết kế phải là người thuyết phục được họ về giá trị gia tăng mà thiết kế mang lại. Cũng cần nói thêm là trong thiết kế kiểu dáng và nhãn hiệu sản phẩm sẽ không có giải nhì mà chỉ có sản phẩm thiết kế được chọn hoặc không được sử dụng mà thôi.

Thiết kế mỹ thuật đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của sản phẩm (ảnh minh họa: marj3)
 Thiết kế mỹ thuật đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của sản phẩm (ảnh minh họa: marj3) 

Như vậy, để đáp ứng được nhu cầu thiết kế của doanh nghiệp thì chúng ta cần phải có nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Xin ông cho biết một vài ý kiến về hiện trạng nguồn nhân lực cho thiết kế cùng những thực tế có thể làm?

- Hiện tại, chúng ta có một trường đại học chuyên về mỹ thuật công nghiệp, 2 trường đại học mỹ thuật theo tiêu chí nghệ thuật ở Hà Nội và TPHCM cùng khoảng 20 trường đại học, cao đẳng có đào tạo về mỹ thuật. Cứ cho rằng sinh viên của tất cả các trường này đều biết làm thiết kế thì với số lượng tốt nghiệp ra trường cũng là quá nhỏ so với nhu cầu của cả triệu doanh nghiệp ở Việt Nam.

Vì thế, tôi cho rằng các đại học chuyên ngành cũng phải đầu tư cho đào tạo về thiết kế và ở mỗi trường sẽ đào tạo lĩnh vực này cho nhu cầu riêng của mình. Ở Đại học Bách khoa Hà Nội có ngành Chế tạo máy và đương nhiên rất cần có chuyên gia thẩm mỹ công nghiệp để cùng với các giảng viên chế tạo máy dạy sinh viên biết tạo dáng sản phẩm sao cho tiết kiệm vật liệu, có kiểu dáng đẹp cùng với các tính năng, tác dụng về kỹ thuật. Ngược lại, ở Đại học Mỹ thuật Công nghiệp với ngành Tạo dáng Công nghiệp cũng phải có thầy về chế tạo máy để dạy cho sinh viên hiểu về lĩnh vực này nhằm giúp họ tạo dáng sản phẩm theo đúng yêu cầu đặt ra của sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, theo tôi được biết là thực tế này vẫn chưa có nhiều năm qua ở cả hai trường.

Tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ít nhất các kiến thức về thẩm mỹ công nghiệp phải được cung cấp cho sinh viên ngành Chế tạo máy
 Tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ít nhất các kiến thức về thẩm mỹ công nghiệp phải được cung cấp cho sinh viên ngành Chế tạo máy

Và cũng phải kể đến như Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cần đào tạo về thiết kế cho ngành Marketing. Rồi các đại học có đào tạo công nghệ thông tin cũng cần đào tạo thiết kế với các sản phẩm về web và multimedia. Rồi ngành báo chí cũng phải đào tạo về thiết kế để các nhà báo tương lai hiểu về trình bày báo in (layout) và cả với báo điện tử.

Khi đã đào tạo được đông đảo đội ngũ làm thiết kế thì chúng ta mới có được những sản phẩm thiết kế vừa đẹp vừa tốt vì chính sự cạnh tranh sẽ buộc các nhà thiết kế phải làm việc hiệu quả hơn. Còn như hiện nay, khi đội ngũ nhân lực mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ của nhu cầu thì sự cạnh tranh đó là chưa có bao nhiêu.

Như thực tế ở các nước phát triển thì hoạt động đào tạo về thiết kế cần được phát triển ở phần lớn các trường đại học để tạo ra một số lượng đông đảo đội ngũ làm thiết kế để đáp ứng cho mọi nhu cầu xã hội. Họ không đầu tư trọng điểm vào một trường chuyên ngành như Đại học Mỹ thuật Công nghiệp như ở Việt Nam mà cách làm là phải nhân rộng khoa, bộ môn chuyên ngành thiết kế ra nhiều trường với với những đặc thù riêng. Còn để hướng tới những vấn đề mang tính chuyên môn cao thì sẽ hình thành các trung tâm, viện nghiên cứu với sự quy tụ các chuyên gia đầu ngành đến từ nhiều nơi.

Như ông đã biết, chúng ta đang nói nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Vậy theo ông, thiết kế có ý như thế nào với cuộc cách mạng này.

- Cá nhân tôi không phải là chuyên gia về công nghệ thông tin nên cũng không thể nói được gì nhiều về CMCN 4.0. Tuy nhiên, theo tôi thì chính các cuộc CMCN đều khiến các thành viên trong xã hội phải liên tục đổi mới và không ngừng sáng tạo để không bị đào thải.

Cũng như các cuộc CMCN trước, CMCN 4.0 sẽ làm cho hàng loạt việc làm bị biến mất và ra đời rất nhiều việc làm mới. Thí dụ như nghề đưa thư không còn mấy đất sống khi mà ai ai cũng thường xuyên liên hệ với nhau bằng thư điện tử hay giao dịch với nhau qua mạng xã hội hoặc ứng dụng online khác nhau. Tuy nhiên, nghề đưa thư không hoàn toàn biến mất trong CMCN 4.0 mà đã chuyển thành nghề đưa hàng (shipper).

Riêng với lĩnh vực thiết kế, tôi cho rằng đây là một nghề chắc chắn sẽ lên ngôi trong CMCN 4.0 vì trong một nền sản xuất cạnh tranh cao hơn do CMCN 4.0 đem lại thì mọi sản phẩm đều càng cần đến yếu tố thẩm mỹ công nghiệp. Chính vì thực tế đó, thay vì nói quá nhiều đến CMCN 4.0 thì mong muốn của tôi và những người làm trong lĩnh vực thiết kế là chúng ta cần phải quan tâm, hiểu đúng vai trò và đầu tư xứng đáng cho thẩm mỹ công nghiệp.

Xin cảm ơn ông!