Mỹ thuật công nghiệp Việt Nam không thể thiếu các kiến thức kỹ thuật

VietTimes – Nói đến mỹ thuật công nghiệp, ai cũng có thể hiểu rằng đó là một nền mỹ thuật không phải để sáng tác ra các tác phẩm nghệ thuật mà nhằm mục tiêu là tạo dáng cho các sản phẩm công nghiệp, thiết kế bao bì, nhận diện thương hiệu... Giống như việc vẽ người thì phải học giải phẫu, vẽ hình họa khỏa thân thì tạo dáng sản phẩm công nghiệp cũng phải hiểu biết về nguyên tắc xem máy móc hoạt động như thế nào. Thế nhưng…
Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo - địa chỉ chuyên đào tạo về mỹ thuật ứng dụng trong nhiều lĩnh vực
Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo - địa chỉ chuyên đào tạo về mỹ thuật ứng dụng trong nhiều lĩnh vực

Chưa rõ thực hư

Trong hệ thống đào tạo đại học về mỹ thuật công nghiệp ở Việt Nam hiện có một trường chuyên về lĩnh vực này là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo ở Hà Nội cùng khoảng trên 10 trường có tham gia đào tạo trên toàn quốc.

Theo rất nhiều ý kiến, để trở thành nhà thiết kế thực thụ thì sinh viên mỹ thuật công nghiệp phải được trang bị các kiến thức về toán học ứng dụng, công nghệ chế tạo, công nghệ vật liệu, nguyên lý – chi tiết máy, gia công cơ khí… Riêng đồ họa vi tính thì đó là điều đương nhiên.

Để tìm hiểu rõ ngọn ngành chuyện này, phóng viên của VietTimes đã gọi điện thoại đến một cán bộ có trách nhiệm của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và gửi câu hỏi để xin phỏng vấn. Nhưng cuối cùng phía nhà trường đã yêu cầu VietTimes phải có công văn chính thức. Sau hơn 1 tuần gửi công văn đi, phía nhà trường đã chính thức trả lời với công văn số 511/MTCN-ĐT.

Công văn trả lời cho biết: “Trong nhiều năm qua, chương trình đào tạo của nhà trường luôn được chỉnh sửa, đổi mới, cập nhật kiến thức theo hướng bám sát thực tiễn, học đi đôi với hành, lý thuyết giảng dạy gắn liền với ứng dụng trong đời sống xã hội. Chương trình được xây dựng trên cơ sở tiếp thu những ưu điểm của các nước tiên tiến, phù hợp với đặc thù Việt Nam và các ngành đào tạo của nhà trường”.

Công văn cũng cho biết những kiến thức về đồ họa vi tính đã được đưa vào chương trình giảng dạy từ năm 2000 và đến nay đã đưa vào những học phần về công nghệ vật liệu, nguyên lý – chi tiết máy (không thấy đề cập đến môn toán học ứng dụng) để giúp sinh viên hiểu rõ bài học và ứng dụng trong thực tiễn. Riêng với ngành Tạo dáng Công nghiệp, những kiến thức trên được đưa vào từ rất sớm với sự trợ giúp của Trường Nghệ thuật và Thiết kế Halle (Đức).

Còn về sự hợp tác với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp nhà trường cho biết là việc này rất được chú trọng từ khi thành lập đến nay. Vậy nhưng trong danh sách các doanh nghiệp được nêu ra lại không thấy tên các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng về quạt điện, nồi cơm điện, sứ vệ sinh… cùng Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam.

Để tìm hiểu về chương trình đào tạo xem có đúng với tinh thần công văn trả lời hay không, phóng viên của VietTimes đã vào website của trường và chỉ thấy trong thời khóa biểu học kỳ I năm học 2018 – 2019 có duy nhất môn Vẽ Kỹ thuật. Sau đó, phóng viên đã nhiều lần gọi điện thoại cho cán bộ có trách nhiệm nói trên với mong muốn được đến tận trường tìm hiểu thực trạng dạy và học nhưng cán bộ này đã không nhấc máy. Thật khó hiểu về thái độ của trường vì nếu như mọi việc đúng như tinh thần công văn trả lời thì tại sao lại không tạo điều kiện cho phóng viên đến làm việc trực tiếp?

Theo họa sĩ Uyên Huy – Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, mỹ thuật công nghiệp đương nhiên là phải mang yếu tố công nghiệp. Và để làm được việc đó thì nhà thiết kế phải tuân thủ các tiền lệ có trước. Mọi sự sáng tạo của họ phải dựa trên nền tảng kỹ thuật của các ngành chế tạo máy, điện kỹ thuật, điện tử… ít nhất ở mức “cưỡi ngựa xem hoa” để đọc và hiểu được bản vẽ kỹ thuật của kỹ sư. Vì thế, ngoài việc phải được trang bị các kiến thức đó thì rất cần có sự hợp tác của các nhà kỹ thuật. Song như thế cũng là chưa đủ và trước khi nói đến những sự hợp tác đó thì vấn đề là phải làm thế nào để các nhà quản lý về giáo dục và công nghiệp, thương mại hiểu được vấn đề.

Cũng về thực tế này, họa sĩ Vũ Hy Thiều – nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Hợp tác xã có bình luận rằng, nếu nhà thiết kế tạo dáng ra một chiếc ô tô mà không biết, không quan tâm đến kỹ thuật thì chắc chắn không ai dám bước lên chiếc xe đó. Ông cũng cho biết, đơn giản như để thiết kế bao bì thì cũng phải cần đến các kiến thức kỹ thuật để hiểu về hình khai triển, công nghệ đột dập…

Đã lăn vào với nghề, phải tự học hỏi

Có thể thấy, một trong những công việc mà các họa sĩ mỹ thuật công nghiệp có thể làm là vẽ biển quảng cáo tấm lớn. Để làm được công việc này ở thời kỳ chưa có máy in khổ lớn thì đương nhiên phải có kiến thức không chỉ về toán học.

Họa sĩ Nguyễn Long Hưng – Giám đốc Công ty Đồ họa Việt Nam cho biết, để vẽ được biển quảng cáo tấm lớn thời kỳ đó, việc phải làm là phân nhỏ biển quảng cáo ra các tấm tôn kích thước thường là 2x2m. Sau đó, việc phải làm là phóng hình chia ô theo kích thước đó và vẽ lên. Hoàn thành công việc này, các tấm tôn đã vẽ sẽ được ghép lại với nhau trên giàn dáo và đương nhiên phải tiếp tục căn chỉnh cho đạt yêu cầu mới thôi. Việc này phải thực hiện trong sự phối hợp rất ăn ý của những người đứng trên giàn dáo và người chỉ huy đứng ở xa. Người đứng trên giàn dáo để vẽ biển quảng cáo chắc chắn không thể lùi lại để ngắm vì trên độ cao hàng chục mét là rất nguy hiểm. Rất tiếc, những kiến thức này cũng hoàn toàn không được nhà trường cung cấp mặc dù nó không quá khó. Vì thế, các họa sĩ mỹ thuật công nghiệp không còn cách nào khác là phải tự học hỏi để lăn vào với nghề.

Để vẽ được biển quảng cáo ở thời kỳ chưa có máy in màu khổ lớn, các họa sĩ mỹ thuật công nghiệp phải có kiến thức toán học ứng dụng
 Để vẽ được biển quảng cáo ở thời kỳ chưa có máy in màu khổ lớn, các họa sĩ mỹ thuật công nghiệp phải có kiến thức toán học ứng dụng

Họa sĩ Phạm Huyền Kiêu – giám đốc Công ty Haki lại cho biết, khi tốt nghiệp ra trường, ông đạt kết quả cao và Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp muốn giữ lại để làm giảng viên chính thức. Trước đề nghị đó của nhà trường, ông chỉ có nguyện vọng muốn tham gia giảng dạy về marketing với thiết kế. Nguyên nhân vì đã là sản phẩm thiết kế thì phải bán được và các nhà thiết kế tương lai phải được trang bị kiến thức về marketing. Rất tiếc, đề xuất đó không được tạo điều kiện và ông Phạm Huyền Kiêu đã từ chối lời mời ở lại trường để mở doanh nghiệp riêng của mình.

Còn theo doanh nhân Nguyễn Liên Phương – Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam, chúng ta đang sống trong thời đại của nền kinh tế hình ảnh. Mọi sản phẩm muốn bán được đều phải có thẩm mỹ công nghiệp phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Chính vì vậy, tham vọng của ông là phải thức tỉnh với các doanh nhân nếu muốn bán được sản phẩm của họ thì phải xây dựng một nền kinh tế hình ảnh cho riêng mình.

Tựu trung lại, có thể nói mỹ thuật công nghiệp rất cần đến các kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh doanh. Những kiến thức nền tảng về Toán học Ứng dụng và Vật lý đương nhiên là cũng không thể thiếu. Vì thế, Bộ Giáo dục  và Đào tạo cùng Bộ Công Thương cần có sự quan tâm đúng mức cần thiết tới Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và các trường có đào tạo những ngành này. Không chỉ có vậy, những kiến thức về mỹ thuật công nghiệp cũng cần được cập nhật, bổ sung cho các đại học thuộc khối kinh tế và kỹ thuật ở Việt Nam. Chúng ta đang nói quá nhiều đến thời đại 4.0 với yếu tố nền tảng là công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Nhưng sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng của chúng ta sẽ bán được cho ai nếu không được đầu tư thích đáng cho yếu tố mỹ thuật ứng dụng?