Đảng Cộng hòa Mỹ công bố báo cáo khẳng định Trung Quốc làm rò rỉ SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Báo cáo do Đảng Cộng hòa Mỹ đưa ra hôm 2/8 nói có rất nhiều bằng chứng cho thấy virus gây ra đại dịch COVID-19 đã bị rò rỉ từ một cơ sở nghiên cứu ở Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã bác bỏ, giễu cợt báo cáo này.
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ Mike McCaul trình bày bản báo cáo về nguồn gốc SARS-CoV-2 tại Ủy ban Đối ngoại Hạ nghị viện (Ảnh: Đông Phương).
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ Mike McCaul trình bày bản báo cáo về nguồn gốc SARS-CoV-2 tại Ủy ban Đối ngoại Hạ nghị viện (Ảnh: Đông Phương).

Theo hãng tin Anh Reuters ngày 2/8, bản Báo cáo đã trích dẫn "chứng cứ đầy đủ", nói rằng các nhà khoa học tại Viện Virus Vũ Hán, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Mỹ và tiền của các chính phủ Trung Quốc và Mỹ, đang cải tạo coronavirus để nó có thể lây nhiễm sang người, và phương pháp xử lý này có thể bị che dấu.

Ông Mike McCaul lãnh tụ Đảng Cộng hòa của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã công bố bản báo cáo do các nhân viên công tác của đảng Cộng hòa tại ủy ban này viết. Báo cáo thúc giục cả hai đảng cùng điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19, đã gây ra 4,4 triệu người chết trên toàn thế giới.

Một số chuyên gia cho rằng Viện Virus Vũ Hán đã làm rò rỉ một loại coronavirus đã biến đổi gene, nhưng giả thuyết này vẫn chưa được xác nhận. Trung Quốc kiên quyết phủ nhận điều này và cũng phủ nhận các cáo buộc họ che đậy sự thật. Các chuyên gia khác nghi ngờ đại dịch COVID-19 do một loại virus động vật gây ra, có thể đã được truyền sang người tại một chợ hải sản gần Viện Virus Vũ Hán.

Báo cáo viết: “Hiện chúng tôi cho rằng đã đến lúc loại trừ hoàn toàn khả năng chợ thủy sản là nguồn sinh ra dịch bệnh”, "Chúng tôi cũng tin rằng, hầu hết các chứng cứ chứng minh rằng virus đã bị rò rỉ từ Viện Virus Vũ Hán và xảy ra trước ngày 12/9/2019".

Viện Virus Vũ Hán, nơi bị nghi ngờ để rò rỉ SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm (Ảnh: AP).

Viện Virus Vũ Hán, nơi bị nghi ngờ để rò rỉ SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm (Ảnh: AP).

Báo cáo trích dẫn các thông tin mới chưa được báo cáo trước đây, liên quan đến thỏa thuận an toàn của phòng thí nghiệm, bao gồm yêu cầu vào tháng 7/2019 chi 1,5 triệu USD để cải tạo hệ thống xử lý chất thải có nguy cơ cao của cơ sở này, khi đó hệ thống đã hoạt động chưa đầy hai năm.

Vào tháng 4/2021, các quan chức tình báo cấp cao của Mỹ tuyên bố rằng họ đồng ý với sự đồng thuận của cộng đồng khoa học rằng coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) không được tạo ra nhân tạo hoặc biến đổi gen.

Đến tháng 5 Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo xúc tiến cuộc điều tra về nguồn gốc của virus và nộp báo cáo trong vòng 90 ngày. Một nguồn tin quen thuộc với các cơ quan tình báo cho biết, giới tình báo Mỹ vẫn chưa đưa ra kết luận liệu virus đến từ động vật hay từ Viện Virus Vũ Hán.

Đưa tin về bản báo cáo, VOA cho biết, kết luận mới nhất chỉ thẳng Viện Virus Vũ Hán là nguồn gốc của đại dịch COVID-19, nói: “Có số lượng lớn chứng cứ cho thấy virus có nguồn gốc từ Viện Virus Vũ Hán” và virus đã tồn tại sớm nhất vào tháng 9/2019. Báo cáo nói thêm rằng "virus có thể đã được biến đổi gene", do đó kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện.

Nội dung của báo cáo này là phần tiếp nối bổ sung của bản báo cáo điều tra cuối cùng về nguồn gốc của SARS-CoV-2 được công bố bởi cùng một nhóm nghiên cứu vào tháng 9/2020.

Hiện nay, tại Mỹ có hai giả thuyết chính xung quanh nguồn gốc của đại dịch COVID-19: bắt nguồn từ sự tiếp xúc của con người với động vật bị nhiễm bệnh và bắt nguồn từ tai nạn rò rỉ virus trong phòng thí nghiệm. Giả thuyết cho virus đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm từng được giới khoa học và truyền thông chính thống ở Mỹ coi là thuyết âm mưu, nhưng hiện nay ngày càng có nhiều nhà khoa học và chính trị gia công khai kêu gọi các cuộc điều tra nghiêm túc về khả năng này.

Trưởng đoàn Trung Quốc Lương Vạn Niên (trái) trong nhóm điều tra chung cùng các thành viên đoàn chuyên gia WHO trước cuộc họp báo về kết quả điều tra giai đoạn một (Ảnh: AP).

Trưởng đoàn Trung Quốc Lương Vạn Niên (trái) trong nhóm điều tra chung cùng các thành viên đoàn chuyên gia WHO trước cuộc họp báo về kết quả điều tra giai đoạn một (Ảnh: AP).

Virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán

Báo cáo của nhóm ông Mike McCaul cho rằng giả thuyết virus có nguồn gốc từ động vật không thể được thiết lập vì nó không thể tìm thấy vật chủ động vật. Theo các thông tin có sẵn, thực sự có những hồ sơ cho thấy Trung Quốc đã nỗ lực nhằm gây nhầm lẫn, che giấu và tiêu hủy chứng cứ, đồng thời thiếu vật chứng để chứng minh điều ngược lại.

Ông McCall nói trong một tuyên bố bằng văn bản: “Tôi nghĩ đã đến lúc loại trừ hoàn toàn chợ thủy sản ẩm ướt là nguồn gốc của dịch bệnh. Như những điều đã nêu trong báo cáo, có rất nhiều chứng cứ chứng minh tất cả mọi vấn đề đều dẫn đến Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán”.

Báo cáo cho rằng thời điểm bắt đầu của dịch có thể sớm hơn từ hai đến ba tháng so với giữa tháng 11/2019 như trong báo cáo trước đó.

"Chúng tôi cho rằng virus đã bị rò rỉ vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9/2019. Khi họ nhận ra điều gì đã xảy ra, các quan chức Trung Quốc và các nhà khoa học của Viện Virus Vũ Hán bắt đầu tìm cách che đậy vụ rò rỉ, trong đó có việc gỡ xuống cơ sở dữ liệu virus vào lúc nửa đêm và xin hơn 1 triệu USD để tăng cường các biện pháp an ninh", McCall tuyên bố.

Báo cáo nói có rất nhiều bằng chứng cho thấy virus này đã bị rò rỉ từ Viện virus học Vũ Hán và sớm xảy ra trước ngày 12/9/2019.

Vào đêm ngày 12/9/2019, Viện Virus Vũ Hán bất ngờ gỡ bỏ cơ sở dữ liệu virus và các dữ liệu mẫu của họ. Phía Trung Quốc cho biết lý do đột ngột gỡ bỏ là do "hộp thư công tác và hộp thư riêng của nhiều nhân viên đã nhận được số lượng lớn các cuộc tấn công ác ý và cơ sở dữ liệu hiện được chia sẻ trong nội bộ Viện Virus Vũ Hán".

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với VOA, McCall kêu gọi chính phủ Trung Quốc sớm công khai hồ sơ hoàn chỉnh. "Tôi yêu cầu chính phủ Trung Quốc công bố các hồ sơ lưu trữ này. Nếu họ làm như vậy, sẽ là bằng chứng kết luận. Nếu dữ liệu lưu trữ mà họ đã gỡ xuống vào đêm khuya tháng 9/2020 thực sự có liên quan trực tiếp đến SARS-CoV-2, thì ta đã tìm thấy bằng chứng". McCall, người từng là công tố viên ở bang Texas trước khi trở thành nghị sĩ Quốc hội, nói.

Báo cáo của nhóm McCaul cho rằng tại phòng thí nghiệm Viện Virus Vũ Hán đã xảy ra rò rỉ trong điều kiện không đảm bảo an toàn (Ảnh: AP).

Báo cáo của nhóm McCaul cho rằng tại phòng thí nghiệm Viện Virus Vũ Hán đã xảy ra rò rỉ trong điều kiện không đảm bảo an toàn (Ảnh: AP).

Báo cáo cũng nêu lên những lo ngại về sự an toàn của Viện Virus Vũ Hán. Theo báo cáo, các nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc đã đặt vấn đề về sự an toàn của Viện sau khi tiến hành công việc bảo trì bất thường vào đầu năm 2019.

Theo bản ghi điện báo năm 2018 của Bộ Ngoại giao Mỹ, các nhà ngoại giao Mỹ đã cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn về an toàn trong phòng thí nghiệm Vũ Hán để nghiên cứu coronavirus từ dơi. Tờ Washington Post lần đầu tiên đưa tin về những bức điện bị rò rỉ này vào tháng 4 năm nay.

Theo bài báo, các quan chức Mỹ đã gửi hai bức điện ngoại giao “nhạy cảm nhưng không mật” về Washington sau khi thăm phòng thí nghiệm Vũ Hán. Hai bức điện đã cảnh báo rằng Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán có những rủi ro về bảo mật và thiếu sót trong quản lý, đồng thời khuyến nghị rằng cần được quan tâm và giúp đỡ nhiều hơn.

Washington Post viết: “Nghiên cứu về coronavirus ở dơi do phòng thí nghiệm này thực hiện tiềm ẩn nguy cơ lây truyền sang người và có thể gây ra đại dịch toàn cầu tương tự như hội chứng hô hấp cấp nghiêm trọng (SARS)”.

McCall cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi biết rằng Viện Virus Vũ Hán đang tiến hành nghiên cứu về “gain of function” (gia tăng chức năng) và nó được tiến hành trong điều kiện không an toàn”.

Đại hội thể thao quân sự thế giới trở thành trung tâm lây truyền virus

Báo cáo của McCall đề cập rằng vào tháng 10/2019, tại Vũ Hán tổ chức Đại hội Thể thao Quân sự Thế giới lần thứ 7 và nhiều tuyển thủ có các triệu chứng tương tự như COVID-19. Vì vậy, báo cáo nghi ngờ rằng Thế vận hội Quân sự Thế giới có thể là một trung tâm lây lan SARS-CoV-2 sớm.

Ông McCaul đề xuất yêu cầu Tiến sĩ Peter Daszak - người có những mối liên hệ không minh bạch với Viện Virus Vũ Hán tới điều trần trước Ủy ban Ngoại giao Hạ nghị viện (Ảnh: AP).

Ông McCaul đề xuất yêu cầu Tiến sĩ Peter Daszak - người có những mối liên hệ không minh bạch với Viện Virus Vũ Hán tới điều trần trước Ủy ban Ngoại giao Hạ nghị viện (Ảnh: AP).

Báo cáo cũng chỉ ra rằng theo các hình ảnh vệ tinh của Vũ Hán vào tháng 9 và tháng 10/2019, số người đến các bệnh viện địa phương gần Viện Virus Vũ Hán đã tăng lên đáng kể, đồng thời số lượng bệnh nhân có các triệu chứng tương tự như người mắc COVID-19 cũng tăng bất thường.

McCall nói: “Hãy nhìn vào tất cả các chứng cứ gián tiếp này, chúng đều rất có sức thuyết phục”.

Báo cáo nêu rõ trong phần kết luận: “Loại virus này có thể có nguồn gốc tự nhiên hoặc có thể là kết quả của việc thao túng gene. Có khả năng nó đã được thu thập trong một hang động ở Vân Nam, Trung Quốc vào khoảng giữa năm 2012 đến 2015 và sau đó rò rỉ do cách làm và điều kiện an toàn tồi tệ của phòng thí nghiệm, cùng các nghiên cứu nguy hiểm và không phù hợp về “gia tăng chức năng” được thực hiện trong điều kiện an toàn sinh học không đầy đủ khiến tình hình càng trầm trọng hơn. Sau đó, virus đã lây lan đến trung tâm thành phố Vũ Hán thông qua tuyến tàu điện ngầm trước Thế vận hội Quân sự Thế giới. Các sự kiện thể thao này đã phát triển thành môi giới truyền bệnh quốc tế, rồi virus được mang đến mọi nơi trên thế giới".

Virus đã được biến đổi gene

Nội dung của bản báo cáo của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội này chủ yếu dựa trên các thông tin và báo cáo công khai hiện có, tiến hành cập nhật và suy luận về nguồn gốc của virus.

Báo cáo lo ngại về khả năng của các nhà nghiên cứu tại Viện Virus Vũ Hán, trong đó có cả các nhà khoa học Mỹ, có thể chỉnh sửa gene virus mà không để lại bất kỳ dấu vết nào.

Báo cáo lấy dẫn chứng, ngay từ năm 2005, nhà khoa học Mỹ Ralph Baric đã tạo ra một phương pháp chỉnh sửa gene mà không để lại dấu vết.

“Vào năm 2017, các nhà khoa học tại Viện Virus Vũ Hán cũng có thể làm điều tương tự. Điều này cho thấy rõ ràng rằng tuyên bố của cộng đồng khoa học rằng coronavirus mới không thể do con người tạo ra vì nó không có dấu hiệu chỉnh sửa gene là không trung thực”, báo cáo viết.

Báo cáo cũng trích dẫn lời Tiến sĩ Baric nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Italy vào năm 2020: "Bạn có thể tạo ra một loại virus mà không để lại dấu vết. Tuy nhiên, câu trả lời bạn đang tìm kiếm chỉ có thể được tìm thấy trong hồ sơ lưu trữ của phòng thí nghiệm Vũ Hán".

Ông Peter Daszak và bà Thạch Chính Lệ cùng làm việc tại Viện Virus Vũ Hán (Ảnh: Dwnews).

Ông Peter Daszak và bà Thạch Chính Lệ cùng làm việc tại Viện Virus Vũ Hán (Ảnh: Dwnews).

Nhà nghiên cứu về Coronavirus, Tiến sĩ Baric, người từng hợp tác với các nhà khoa học tại Viện Virus Vũ Hán ở Trung Quốc, hồi tháng 5 đã cùng với 17 nhà sinh học và nhà miễn dịch học khác đăng một bức thư trên tạp chí Science, nói rằng không có bằng chứng đầy đủ để xác định xem liệu đó có phải là nguồn gốc tự nhiên hay một sự rò rỉ ngẫu nhiên trong phòng thí nghiệm đã gây ra đại dịch COVID-19 và yêu cầu đánh giá rộng hơn cả hai giả thuyết chính về nguồn gốc của virus.

Các nhà khoa học viết trong bức thư “Trước khi có đủ dữ liệu, chúng ta cần phải xem xét hai giả định về virus trong tự nhiên và rò rỉ từ phòng thí nghiệm một cách nghiêm túc”.

Cần mời Peter Daszak ra làm chứng trước Quốc hội

Báo cáo của McCall cuối cùng đã kêu gọi Tiến sĩ Peter Daszak, chủ tịch của EcoHealth Alliance (Liên minh Sức khỏe Sinh thái), đến Quốc hội để làm chứng, hy vọng ông ta sẽ trả lời chất vấn về việc hợp tác với Trung Quốc nghiên cứu về coronavirus, cũng như mối quan hệ của ông với Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán.

McCall tuyên bố: “Đã đến lúc chính phủ Mỹ sử dụng mọi công cụ để tiếp tục tìm hiểu sự thật về việc loại virus này đã sinh ra như thế nào. Bao gồm cả việc cho gọi Peter Daszak tới điều trần trước Ủy ban Ngoại giao Hạ nghị viện để giải thích về các vấn đề tiền hậu bất nhất của ông ta. Trong một số trường hợp, một số tuyên bố của ông ta đã được đưa ra khi ông ấy biết rõ đã sai".

Sự hợp tác và liên quan của Daszak với Trung Quốc khiến ông ta trở thành tâm điểm chú ý của các thành viên quốc hội, những người tích cực thúc đẩy cuộc điều tra về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Trong vài tháng qua, Daszak luôn im lặng và ít xuất hiện.

McCall nói: “Chúng tôi đã liên lạc với Daszak, hy vọng nhận được câu trả lời cho một số vấn đề chưa được làm rõ, nhưng ông ta chưa bao giờ hồi đáp”.

Theo các hồ sơ email đã công bố, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã cung cấp 9 khoản tài trợ cho Trung Quốc thông qua "Liên minh Sức khỏe Sinh thái" do Daszak đứng đầu để nghiên cứu về coronavirus dơi. Trong 15 năm qua, Daszak đã sử dụng một phần kinh phí này để nghiên cứu về các siêu vi khuẩn dơi cùng với Thạch Chính Lệ, một nhà nghiên cứu tại Viện Virus Vũ Hán.

Vào ngày 19/2/2020, Daszak đã soạn thảo một tuyên bố và kêu gọi một số nhà khoa học đồng ký tên đăng trên tạp chí y khoa quốc tế nổi tiếng The Lancet. Tuyên bố "cực lực lên án thuyết âm mưu cho rằng SARS-CoV-2 không phải có nguồn gốc tự nhiên”.

Peter Daszak cũng là thành viên của nhóm điều tra chung Tổ chức Y tế Thế giới và Trung Quốc. Ông ta nói với các phóng viên CNN tại Vũ Hán vào tháng 2 năm nay: “Đây là một phòng thí nghiệm virus rất tốt, và nó đang làm rất tốt việc phát hiện ra loại coronavirus tiếp theo liên quan đến SARS”.

Ông Hồ Tích Tiến - Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu chế giễu báo cáo của nhóm nghị sĩ Đảng Cộng hòa (Ảnh: Dwnews).

Ông Hồ Tích Tiến - Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu chế giễu báo cáo của nhóm nghị sĩ Đảng Cộng hòa (Ảnh: Dwnews).

McCall thúc đẩy các biện pháp trừng phạt

Nghị sĩ McCall nhấn mạnh rằng đại dịch lần này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá cho hành vi che đậy của họ.

McCall cho biết: “Điều này sẽ bao gồm đạo luật được Quốc hội thông qua để trừng phạt các nhà khoa học của Viện Virus Vũ Hán và các quan chức Trung Quốc đã tham gia vào hoạt động che đậy lớn nhất lịch sử làm hơn 4 triệu người chết, những người có liên quan cần phải chịu trách nhiệm về điều này".

Cuối tháng 9 năm ngoái, Nhóm công tác Trung Quốc của Hạ viện do McCall đứng đầu đã công bố phiên bản đầy đủ của báo cáo điều tra về nguồn gốc của SARS-CoV-2, quá trình bùng phát, phản ứng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cách xử lý của chính phủ Trung Quốc. Nội dung liệt kê nhiều bằng chứng và chi tiết cáo buộc chính phủ Trung Quốc che giấu các mối đe dọa của dịch bệnh và virus, đồng thời chỉ trích WHO không thực hiện trách nhiệm với sức khỏe toàn cầu.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhiều lần viết bài và thậm chí còn sản xuất video chỉ trích báo cáo của McCall, phê phán báo cáo của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội là “bôi nhọ nỗ lực của Trung Quốc đối phó với dịch bệnh” và “đầy dối trá và thành kiến”.

Giới tình báo Mỹ hiện đang điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Tháng 5 năm nay, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu các cơ quan tình báo "nỗ lực gấp bội" để thu thập và phân tích thông tin liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2, đồng thời yêu cầu trình lên Nhà Trắng báo cáo trong vòng 90 ngày; hạn cuối để nộp báo cáo này là ngày 24/8 tới đây.

Ngày 2/8, phản ứng trước bản báo cáo nói trên của các Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mỹ, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng bản tweet trên Twitter, giễu cợt không biết từ khi nào Đảng Cộng hòa Mỹ đã trở thành một chính đảng khoa học? Ông gọi đó là một "đảng tà giáo" vì họ tuyên bố biết những gì đã xảy ra ở phía bên kia Trái Đất.