Mỹ ủng hộ WHO tiến hành điều tra SARS-CoV-2 giai đoạn hai, Trung Quốc bác bỏ, đề xuất phương án khác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi tổ chức Y tế Thế giới công bố kế hoạch điều tra truy xuất SARS-CoV-2 giai đoạn hai, Mỹ đã tuyên bố ủng hộ trong khi Trung Quốc kiên quyết bác bỏ và đề xuất lên WHO phương án khác để thay thế.
Ngày 29/7, khi gặp Tổng giám đốc WHO tại Kuwait, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ ủng hộ kế hoạch truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn 2 của WHO (Ảnh: chinatimes).
Ngày 29/7, khi gặp Tổng giám đốc WHO tại Kuwait, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ ủng hộ kế hoạch truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn 2 của WHO (Ảnh: chinatimes).

Ngày 29/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Kuwait, bày tỏ Mỹ ủng hộ giai đoạn hai cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 của WHO, bao gồm việc điều tra nguồn gốc của virus ở Trung Quốc.

Ông Blinken đăng trên Twitter sau cuộc họp: "Mỹ ủng hộ kế hoạch của WHO điều tra sâu hơn về nguồn gốc của dịch bệnh, trong đó bao gồm cuộc điều tra về Trung Quốc, để hiểu rõ hơn về đại dịch toàn cầu và ngăn chặn những sự cố tương tự trong tương lai".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã chỉ ra trong tuyên bố rằng ông Blinken nhấn mạnh rằng giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc virus nên "kịp thời, minh bạch, dựa trên bằng chứng, do các chuyên gia dẫn đầu và không bị can thiệp".

Ông Antony Blinken: Mỹ ủng hộ kế hoạch của WHO điều tra sâu hơn về nguồn gốc của dịch bệnh, trong đó bao gồm cuộc điều tra về Trung Quốc, để hiểu rõ hơn về đại dịch toàn cầu và ngăn chặn những sự cố tương tự trong tương lai (Ảnh: Dwnews),

Ông Antony Blinken: Mỹ ủng hộ kế hoạch của WHO điều tra sâu hơn về nguồn gốc của dịch bệnh, trong đó bao gồm cuộc điều tra về Trung Quốc, để hiểu rõ hơn về đại dịch toàn cầu và ngăn chặn những sự cố tương tự trong tương lai (Ảnh: Dwnews),

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo của Ủy ban Đối ngoại và Tình báo Thượng viện Mỹ ngày 27/7 đã gửi một bức thư tới Nhà Trắng, yêu cầu Tổng thống Joe Biden có thêm hành động để điều tra kỹ lưỡng nguồn gốc của loại virus gây COVID-19. Các nhà lập pháp cáo buộc chính quyền Trung Quốc từ chối hợp tác với cuộc điều tra quốc tế, gây khó khăn cho việc truy tìm nguồn gốc virus. Họ nhấn mạnh rằng điều tra truy xuất nguồn gốc virus là để tránh tái phát các vụ dịch tương tự.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Richie, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mark Warner và Phó Chủ tịch Marco Rubio, v.v., trong một bức thư chung đã yêu cầu chính phủ thực hiện ba hành động cụ thể sau: Chỉ đạo các cơ quan tình báo tiếp tục ưu tiên một cuộc điều tra toàn diện và kỹ lưỡng về nguồn gốc của loại coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) cho đến khi Mỹ đưa ra kết luận có độ tin cậy cao; hợp tác với các đồng minh và đối tác, đồng thời sử dụng tất cả các nguồn lực và công cụ sẵn có để gây áp lực với Bắc Kinh nhằm buộc chính phủ Trung Quốc cho phép tiến hành điều tra giám sát minh bạch ở Trung Quốc; tiến hành đánh giá toàn diện về sự hỗ trợ hoặc tài trợ hiện tại và trong quá khứ của chính phủ Mỹ đối với các dự án hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, chiều 29/7, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tái khẳng định từ chối kế hoạch điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn hai của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tiết lộ rằng "Trung Quốc đã sớm chủ động đệ trình cho WHO phương án của Trung Quốc về giai đoạn truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 tiếp theo".

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều 29/7, khi một phóng viên hỏi về việc "Trung Quốc bác bỏ giai đoạn hai của kế hoạch điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 của WHO", ông Triệu Lập Kiên nói: “Trung Quốc kiên quyết bác bỏ việc truy xuất nguồn gốc mang tính chính trị và đã chủ động đã đệ trình lên WHO phương án của Trung Quốc về công tác truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 trong giai đoạn tiếp theo”.

Một phóng viên đặt câu hỏi: “Gần đây một số nước như Mỹ cho rằng Trung Quốc bác bỏ kế hoạch truy xuất nguồn gốc virus giai đoạn hai của WHO. Trung Quốc bình luận ​​gì về vấn đề này?”.

Ông Triệu Lập Kiên: Trung Quốc kiên quyết bác bỏ việc truy xuất nguồn gốc mang tính chính trị và đã chủ động đã đệ trình lên WHO phương án của Trung Quốc về công tác truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn tiếp theo (Ảnh: Dwnews)

Ông Triệu Lập Kiên: Trung Quốc kiên quyết bác bỏ việc truy xuất nguồn gốc mang tính chính trị và đã chủ động đã đệ trình lên WHO phương án của Trung Quốc về công tác truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn tiếp theo (Ảnh: Dwnews)

Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: “Kế hoạch truy xuất nguồn gốc giai đoạn hai này do Ban Thư ký WHO đơn phương đề xuất và chưa được các quốc gia thành viên WHO nhất trí. Chức trách của Ban Thư ký là tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham vấn đầy đủ và thống nhất giữa các quốc gia thành viên, Ban Thư ký WHO không có quyền tự mình đưa ra quyết định”.

Triệu Lập Kiên nói: “Trong những ngày gần đây, nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại và phản đối kế hoạch truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn hai do Ban Thư ký WHO soạn thảo, cho rằng bản kế hoạch này không đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết của Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 73, cũng không phù hợp kết luận và khuyến nghị của báo cáo nghiên cứu chung của WHO và Trung Quốc (tức báo cáo điều tra giai đoạn một), không phản ánh đầy đủ các kết quả mới nhất của việc nghiên cứu truy xuất nguồn gốc virus trên toàn cầu nên không thể được sử dụng làm cơ sở cho việc hợp tác truy xuất nguồn gốc virus giai đoạn hai”.

Điều tra khả năng rò rỉ virus tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là một trọng điểm trong kế hoạch của WHO, trong khi Phương án Trung Quốc lại bác bỏ hoạt động này (Ảnh: AP).

Điều tra khả năng rò rỉ virus tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là một trọng điểm trong kế hoạch của WHO, trong khi Phương án Trung Quốc lại bác bỏ hoạt động này (Ảnh: AP).

Triệu Lập Kiên tiết lộ, để hỗ trợ và hợp tác với WHO trong giai đoạn hai của công tác truy xuất nguồn gốc virus toàn cầu, các chuyên gia Trung Quốc đã chủ động đề xuất phương án truy xuất nguồn gốc giai đoạn hai lên Ban Thư ký WHO dựa trên công việc truy xuất nguồn gốc giai đoạn đầu và báo cáo nghiên cứu chung do Trung Quốc-WHO thực hiện. Việc này đã xảy ra trước khi Ban Thư ký WHO đưa ra kế hoạch điều tra truy xuất giai đoạn hai”.

Ông Triệu Lập Kiên cũng đã giới thiệu bốn điểm chính của “Phương án Trung Quốc”, bao gồm:

Thứ nhất, cần sử dụng báo cáo nghiên cứu chung Trung Quốc - WHO giai đoạn một đã đưa ra các kết luận và khuyến nghị được cộng đồng quốc tế và giới khoa học thừa nhận làm cơ sở cho công tác truy xuất nguồn gốc giai đoạn hai.

Thứ hai, những nghiên cứu truy xuất nguồn gốc giai đoạn đầu đã thực hiện, đặc biệt nếu đã có kết luận rõ ràng thì giai đoạn thứ hai không nên tiến hành lại; đặc biệt là báo cáo nghiên cứu truy xuất nguồn gốc chung Trung Quốc - WHO đã nói rõ rằng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ không có khả năng".

Triệu Lập Kiên chỉ ra rằng trọng điểm nghiên cứu của giai đoạn thứ hai “nên là các con đường lây nhiễm “có khả năng” và “rất có khả năng xảy ra” được nêu rõ trong các báo cáo nghiên cứu chung, chẳng hạn như sự ra đời của các vật chủ trung gian động vật và sự truyền dẫn qua dây chuyền lạnh; và thúc đẩy triển khai nghiên cứu truy xuất nguồn gốc ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới”.

Thứ ba, tiến hành đánh giá và phân tích các kết quả nghiên cứu hiện có và bằng chứng mới dựa trên các chứng cứ nghiên cứu công khai; thông qua đánh giá toàn diện để xác định khu vực và phương án làm việc cho kế hoạch truy xuất nguồn gốc giai đoạn hai. Tiếp tục thực hiện các nghiên cứu về các lĩnh vực dịch tễ học, sản phẩm động vật và môi trường, dịch tễ học phân tử, v.v.,tăng cường chứ không lặp lại các công việc đang tiến hành hoặc đã làm.

Thứ tư, việc lập nhóm chuyên gia cần được hình thành trên cơ sở các chuyên gia nghiên cứu truy xuất nguồn gốc giai đoạn đầu; nếu thực sự cần bổ sung các chuyên gia ở các lĩnh vực khác, có thể bổ sung một cách hợp lý vào thành phần các chuyên gia ban đầu”.

Ông Lương Vạn Niên (trái), Trưởng đoàn Trung Quốc bắt tay các thành viên trong Nhóm chuyên gia WHO trước khi họp báo về kết quả điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn một (Ảnh: AP).

Ông Lương Vạn Niên (trái), Trưởng đoàn Trung Quốc bắt tay các thành viên trong Nhóm chuyên gia WHO trước khi họp báo về kết quả điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn một (Ảnh: AP).

Cuối cùng, ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: “Truy xuất nguồn gốc là một vấn đề khoa học nghiêm túc, các nhà khoa học cần được phép nghiên cứu nguồn gốc của SARS-CoV-2 một cách rõ ràng, để ngăn ngừa tốt hơn các rủi ro trong tương lai”.

Ông tái khẳng định: "Chúng tôi kiên quyết bác bỏ việc chính trị hóa việc truy xuất nguồn gốc, đã và sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào việc truy xuất nguồn gốc thực sự khoa học".

Giới quan sát cho rằng, “Phương án Trung Quốc” mà Bắc Kinh đề xuất thay thế kế hoạch của WHO không có gì mới, vẫn là những điều Trung Quốc lâu nay vẫn chủ trương như: công nhận kết quả điều tra giai đoạn một của Nhóm chuyên gia Trung Quốc và WHO, không điều tra khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, tiến hành điều tra ở các nước khác, chủ yếu nhằm vào Mỹ, sử dụng đội ngũ chuyên gia đã tiến hành điều tra giai đoạn một...Rõ ràng phương án này khó có thể được WHO và các nước thành viên chấp nhận.