Sau khi đánh giá và biểu dương những thành tích mà Cục Tần số vô tuyến điện đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng yêu cầu, trên cơ sở nội dung đánh giá tại Hội nghị Sơ kết 5 năm về triển khai Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện, Cục cần nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về quản lý tần số để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, đáp ứng nhu cầu xã hội; sớm hoàn thành văn bản phối hợp công tác giữa Bộ TT&TT và Bộ Nông nghiệp PTNT về quản lý thiết bị vô tuyến điện của các phương tiện nghề cá; nghiên cứu sửa đổi Quy hoạch phổ tần số theo kết quả của Hội nghị vô tuyến thế giới WRC-2015.
Đặc biệt, Cục cần phối hợp với Cục Viễn thông và các đơn vị liên quan cập nhật các yếu tố, các đánh giá về cấp phép 4G trên băng tần 2600 Mhz ở Việt Nam như sự phát triển mới nhất về quy hoạch tần số, công nghệ 4G, thực tế cấp phép tần số phát triển 4G trên thế giới, cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam, nhu cầu thực sự của các doanh nghiệp về băng tần, nhu cầu thực sự của xã hội đối với các băng thông… để thời điểm và phương thức cấp phép 4G trên băng 2600MHz bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số, bảo đảm duy trì được 3-4 doanh nghiệp sở hữu nguồn tài nguyên tương đương trên thị trường, bảo đảm huy động thêm được nguồn đầu tư mới.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn làm việc với Cục Tần số Vô tuyến điện sáng nay (6/5)
Cục tần số và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả đề án số hóa truyền hình đúng tiến độ, kế hoạch được duyệt, đạt hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng phải lùi thời điểm nhiều lần và bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục tham mưu duy trì tốt hoạt động của Ủy ban tần số vô tuyến điện quốc gia; phối hợp chặt chẽ với Bộ quốc phòng, Bộ Công an trong việc xây dựng quy hoạch, quản lý sử dụng các kênh tần số phục vụ an ninh quốc phòng, hàng không bảo đảm an toàn, hiệu quả giữa dân sự và quốc phòng an ninh….