Tại Hội nghị Sơ kết về thi hành luật viễn thông và luật vô tuyến điện vừa diễn ra ngày 18/3 vừa qua, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục tần số vô tuyến điện tiết lộ: Để sử dụng và khai thác hiệu quả hơn về tần số vô tuyến điện, đến giữa năm 2017, Cục Tần số vô tuyến điện sẽ tiến hành đấu giá tần số.
"Sắp tới chúng ta sẽ đấu giá các băng tần quý hiểm để thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội. Chúng ta đang triển khai quyết định của Thủ tướng về đấu giá quyền sử dụng tần số vố tuyến điện ở băng tần 2,6 MHz. Cục sẽ đấu giá vào năm 2017, đây là điểm quan trọng làm minh bạch hóa chính sách về quản lý tần số đối với dịch vụ, đồng thời nó làm tăng cao hiệu quả quản lý và kinh tế trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện".
Cũng tại hội nghị, ông Hoan đánh giá, sau 5 năm triển khai thực hiện luật tần số vô tuyến điện đã đạt được những mục tiêu đề ra, trong đó, số lượng bộ đàm thông tin vô tuyến điện dung ở các sân bay, taxi, bảo vệ, xây dựng, siêu thị, nhà hàng… tăng trung bình từ 15- 20%/ năm. Toàn quốc, có 22 cảng hàng không nội địa và quốc tế được trang bị hệ thống thiết bị vô tuyến điện, với gần 200 đài vô tuyến dẫn đường hàng không. Về hàng hải, có 1880 đài tàu biển được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc, 10.873 tàu cá xa bờ sử dụng thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF.
Trong lĩnh vực viễn thông, số lượng thuê bao điện thoại tăng mạnh từ 45 triệu thuê bao từ năm 2009 đến nay tăng gần gấp 3 với 120 triệu thuê bao, trong đó thuê bao 3G là 40 triệu. Vệ tinh viễn thông VINASAT-1 sử dụng 95% băng tần, hệ thống vệ tinh VINASAT-2 sử dụng 60% sau khi phóng năm 2011. Luật tần sô vô tuyến điện và luật viễn thông đã mở đường cho sự phát triển của lĩnh vực phát thanh truyền hình, tạo điều kiện cho việc số hóa truyền hình Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần và giải phóng băng tần cho thông tin di động băng tần. Đặc biệt, TP Đà Nẵng đã trở thành thành phố đầu tiên trong khu vực ASEAN hoàn thành số hóa truyền hình. Ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có thêm 100 MHz cho thông tin di động ở băng tần 700 MHz nhờ kết quả của việc chuyển đổi công nghệ truyền hình.
"Trong thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ chú trọng công tác hậu kiểm và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp thông qua các cam kết ràng buộc mang tính kinh tế, kỹ thuật khả thi. Các cơ quan liên quan cần tập trung vào một số nội dung như hoàn thiện pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành, tăng cường chính sách quản lý cạnh tranh, bảo vệ cạnh tranh theo thông lệ quốc tế, tăng cường các biện pháp quản lý dựa trên cơ chế thị trường theo hướng cải cách thủ tục hành chính, đơn giản và minh bạch hóa các quy trình, thủ tục..."- Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.