Deccan Herald ngày 20.12 đưa tin, trong cuộc hội thảo quốc tế "Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương: Ấn Độ và cam kết quyền lực lớn" do báo này tổ chức hôm 19.12, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Le Yucheng đã đứng lên tuyên bố: "Các quốc gia bên ngoài khu vực hoặc không có gì để làm với khu vực này thì không can thiệp vào những vấn đề đó. Nó chỉ làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn" khi nhắc tới Biển Đông.
Đại sứ Trung Quốc ám chỉ Hoa Kỳ và Ấn Độ can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông. Ông Le Yucheng nói: "Các quốc gia ngoài khu vực đang phô diễn sức mạnh cơ bắp của họ. Điều này không tốt cho an ninh khu vực. Trung Quốc sẽ tiếp tục cam kết nỗ lực cho hòa bình khu vực và vùng biển chung".
Sau đó ông Đại sứ Trung Quốc nói về cái gọi là "chủ quyền" của nước này đối với các đảo ở Biển Đông. Le Yucheng cho rằng, các đảo ở Biển Đông do Nhật Bản "khai hoang" từ sau Thế chiến II và không có yêu sách nào đối với chúng cho đến những năm 1970, khi nguồn năng lượng hydrocarbon được phát hiện.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành có mặt trong buổi hội thảo đã bác bỏ lập luận phi lý này của Đại sứ Trung Quốc. Ông Thành khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền, kiểm soát đối với 2 quần đảo này một cách hòa bình và liên tục từ thế kỷ 17 khi chúng còn là đất vô chủ.
"Chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống rất phức tạp và thậm chí rất nguy hiểm ở Biển Đông vì hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn. Mối quan tâm là về tốc độ và phạm vi quân sự hóa Biển Đông, nó có thể tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực", Đại sứ Tôn Sinh Thành nói.
Ông chỉ rõ, trong 20 tháng qua, hơn 2900 mẫu đất đã được Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa, hơn cả tổng diện tích bồi đắp của tất cả các bên yêu sách khác ở Biển Đông trong hơn 40 năm qua cộng lại.
Đại sứ Thành cho rằng, nguy cơ xung đột ở Biển Đông không chỉ đe dọa an ninh và tự do hàng hải, hàng không, mà còn làm giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia với những tác động nghiêm trọng và lâu dài đối với hòa bình, phát triển và hợp tác trong khu vực.
Theo Một thế giới