Đại gia vàng xây biệt phủ 'khủng' trái phép ở Hải Vân: Đập bỏ hay cho tồn tại?

Hai khu biệt thự xây trái phép trên rừng Hải Vân của thiếu tướng công an Phan Như Thạch và đại gia Ngô Văn Quang đã bị xử phạt hành chính và buộc phải tháo dỡ hoàn toàn.
Biệt phủ của đại gia vàng trên núi Hải Vân
Biệt phủ của đại gia vàng trên núi Hải Vân

Tuy nhiên đến nay, ngoài ngôi biệt thự của ông Thạch đã được gia đình tự nguyện tháo dỡ đúng thời hạn thì biệt phủ của ông Quang vẫn yên vị. Mới đây, đã có ý kiến của chính quyền địa phương đề xuất cho phép công trình này được nộp phạt tồn tại để tránh lãng phí.

Trước đó, dư luận một phen xôn xao khi báo chí phản ảnh hai trường hợp xây dựng trái phép có quy mô khủng ngay chân núi Hải Vân. Đó là khu biệt thự hoành tráng của ông Phan Như Thạch (Thiếu tướng, nguyên giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, đã nghỉ hưu) và biệt phủ giá triệu đô của ông Ngô Văn Quang (giám đốc Công ty TNHH khai thác vàng Phước Minh ở Quảng Nam). Hai khu biệt thự, biệt phủ được xây dựng trái phép ngay dưới chân núi Hải Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Trước áp lực của báo chí và dư luận, ngày 4/2/2015, UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phan Như Thạch và ông Ngô Văn Quang, phạt mỗi hộ 22,5 triệu đồng vì tổ chức thi công xây dựng công trình nhà ở trên phần đất không được phép xây dựng. Riêng đối với ông Ngô Văn Quang còn nhận thêm một Quyết định xử phạt khác với số tiền 15 triệu đồng vì "Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép"; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trong thời gian là 35 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt.

Ngay khi nhận quyết định xử phạt, gia đình tướng Thạch đã chấp hành xong cả về phạt hành chính cũng như tự tháo dỡ công trình biệt thự.

Tuy nhiên, đối với ông Ngô Văn Quang, đã quá thời hạn theo quy định, gia đình ông chỉ mới tháo dỡ ngôi nhà đúc 3 tầng, còn các hạng mục khác như nhà rường, nhà rường mái đúc, tường rào, cổng ngõ ông Quang xin tồn tại để làm khu du lịch sinh thái. Ông Quang đã làm đơn cứu xét gửi lên UBND thành phố Đà Nẵng và Bộ Tài nguyên Môi trường để xin được nộp phạt tồn tại.

Biệt phủ nguy nga giá triệu đô nằm trên đất có vàng?

Khu biệt phủ của đại gia khai khoáng Ngô Văn Quang rộng 1.411m2 tọa lạc tại khu vực đồi Chim Chim, tiểu khu 11 rừng đặc dụng Nam Hải Vân.

Biệt phủ là một quần thể kiến trúc lộng lẫy nguy nga giống như cung vua phủ chúa ngày xưa. Trong đó có hàng chục ngôi nhà gỗ, tòa tháp, nhà rường mái cong kiểu cổ, 3 cổng lớn và hàng rào cao vút, dài hàng cây số. Trong đó có cả khe, suối, núi đồi, rừng tum tùm phong cảnh rất đẹp. Một con đường bê tông lớn nối từ QL1A vào thẳng biệt phủ. Khu biệt phủ biệt lập, khép kín, người ngoài khó có thể xậm nhập nếu không được phép.

Một số hình ảnh về biệt phủ của đại gia Ngô Văn Quang.
Một số hình ảnh về biệt phủ của đại gia Ngô Văn Quang.

Ước tính, số tiền đại gia Quang bỏ ra để xây dựng khu biệt phủ lên tới hơn 5 triệu USD (khoảng hơn 100 tỷ đồng). Tuy nhiên nói về giá cả khu biệt phủ, ông Quang cho rằng “không có con số chính xác vì đây là biệt phủ vô giá rồi. Tôi xây nó trong 9 năm mới hoàn thiện, mỗi năm tôi xây một ít nên bản thân tôi cũng không biết tổng số chi trả cho khu biệt này".

Từ lâu, đại gia Ngô Văn Quang đã nổi tiếng là một "trùm" về khai thác vàng ở vùng rừng núi Phước Sơn (Quảng Nam). Nhiều chủ làm vàng chỉ cần nhắc tới tên Ngô Văn Quang là họ đã biết tới một "ông trùm vàng" với nhiều tính toán khiến các trùm vàng khác phải kính nể. Việc đại gia vàng xây quần thể biệt thự như "Vạn Lý Trường Thành" dưới chân núi Hải Vân (trong đó có nhiều khe, suối) không khỏi khiến dư luận xôn xao: Liệu vùng núi này cũng là vùng có vàng để đại gia vàng này chuẩn bị khai thác nên mới xin tồn tại?.

Xây dựng khu sinh thái, được không?

Khu biệt phủ được xây dựng trong nhiều năm mới hoàn thành, tuy nhiên trong suốt quá trình xây dựng đã không có một biện pháp ngăn chặn, xử lý nào từ các cơ quan chức năng ngoài việc lập biên bản. Theo Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, từ tháng 5-2011 đến tháng 4-2013, cơ quan này phối hợp với chính quyền địa phương đã lập biên bản tổng cộng… 6 lần, và biệt phủ này vẫn cứ lừng lững “mọc” lên.

Trả lời báo chí, ông Quang lý giải nguyên nhân biệt phủ vẫn còn nguyên sau thời hạn tháo dỡ: “Tôi cũng đang rất sốt ruột đợi quyết định của Thành phố. Tôi đã chờ lâu lắm rồi và đã có hai lần giục quận xem xét. Tuy nhiên, quận bảo chờ thành phố, mà thành phố thì bảo giao cho các sở, ban ngành. Giờ tôi có muốn nhanh cũng không biết đi hỏi cơ quan chức năng nào. Thôi thì đành chờ chứ biết làm sao, thành phố trước khi đưa ra quyết định cũng cần phải xem xét kỹ chứ".

Về ý tưởng xây dựng khu sinh thái, ông cho biết: “Do nhận thấy khu đất trên có nhiều cảnh quan đẹp nên từ năm 2009 đến nay tôi đã mạnh dạn đầu tư tài chính để xây dựng một số hạng mục như nhà rường, nhà lục giác, ao cá với mong muốn tạo nên một khu du lịch sinh thái làm điểm nhấn của quận Liên Chiểu nằm dưới chân núi Hải Vân […] Nếu được thành phố đồng ý tôi sẽ quyết tâm làm một khu du lịch sinh thái tâm linh trong đó có cả suối nước nóng và nhà nghỉ. Tôi mong muốn để lại cho đời sau một cái gì đó hữu ích nên mới gửi đơn lên quận xin phê duyệt. Mặc dù, xin quận nhưng kế hoạch cụ thể như nào tôi chưa trình bày, đợi đến lúc có quyết định tôi mới nói. Còn trong trường hợp thành phố không đồng ý nguyện vọng của tôi thì tôi sẽ chuyển đồ đạc, vật dụng về Quảng Nam".

Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí, việc tiếp cận với "biệt phủ" của ông Quang là cực khó vì tất cả các cửa của quần thể biệt thự này luôn luôn đóng, bên trong có nhiều chó dữ. Chỉ có người quen của đại gia vàng này mới vào được. Tất cả mọi hoạt động bên trong quần thể biệt thự này không ai tiếp cận được nên không biết bên trong ấy đang xây dựng cái gì.

Một vấn đề cũng được đặt ra là liệu sau này, khi được cho phép tồn tại, đại gia vàng có làm khu du lịch hay không thì ai mà biết được, và nếu không thì phải xử lý thế nào?

Nên cho phép nộp phạt để tồn tại để tránh lãng phí?

Ngày 6-5, tại hội nghị giao ban khối Đảng, đoàn thể do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức, đại diện Mặt trận tổ quốc TP Đà nẵng đã có ý kiến kiến nghị giữ biệt phủ theo hướng giải quyết phạt hành chính rồi cho tồn tại để tránh lãng phí.

“Các khu biệt thự này tách biệt và không liền kề nhau, vì vậy, không nên đập bỏ toàn bộ khu biệt thự mà cần xử lý vi phạm hành chính cho tồn tại đối với một số biệt thự không ảnh hưởng đối với quy hoạch chung. Chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất, phần nào xây dựng trái phép thì kiên quyết đập, xử lý. Còn cái mà nó không ảnh hưởng đến quy hoạch chung thì tiếp tục cho tồn tại nhưng mà phải nộp thuế. Rồi yêu cầu xây dựng đề án sử dụng khu vực này thành khu du lịch sinh thái hoặc du lịch tâm linh. Chứ nếu đập bỏ thì cũng lãng phí xã hội” - Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng nói.

Ý kiến này đã dấy lên tranh cãi về việc thực thi pháp luật. Có ý kiến cho rằng phải thực hiện nghiêm để thể hiện tính nghiêm minh, làm gương và răn đe các trường hợp khác. Ý kiến khác lại cho rằng việc phá bỏ cả khối tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng như thế thì rất lãng phí của cải xã hội, tuy nhiên nếu chấp thuận cho "biệt phủ" của ông Quang tồn tại, chuyển sang kinh doanh du lịch thì tính nghiêm minh của pháp luật đang bị thách thức.

Phong cảnh khu biệt phủ khá thích hợp làm khu sinh thái
Phong cảnh khu biệt phủ khá thích hợp làm khu sinh thái

Khu đất ông Quang xây dựng trái phép được sang nhượng từ nhiều người dân. Tuy nhiên, một phần đất xây dựng lại không thuộc đất rừng đặc dụng. Khi ra quyết định xử phạt, UBND quận Liên Chiểu cũng đã bối rối, vì phần đất khu biệt phủ của ông Quang xây không phép tại đồi Chim Chim thuộc đất khác, không phải đất rừng đặc dụng, khu đất này cũng không nằm trong dự án quy hoạch nào. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nảy sinh phần dùng dằng của chính quyền địa phương theo hướng cho phép nộp phạt để tồn tại.

Ông Văn Dũng, Chánh Văn phòng UBND quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng cho biết UBND quận Liên Chiểu thấy việc xin giữ lại là hợp lý nên đã gửi văn bản của ông Quang đến UBND TP Đà Nẵng để xin ý kiến chỉ đạo. “Nếu thành phố đồng ý thì công trình trên được giữ lại, còn nếu không thì sẽ phải tháo dỡ hoàn toàn” ông Dũng nói.

Trả lời báo chí, ông Trương Việt - Chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Bắc cho hay “ông Quang xin giữ lại biệt phủ làm du lịch là quá hợp lý, vừa tạo cảnh quan môi trường đẹp, vừa tạo thu nhập cho địa phương. Ông làm du lịch thôi chứ đâu có ở, đất khác sản xuất cũng được, làm du lịch cũng được, đất không cấn dự án, miễn sao phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền là được”.

Phó Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Võ Công Trí cũng cho rằng, nếu đập bỏ cả khối tài sản trị giá cả trăm tỷ đồng thì lãng phí của cải xã hội: "Chúng ta phải phải tính xem xứ lý việc này thế nào cho có lý, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật nhưng cũng phải có tình để hạn chế lãng phí tài sản xã hội".

Bộ TNMT cũng đã có ý kiến đề nghị Đà Nẵng xem xét trường hợp này.

Còn theo ý bạn, trường hợp này nên cương quyết đập bỏ, trả lại nguyên trạng ban đầu theo đúng như yêu cầu tại quyết định xử phạt để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật hay cho phép nộp phạt giữ lại công trình làm khu du lịch sinh thái để tránh lãng phí? PLO mong nhận được ý kiến của bạn đọc về việc này để góp thêm những góc nhìn đa chiều gởi đến các cơ quan quản lý có liên quan.

Theo PLTP