Lỗ nặng dù được cảnh báo
Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành báo cáo kiểm toán dự án đạm Ninh Bình của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 397 triệu USD, sau đó tăng lên hơn 497 triệu USD, rồi lại tăng lên 667 triệu USD (tương đương hơn 10,8 nghìn tỷ đồng) vào năm 2007.
Dự án khởi công năm 2008 và vận hành thương mại vào tháng 10/2012.
Chi phí đầu tư đề nghị quyết toán của dự án là hơn 12,4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính cho rằng dự án chưa đủ điều kiện quyết toán theo quy định hiện hành. Ngay cả đơn vị kiểm toán độc lập là Công ty TNHH hãng kiểm toán AASC kiểm toán và từ chối đưa ra ý kiến do không có đầy đủ số liệu, hồ sơ tài liệu và không có đầy đủ căn cứ, cơ sở, bằng chứng xác nhận.
|
Dự án đạm Ninh Bình lỗ nặng, âm vốn. Ảnh: Lương Bằng |
Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu của dự án do Vinachem, ban quản lý dự án nhà máy đạm Ninh Bình, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cung cấp, Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng chưa có đầy đủ hồ sơ, tài liệu, căn cứ, thông tin để đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của số liệu nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư đề nghị quyết toán.
Theo Kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được lập, thẩm định và phê duyệt không đảm bảo quy định, thiếu căn cứ tính toán, một số nội dung tính toán không chính xác. Cụ thể không có cơ sở, căn cứ tính toán với giá trị lên tới hơn 1.100 tỷ đồng (bằng 11,5% tổng mức đầu tư điều chỉnh được duyệt).
Kết quả sản xuất kinh doanh của Nhà máy đạm Ninh Bình thua lỗ kéo dài trong thời gian qua, thời gian dừng nghỉ máy để khắc phục sự cố, hỏng hóc nhiều. Lỗ lũy kế của nhà máy đến hết năm 2018 là hơn 4.900 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước âm hơn 2.600 tỉ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Hồi đồng quản trị Tổng công ty hóa chất Việt Nam chịu trách nhiệm lập kế hoạch đàm phán... làm cơ sở trình Chính phủ hai bên xem xét, quyết định nếu dự án có hiệu quả và ý kiến của các bộ ngành, nhưng Vinachem không xem xét một cách thấu đáo và toàn diện mà vẫn tiến hành phê duyệt quyết định đầu tư.
Điều này dẫn đến sau khi hoàn thành, nhà máy vận hành không hiệu quả, hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu như một số ý kiến các bộ,ngành đã cảnh báo.
Cụ thể, năm 2006 Bộ Tài chính cảnh báo “... hiệu quả dự án thấp, khả năng thu hồi vốn khó khăn, tính khả thi không cao”.
Biên bản thẩm định năm 2007 của Tổ thẩm định cũng có ý kiến: “Dự án có hiệu quả và khả thi trong điều kiện có được sự hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt; tính hiệu quả của dự án chưa chắc chắn, mức hiệu quả của dự án thấp, cần có sự hỗ trợ của nhà nước”.
Năm 2005, Bộ Khoa học và Công nghệ cảnh báo "sản xuất phân đạm từ nguyên liệu than cám để có lãi và đạt hiệu quả kinh tế là việc làm khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro về vốn đầu tư”.
Cùng thời gian này, Bộ kế hoạch và đầu tư cũng lưu ý: “Hiệu quả tài chính của dự án không cao và đề nghị Bộ Công nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ hiệu quả thực tế dự án và cơ chế xử lý rủi ro trong đầu tư và vận hành sau này”.
Mắc kẹt với nhà thầu Trung Quốc
Theo Kiểm toán Nhà nước, việc chọn nhà thầu Trung Quốc là Tổng công ty thiết kế thầu khoán hoàn cầu Trung Quốc còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến tính hiệu lực, hiệu quả của gói thầu EPC dự án và của dự án nói chung.
Quá trình đánh giá năng lực nhà thầu EPC còn hạn chế, thiếu thông tin để khẳng định năng lực nhà thầu. Do đó thông tin năng lực của nhà thầu khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ là thiếu căn cứ, thông tin, tài liệu để chứng minh.
Quá trình đàm phán để nhà thầu đưa vào hợp đồng nhiều nội dung gây bất lợi cho chủ đầu tư, nhiều nội dung không rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ gây bất đồng ý kiến khi giải quyết các tồn tại của gói thầu EPC.
Cụ thể, trong quá trình triển khai, Vinachem không tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc dừng đàm phán hợp đồng EPC để đấu thầu. Sau khi có chỉ đạo, chủ đầu tư vẫn tổ chức đoàn sang Bắc Kinh 3 ngày để thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và 24 ngày sang Trung Quốc để tiếp tục đàm phán hợp đồng EPC trong khi chưa xin chủ trương của Thủ tướng.
Sau đó Vinachem và Bộ Công Thương mới có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả đàm phán hợp đồng EPC và đề nghị cho phép ký hợp đồng EPC với nhà thầu Trung Quốc.
Khi nhà thầu đề xuất tăng giá gói thầu EPC 48 triệu USD, từ 432 triệu USD lên 480 triệu USD thì chru đầu tư không xem xét thương thảo và làm rõ lý do, căn cứ, cơ sở của việc điều chỉnh tăng đối với từng nội dung chi tiết.
Những rắc rối với nhà thầu Trung Quốc trong và sau khi dự án vận hành khiến đạm Ninh Bình đã khó càng thêm khó.
Theo Vietnamnet