Tại buổi họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh nếu hết năm 2019 mà không đàm phán xong các vướng mắc về hợp đồng EPC thì Chính phủ đồng ý theo đề nghị của từng đơn vị chuyển qua cơ chế tòa án hay trọng tài quốc tế phán xử.
“Nhưng tinh thần chung là ưu tiên hòa giải, thương lượng, chia sẻ lẫn nhau, hạn chế thấp nhất vấn đề khiếu kiện. Đồng thời, thống nhất quan điểm việc khởi kiện hay không là công việc của tập đoàn, tổng công ty” - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan về cung cấp tín dụng theo nguyên tắc thị trường, theo quy định của pháp luật về giãn khấu hao, để các dự án, nhà máy dùng để trả nợ.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) báo cáo cụ thể hơn các giải pháp, phương án để trình Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cụ thể, với Nhà máy đạm Ninh Bình, CMSC báo cáo kỹ hơn về việc lựa chọn phương án khoanh tất cả nợ gốc, lãi còn phải trả và khoanh nợ giữa Tập đoàn Vinachem và nhà máy trong 5 năm tới, sửa Luật để đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, giảm trích khấu hao tài sản cố định tới năm 2024 về mức 50% số phải trích và các ngân hàng tiếp tục tài trợ vốn lưu động.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình cho phép chuyển đổi Công ty TNHH 2 TV Thép Việt-Trung thành công ty cổ phần để huy động vốn dễ hơn, báo cáo Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thống nhất xử lý vấn đề thuế xuất khẩu cho doanh nghiệp nói chung, trong đó có công ty thép Việt-Trung.
Đối với dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, CMSC trình Chính phủ chủ trương cho phép thực hiện cáo bạch các vấn đề vướng mắc liên quan thoái vốn của Tissco và cho phép thoái vốn ra khỏi dự án.
Đối với dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất, với trách nhiệm cổ đông, Phó Thủ tướng đồng tình PVN có thể sử dụng vốn thông qua Đại hội cổ đông để quyết định tiếp tục triển khai dự án.
Bộ Công Thương sớm có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước để thẩm định lại giá trị của Nhà máy bột giấy Phương Nam để tiếp tục bán đấu giá. Đồng thời, tính tiếp phương án xử lý khi đấu giá tiếp tục không thành công.
Phó Thủ tướng đồng ý đưa Nhà máy DAP 1-Hải Phòng ra khỏi danh sách 12 dự án nhà máy yếu kém vì các kết quả khả quan trong thời gian qua để giúp đơn vị này phát triển.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Thành Chung |
Càng để lâu Nhà nước càng mất vốn
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch CMSC Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh việc xử lý các dự án, nhà máy càng trở nên cấp thiết vì càng để lâu nhà nước càng mất vốn. Với các dự án, nhà máy này còn có nguy cơ âm và mất hết vốn chủ sở hữu.
Trước đó, sau khi tiếp nhận 11/12 dự án, nhà máy từ Bộ Công Thương (Nhà máy bột giấy Phương Nam vẫn do Tổng công ty Giấy, Bộ Công Thương quản lý), CMSC đã rà soát, tổng hợp các hồ sơ và thấy rằng mặc dù số lượng nhiệm vụ mà các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành chiếm 75,36% nhưng các khó khăn mấu chốt vẫn nằm ở 17 nhiệm vụ còn lại.
Trong đó, tập trung ở 3 nhóm vấn đề, bao gồm: Xử lý dứt điểm vướng mắc pháp lý để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án; Cơ cấu lại các khoản nợ, trích giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay; Xây dựng phương án thoái vốn.
Cụ thể, 7 dự án vướng mắc tranh chấp hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công (EPC) chưa được giải quyết, một số dự án không dàn xếp được, phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường cho biết với 3 nhà máy sản xuất phân bón (đạm Ninh Bình, Dự án mở rộng sản xuất đạm Hà Bắc, dự án DAP2 Lào Cai), Tập đoàn đã chuẩn bị hồ sơ pháp lý, khi có ý kiến của Chính phủ thì sẽ khởi kiện tổng thầu ra tòa hoặc đưa ra Trung tâm Trọng tài quốc tế phân xử.
Đối với dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết không thể đàm phán giải quyết được vướng mắc hợp đồng EPC với nhà thầu MCC để tiếp tục dự án.
Trong khi đó, 3 dự án là: Nhà máy là Ethanol Quảng Ngãi, Ethanol Phú Thọ và Công ty đóng tàu Dung Quất cũng chưa tìm được tiếng nói chung với nhà thầu về phương án giải quyết tranh chấp và giải pháp xử lý cuối cùng.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) Lê Mạnh Hùng cho biết Ethanol Phú Thọ chỉ còn phương án duy nhất là giải thể, phá sản nhưng chỉ có hiệu lực khi có phán quyết của tòa án đối với vụ án hình sự xảy ra ở đơn vị này.
Về tài chính, các dự án của Vinachem mặc dù đã tái hoạt động hiệu quả nhưng tiếp tục gặp khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh vì thỏa thuận với ngân hàng thương mại “thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần” sau mỗi chu kỳ sản xuất.
Ông Nguyễn Phú Cường cho biết dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc 3 năm liền chạy công suất đạt 93%. Năm nay, giá đạm thấp nhưng vẫn cao hơn biến phí 1.000 đồng/kg, dôi ra 250 tỷ đồng. Còn Nhà máy đạm Ninh Bình trong nửa đầu năm 2019 đã vượt kế hoạch sản xuất năm 2018 và tiêu thụ 100% khối lượng.
Tuy nhiên, Vinachem vẫn phải trả nợ thay cho các dự án, nhà máy này, như nhà máy đạm Ninh Bình là hơn 700 tỷ đồng từ đầu năm tới nay.
Ngoài ra, báo cáo của CMSC cho biết đối với 6 nhà máy, dự án hoạt động trở lại thì có 2 đơn vị có lãi, 4 đơn vị đã giảm lỗ theo từng năm nhưng hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn vì thiếu vốn, gánh nặng nợ nần nên chưa thể thực hiện thoái vốn nhà nước./.