Theo thông tin từ cuộc hội đàm, hai bộ trưởng đã nhất trí tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đối với dự án mỏ kali đang triển khai tại Lào. Phía Việt Nam cho biết hiện Bộ Công thương đang rà soát, báo cáo Chính phủ về phương án đối với dự án mỏ kali này.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết sẽ thông báo với phía Lào sau khi phương án cụ thể đối với dự án này được thông qua.
Dự án khai thác mỏ kali tại Lào có tổng mức đầu tư 522 triệu USD, do Vinachem làm chủ đầu tư, nguồn vốn vay từ các ngân hàng trong nước. Dự án dự kiến xây dựng trong 5 năm và bắt đầu khai thác từ năm 2020 với công suất 320.000 tấn kali mỗi năm, sản phẩm được bán tại thị trường Lào, thị trường Việt Nam…
Được khởi công từ năm 2015, dự án đã tạm dừng triển khai từ năm 2017. Về lý do tạm dừng này, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018, khi trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ dự án của Vinachem không đảm bảo hiệu quả kinh tế, thậm chí là lỗ, nếu cứ tiếp tục triển khai.
Theo đó, khi “dựng” dự án tiền khả thi, giá kali được “neo” ở mức 500 USD/tấn, chu kỳ thời gian biến động giá không lớn. Nhưng đến thời điểm khởi công, giá kali thế giới đã xuống dưới 300 USD/tấn, thậm chí còn thấp hơn.
Như vậy, có thể thấy lý do thực sự việc Vinachem dừng dự án mỏ kali tại Lào là để chờ thị trường kali hồi phục về giá. Và đó đúng là sự chờ đợi đầy may rủi, hơn là có tính toán.
Thực tế, kali tại Việt Nam được sử dụng chủ yếu làm phân bón cho cây trồng. Nguồn cung kali hiện hoàn toàn là nhập khẩu từ các nguồn chính như Nga, Malaysia, Canada…Trong đó, kali mảnh dùng làm nguyên liệu sản xuất loại phân bón khác, còn kali dạng bột có sản lượng nhập khẩu lớn nhất, dùng bón trực tiếp trong sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm trước và cho đến hiện nay, kali là thị trường hẹp chỉ của vài doanh nghiệp chuyên doanh mặt hàng này, với các thương hiệu như Hà Anh, Nông nghiệp 1…
Ngay các “ông lớn” trên thị trường phân bón như Đạm Phú Mỹ, Cà Mau cũng không cạnh tranh nối để chen chân được vào phân khúc hẹp là thị trường kali, chứ chưa bàn tới những doanh nghiệp đầu tư đâu lỗ đấy như Vinachem.
Với dự án mỏ kali tại Lào, điều có thể thấy rõ là dự án đã được khởi công – năm 2015 - tại thời điểm giá kali thế giới đã giảm xuống dưới mức 500 USD/tấn từ lâu. Thực tế, giá kali thế giới đạt đỉnh cao nhất vào năm 2010, với mức khoảng 580 USD/tấn. Khi ấy, giá kali trong nước lên tới trên 14 triệu đồng/tấn. Sang năm 2011, thị trường kali chịu cú sốc rơi giá thẳng đứng xuống còn trên dưới 200 USD, và cho tới nay chưa hồi phục lại mức cũ.
Nói cách khác, sự suy giảm về giá của thị trường kali đã kéo dài nhiều năm, chưa có dấu hiệu hồi phục mới là nguyên nhân khiến dự án mỏ kali tại Lào của Vinachem chậm được khởi động trở lại, và cũng chưa “nhìn” thấy đường ra.
Thực tế, việc lựa chọn công nghệ sai và thời gian đầu tư bị kéo dài có thể xem là “đặc trưng” tại các dự án của Vinachem. Và là nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án sản xuất phân bón của Vinachem… gặp hạn.
Chẳng hạn, tại hai dự án đạm Hà Bắc và đạm Ninh Bình, việc chọn công nghệ sản xuất đạm từ than đã lạc hậu, cộng với chi phí tài chính quá lớn… khiến chi phí sản xuất tăng cao.
Sản phẩm của hai nhà máy này mất tính cạnh tranh về giá so với sản phẩm cùng loại của Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau vốn được sản xuất từ khí. Đây cũng là hai dự án có thời gian lập dự án tới khi hoàn thành lên tới gần 10 năm.
Đáng chú ý, Vinachem có lợi thế tuyệt đối trong phân khúc thị trường phân bón DAP, với việc quản lý, khai thác mỏ apatit nguyên liệu đầu vào, và cả hai nhà máy sản xuất phân DAP công suất lớn nhất cả nước hiện nay đặt tại Đình Vũ (Hải Phòng) và Lào Cai.
Tuy nhiên, cả hai dự án này hiện nay đều lỗ, dù biến động giá phân bón DAP trong nhiều năm gần đây là không lớn. Trong đó, dự án DAP Đình Vũ đã lỗ triền miên trong khi các doanh nghiệp ngành phân bón đều lãi đậm. Còn Dự án DAP Lào Cai có tổng đầu tư (hơn 5.000 tỷ đồng) - gấp hơn 2 lần nhà máy Đình Vũ - đã lỗ ngay từ khi đi vào hoạt động.
Nguyên nhân lỗ, sau đó, được hai nhà máy này “đổ” cho phân DAP nhập khẩu từ Trung Quốc được ưu đãi thuế. Kết quả là để cứu hai nhà máy này, Bộ Công thương đã áp thuế nhập khẩu tự vệ với mặt hàng phân DAP nhập khẩu.