Một ngày sau khi Putin thông báo Nga rút quân khỏi Syria, rõ ràng ván cờ mạo hiểm của ông đã trở thành một chiến thắng lớn cho Moscow. Dưới đây là những gì Nga đạt được và lý do tại sao họ thành công đến thế.
Đầu tiên và quan trọng nhất là việc Nga không kích đã thay đổi cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho tổng thống Bashar al-Assad. Khi quân đội Nga triển khai tại Syria, Assad đang trong tình trạng nguy khốn với nhiều dự báo chế độ có thể sụp đổ. 5 tháng sau đó, nhờ chiến dịch can thiệp quân sự của Nga và sau khi đã giành lại những khu vực lãnh thổ chủ chốt ở cả miền nam và miền bắc, Assad rõ ràng đã ở thế thượng phong về quân sự.
Thậm chí ngay cả tướng Vincent R. Stewart, chỉ huy cơ quan tình báo quân sự Mỹ cũng phải thừa nhận rằng “Nga tăng cường đã thay đổi toàn bộ mọi tính toán”.
Chiến dịch không kích của Nga đã làm được nhiều hơn việc giúp Assad giành lại được các vùng lãnh thổ bị mất trước đây. Các nhóm phiến quân Hồi giáo Sunni từ Quân đội tự do Syria – nhiều nhóm được Washington hậu thuẫn đã chịu tổn thất nặng nề do chiến dịch không kích của Nga, đặc biệt là ở miền bắc dọc theo biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Các lực lượng của Assad gần như đã cắt đứt toàn bộ các tuyến tiếp tế từ Thổ Nhĩ Kỳ tới các đồng minh người Sunni của Washington và kẹp chặt lực lượng này giữa Assad và IS. Như một hệ quả, Moscow tiến sát mục tiêu then chốt là biến cuộc chiến Syria trở thành một lựa chọn khó khăn cho phương Tây giữa một bên là nhóm khủng bố IS tàn bạo và bên kia là chính quyền Assad.
Nên nhớ rằng việc Mỹ ủng hộ IS là điều không thể tưởng tượng. Moscow rõ ràng hy vọng Washington sẽ trở nên chấp nhận vai trò lâu dài của Assad tại Syria.
Thứ hai, Putin mới đây đã đạt được mục tiêu ngoại giao quan trọng là buộc Mỹ phải thừa nhận rằng Nga có vai trò then chốt trong việc xác định tương lai của Syria. Vào thời điểm Nga bắt đầu can thiệp Syria, quan điểm của Washington là không có bất cứ sự hợp tác nào với Nga mà chỉ giới hạn ở việc trao đổi để tránh sự cố va chạm giữa các lực lượng Nga và Mỹ.
Tuy nhiên thoả thuận ngừng bắn mới đây bắt đầu hôm 27/2, đã được Mỹ và Nga đàm phán trực tiếp tại Geneva. Cả hai phía nhất trí sẽ hành động như các nhà bảo trợ cho lệnh ngừng bắn và ông Obama đã chốt lại cuộc thương lượng bằng cách nói chuyện trực tiếp với ông Putin.
Moscow đã buộc Washington phải từ bỏ quan điểm “Assad phải ra đi” khi ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh rằng “Mỹ và các đối tác của chúng tôi không tìm kiếm cái gọi là thay đổi chế độ” và không tập trung “vào sự khác biệt giữa chúng tôi về Assad”.
Thứ ba, Putin đã đáp trả vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga bằng cách làm nhục Ankara, một đối thủ đang nổi lên tại Trung Đông và Trung Á. Nga đã triển khai hệ thống phòng không tối tân S-400 gần Thổ. Với tầm bắn lên tới 250 dặm, quân đội Nga hiện nay khống chế không phận Syria và các hàng xóm lân cận, ngăn chặn hiệu quả các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bén mảng vào không phận Syria.
Putin cũng hạ nhục trầm trọng đồng minh khăng khít của Thổ Nhĩ Kỳ là phiến quân người Thổ. Phiến quân Thổ được cho là thủ phạm đã giết chết phi công Nga bị máy bay Thổ bắn rơi. Bằng cách không kích phiến quân Thổ cho phép Putin vừa báo thù cho người chết – nhờ thế chơi con bài công luận Nga – trong khi vừa làm suy yếu một trong những kẻ địch chính của Assad.
Putin cũng giáng đòn vào Thổ bằng cách chơi “con bài người Kurd” chống Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ lo lực lượng dân quân người Kurd Syria (YPG) đạt mục tiêu thiết lập một nhà nước tự trị tại miền bắc Syria, dọc biên giới Thổ-Syria. Nga đánh thẳng vào nỗi lo sợ của Thổ bằng việc yểm trợ không quân cho nỗ lực của YPG kiểm soát hoàn toàn biên giới Thổ -Syria. Thậm chí có thông tin Nga đã triển khai 200 binh sĩ tới một thị trấn do người Kurd kiểm soát ngay sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối cùng, chiến dịch quân sự của Putin đã góp phần làm suy yếu liên minh châu Âu. Tư lệnh NATO Philip Breedlove cáo buộc Nga đã “vũ khí hoá” người tị nạn bằng cách ném bom các mục tiêu dân sự và hậu thuẫn lực lượng Assad, do thế đã gây nên dòng chảy người tị nạn tràn sang châu Âu, chỉ riêng thành phố Aleppo đã lên tới 100.000 người.
Nga can thiệp vào Syria với một mục tiêu quan trọng nhất: Duy trì chế độ Assad. Nhằm tránh sa lầy kiểu một Afghanistan, Nga dựa vào các chiến binh của các đồng minh Hồi giáo Shia, bao gồm Assad, Hezbollah và Iran. Bằng cách lựa chọn một mục tiêu rõ ràng và khả thi, và sau đó bảo đảm rằng tất cả Moscow và các đồng minh đều đi theo một hướng, Putin đã thực thi một chiến lược uỷ nhiệm như sách giáo khoa.
Trong khi đó, chính sách về Syria của Washington lại tỏ ra rối bời. Nhiều lần, chính quyền Obama nhấn mạnh rằng “Assad phải ra đi” nhưng cuối cùng Assad có thể ở lại quyền lực. Mục tiêu của Mỹ nhằm làm suy yếu và tiêu diệt IS, khước từ hợp tác rộng hơn với Moscow, rốt cuộc lại thành đối tác trong hoà đàm với Moscow.
Mỹ tìm kiếm các nhóm phiến quân ôn hoà để hậu thuẫn Quân đội tự do Syria (FSA). Nhưng FSA đôi khi lại là đồng minh với chi nhánh al Qaeda tại Syria, khiến Washington lại ở cùng phe với những kẻ thủ phạm vụ khủng bố 11/9. Phó tổng thống Mỹ Joseph Biden đã công khai cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qataq vũ trang cho các nhóm phiến quân cực đoan, nhấn mạnh rằng chính sách của các đồng minh trên đang giúp vũ trang và xây dựng đồng minh cho nhóm khủng bố al Qaeda và cuối cùng là cho tổ chức khủng bố IS.
Chiến lược ủy nhiệm của chính quyền Obama thu nhỏ trong mớ lẫn lộn này. Lầu Năm Góc đã chi một chương trình 500 triệu USD để huấn luyện và trang bị cho phiến quân. Rốt cuộc kết quả là chỉ có 60 chiến binh trong số dự kiến 5.400 được đào tạo và thậm chí một số sau đó được điều động sang chiến trường Syria đã quy hàng nộp vũ khí cho al Qaeda.
Đỉnh điểm của sự thất bại chiến lược này là khi hai lực lượng ủy nhiệm của Mỹ gần đây đã giao chiến với nhau. Như một phần trong động thái nhằm lập ra một nhà nước tự trị của riêng mình, lực lượng người Kurd Syria được Lầu Năm Góc tài trợ mới đây đã tấn công lực lượng phiến quân do CIA tài trợ.
Trong khi Nga thoát khỏi bãi lầy Syria, chiến dịch quân sự kéo dài 5 tháng rõ ràng là một chiến thắng địa chính trị đối với Vladimir Putin, tác giả Josh Cohen nhận định trên Reuteurs.