Nga rút quân, đại thắng tại Syria

vietTimes -- Nga cứu Assad còn mang lại lợi ích to lớn hơn là đơn thuần cứu một đồng minh quân sự. Khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích hồi cuối năm ngoái, việc này đã phá hỏng kế hoạch của phương Tây hòng cô lập Nga về ngoại giao do cuộc khủng hoảng Ukraine, báo Mỹ Wall Street Journal nhận xét.
Phi công Nga tham gia chiến dịch không kích chống khủng bố tại Syria
Phi công Nga tham gia chiến dịch không kích chống khủng bố tại Syria

Khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria hồi cuối 2015, động thái này đã gây sự tức giận tại Washington và Nhà Trắng đã cảnh báo rằng Nga sẽ đối mặt với một vụ sa lầy.

Tuy nhiên, thông báo của tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông sẽ rút một số lực lượng khỏi Syria trong kể từ ngày 15/3 cho thấy quyết định của ông đã chứng tỏ dự báo như vậy không đúng. Sau 5 tháng không kích Syria, các nhà quan sát Kremlin cho rằng Nga đã hoàn tất những mục tiêu đặt ra.

Từ lâu, Nga đã tuyên bố muốn tránh một kịch bản tương tự Libya diễn ra tại Syria, nơi việc lật đổ Ghadafi đã tạo điều kiện cho nhóm khủng bố nhà nước Hồi giáo lợi dụng khoảng trống quyền lực để xây dựng một lực lượng bao gồm hàng ngàn chiến binh ở đó. Ông Putin nói rằng tổng thống Syria Bashar al-Assad là công cụ tốt nhất để chiến đấu chống chủ nghĩa thánh chiến tại Syria.

Việc các lực lượng Nga rút khỏi Syria là chỉ báo cho thấy ông Putin tin rằng hiện nay tương lai của ông Assad đã được đảm bảo. Kremlin chắc chắn sẽ tiếp tục hậu thuẫn ông ta, các căn cứ quân sự của Nga sẽ thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của chính quyền Syria, giáo sư khoa học chính trị Ivan Safranchuk thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Moscow nhận định. “Tôi nghĩ các mục tiêu của Nga đặt ra đã cơ bản đạt được. Chế độ Syria đã đứng vững, họ không kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ Syria, tuy nhiên những nguy hiểm lớn đe doạ tồn vong chế độ không tồn tại nữa”, ông Safranchuk nói.

Nhưng việc Nga cứu Assad còn mang lại lợi ích to lớn hơn là đơn thuần cứu một đồng minh quân sự. Khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích hồi cuối năm ngoái, việc này đã phá hỏng kế hoạch của phương Tây hòng cô lập Nga về ngoại giao do cuộc khủng hoảng Ukraine. Kể từ đó, phương Tây buộc phải tham vấn Moscow về chiến dịch quân sự tại Syria sau khi các chiến đấu cơ Nga bắt đầu xuất kích tại đây.

Mặc dù các chính trị gia phương Tây tiếp tục kêu gọi Mỹ tuyên bố thiết lập một khu vực cấm bay tại Syria, một động thái như vậy là bất khả nếu không có nguy cơ bắn hạ một máy bay Nga.

Chiến dịch không kích của Nga cũng cảnh báo phương Tây về việc Nga có thể đi xa tới đâu kể từ khi ông Putin hạ lệnh tiến hành hiện đại hoá quân đội sau khi trở lại điện Kremlin với tư cách tổng thống. Nga đã khiến nhiều chuyên gia quân sự kinh ngạc bởi năng lực không kích liên tục trong suốt nhiều tháng liền – một kỳ công được tạo thành chỉ trong ít năm và là việc chỉ có số ít nước khác bên cạnh Mỹ có thể làm được ngày nay.

Nga đã điều các chiến đấu cơ tối tân Su-34 Fullback và Su-35S sang tham chiến tại Syria
Nga đã điều các chiến đấu cơ tối tân Su-34 Fullback và Su-35S sang tham chiến tại Syria

Không quân Nga đã chứng tỏ năng lực tác chiến tệ hại trong cuộc xung đột gần đây nhất với một nước thành viên cũ thời Liên Xô là Georgia năm 2008, khi nhiều máy bay bị bắn hạ chỉ trong vài ngày. Phiến quân Syria có ít phương tiện phòng không đã dễ dàng trở thành mồi ngon của không quân Nga.

Nga cũng đã có màn trình diễn các tên lửa hành trình và vũ khí chính xác ở giai đoạn đầu chiến dịch khi phiến quân đang ở gần thủ đô Damascus. Sau đó, Nga tiến hành không kích phiến quân từ độ cao lớn với các loại bom thông thường, một chiến thuật bị phê phán gây tàn phá, thương vong cho dân thường tạo ra dòng di dân sang châu Âu.

Nhưng rốt cuộc các cuộc không kích của Nga đã tỏ ra hiệu quả vì Moscow không giống như phương Tây, có các đồng minh đáng tin cậy trên mặt đất có thể chỉ thị chính xác mục tiêu và đánh chiếm lãnh thổ sau các đợt oanh  kích, các chuyên gia nhận xét.

“Họ theo đuổi một chiến lược rõ ràng và theo quan điểm của tôi đã rất thành công”, Benjamin Lambeth, một chuyên gia về chiến tranh đường không tại Trung tâm chiến lược và đánh giá ngân sách ở Washington, D.C nhìn nhận.

Chắc chắn Nga có thể tuyên bố về một số thắng lợi chiến thuật, nhưng sẽ mất hàng năm trước khi các chuyên gia có thể nhất trí về việc Nga thành công hậu thuẫn Assad hay không. Theo Anthony Cordesman, một chuyên gia an ninh quốc gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, thoả thuận ngừng bắn giữa ông Assad và phe đối lập cực kỳ mong manh. Trong những tháng sắp tới, thế giới sẽ quan sát sats sao những dấu hiệu liệu ông Assad có thể tự đứng vững được hay không.

“Thực tế là chúng ta không biết chuyện gì sẽ diễn ra sau khi Nga rút quân. Nó có vẻ sẽ thành công nếu như phiến quân sụp đổ, có vẻ sớm nếu như Nga vội vã rút lui và sự việc sẽ kinh khủng nếu như người ta chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền Syria hoặc một thảm họa nhân đạo”, ông Cordesman nói.

Nga luôn nổi tiếng với lực lượng lục quân hùng mạnh, nhưng chiến dịch không kích là một chiến dịch mới và nó đòi hỏi một nỗ lực phức tạp rất xa biên giới nước Nga, tàu bè phải đảm nhiệm tiếp tế từ Biển Đen qua Dardanelles tới Syria.

Nhưng việc triển khai chiến dịch quân sự cũng là màn quảng cáo tốt đối với vũ khí Nga trên thị trường quốc tế, nơi Moscow vẫn cạnh tranh với Washington và trong chiến dịch quân sự tại Syria Nga đã trình diễn các máy bay của mình. Bên cạnh các thiết bị cũ, các chuyên gia nhận xét Moscow đã triển khai tại Syria một số các chiến đấu cơ thế hệ mới nhất và loại trực thăng chiến đấu mới M-35.

Các nhà phân tích nói chiến dịch quân sự của Nga tại Syria tương đối rẻ, kể từ khi Moscow chủ yếu dùng các loại bom đạn bình thường, một số còn thường được dùng trong các cuộc tập trận.

Nhưng Nga nói họ có lý do thuyết phục để lo lắng về hậu quả tại Syria: Hơn 2.000 chiến binh gốc Nga đã gia nhập IS tại Syria. Các nhà phân tích độc lập cho biết hàng ngàn tên khác đổ tới Syria từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Phần lớn những chiến binh thánh chiến Nga đến từ Chechnya và các khu vực bất ổn khác ở vùng Bắc Caucasus. Nga lâu nay vẫn lo ngại những chiến binh nguy hiểm này trở về sẽ khích động xung đột khu vực.

T.N