Trong Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc xây dựng dự án Luật là cần thiết, bảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Dự thảo Luật có nhiều điểm mới, đó là không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu, mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu, hoặc khai qua mạng internet, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện thủ tục tại Công an địa phương nơi thuận tiện nhất.
Đối với hộ chiếu phổ thông, không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần hai trở đi được lựa chọn nơi tiếp nhận tờ khai. Theo quy định hiện hành, hộ chiếu hết hạn 1 ngày vẫn phải về Công an địa phương nơi thường trú để nộp hồ sơ, còn hạn 1 ngày có thể nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
|
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 2 loại: gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử.
Thảo luận tại tổ, ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH Ninh Bình), ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH Bình Phước) và nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết của dự thảo Luật, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, tạo thuận lợi cho công dân trong hoạt động xuất nhập cảnh. Đại đa số các ĐB thống nhất việc thông qua dự án Luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh.
Các ý kiến cũng đề nghị bổ sung các quy định về sử dụng hộ chiếu, vì dự thảo Luật chỉ quy định đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông, nhưng chưa quy định các trường hợp được sử dụng đối với mỗi loại hộ chiếu. Các ĐB đề nghị bổ sung quy định về hình thức, nội dung và thời hạn của hộ chiếu.
Đại biểu Phạm Văn Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) đề nghị: “Đối với hộ chiếu phổ thông, dự thảo Luật chỉ quy định hộ chiếu còn giá trị sử dụng, nhưng thực tế khi đi nước ngoài đều yêu cầu còn giá trị sử dụng 6 tháng, nhiều trường hợp không để ý. Vì vậy đề nghị hạn chế lại thời hạn giá trị còn.
Theo tôi nghĩ một tháng và phải trên dự kiến thời gian ở nước ngoài là đủ. Chúng ta cấp hộ chiếu cấp 5 năm mà gia hạn 3 năm, cần thời hạn 6 tháng, thời gian đó quá dài, với điều kiện chúng ta quản lý tốt hơn, thì điều kiện thời hạn còn giá trị sử dụng của hộ chiếu chỉ đủ cho chuyến đi công tác nước ngoài, tôi nghĩ như vậy đảm bảo”.
Cùng với đó, các đại biểu đề nghị Bộ Công an sớm hoàn thành các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm cho việc sản xuất hộ chiếu có gắn chíp điện tử và vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.
“Về giấy tờ xuất nhập cảnh cần bổ sung nội dung để Chính phủ quy định chi tiết cấp hộ chiếu điện tử thống nhất trong toàn quốc. Về việc cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài, đề nghị Ban soạn thảo dự thảo lại nội dung này, vì dự án Luật chưa rõ ràng, cụ thể những trường hợp nào phải xuất trình loại giấy tờ nào để chứng minh khi làm thủ tục” - ĐBQH Thạch Phước Bình, (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) nêu ý kiến.
Dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh quy định hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông được gắn chíp điện tử để lưu trữ thông tin sinh trắc học đặc trưng của người đề nghị cấp hộ chiếu như dấu vân tay, ảnh, thông tin cá nhân và chữ ký số. Trong dự thảo, Bộ Công an cũng đề xuất các loại hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử sẽ có thời hạn 10 năm. |