Đại biểu “hoang mang” với dự thảo Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

VietTimes -- Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) nhận xét như vậy trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương). Ảnh: Quochoi.vn

Cụ thể, đại biểu Vũ Trọng Kim nói rằng chưa bao giờ tham gia ý kiến mà thấy hoang mang như với hai luật này, bởi nó có đặc điểm là “không nhìn thấy”. Đại biểu Kim nói, có nơi “cấm cán bộ công chức không tham gia mạng xã hội thì cần phải xem lại. Bây giờ nhờ mạng xã hội dân chủ thật, nhưng quản lý đâu phải dễ”.

Còn đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam – thì kể chuyện “gọi một nhóm luật sư lên, họ đầu hàng vì không gian phản biện rất khó” – đại biểu Thịnh “tả” về sự bối rối của những người trong ngành luật với với dự thảo Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước như vậy.

Thừa nhận thực tế từ trước tới nay chưa kiểm soát được tình hình an ninh mạng, “để lực lượng chống phá rất ghê” – đại biểu Thịnh cho rằng “biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhất là kiểm soát chặt chẽ những nhà cung cấp thông tin như Google, Youtube”.

Ông đặt câu hỏi, có nên yêu cầu các hãng như này đặt máy chủ tại Việt Nam?. Và lập tức cho rằng “rất cần thiết, nếu vì mục đích bảo vệ bí mật của người tiêu dùng thì phải đặt máy chủ tại Việt Nam. Tuy vậy cũng phải tôn trọng cam kết quốc tế, phải tìm mẫu số chung như thế nào để đảm bảo câu chuyện này”.

Ở một góc tiếp cận khác, đại biểu Bùi Đặng Dũng (đoàn Kiên Giang) - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội – nêu câu hỏi: “Tại sao tất cả những chuyện cơ mật mà các đồng chí thư ký, lái xe, các quán trà vỉa hè đều biết? Mỗi một kỳ đại hội, muốn nắm thông tin ra quán trà vỉa hè ngồi hỏi một lúc là người ta nói, có những ông phán kinh lắm, người này sẽ làm vị trí này, người kia sẽ làm vị trí kia. Khổ là nói lại trúng”.

Tổng kết lại, đại biểu Dũng cho rằng lộ bí mật nhà nước và bị hạn chế thông tin bí mật nhà nước là 2 vấn đề hiện nay phải hết sức lưu ý. Ông nêu thực tế “ở Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, bất cứ 1 tài liệu nào liên quan đến tài chính ngân sách đưa ra đều cộp dấu mật, cứ theo dấu mật mà giải 10 năm sau mới giải thì cái mật đó giữ đến bao giờ ?. Trong khi các quốc gia khác liên quan tài chính ngân sách là công khai trên mạng, mọi người dân vào mạng đều biết là quá trình xây dựng như này, ngân sách năm nay, lĩnh vực này bao nhiêu tiền...”

Từ đây, đại biểu Dũng kết luận, “chúng ta đang có tình trạng lạm dụng mật để hạn chế thông tin”. Trong khi đó thì lại có hiện tượng xem nhẹ, chủ quan, phát biểu tại hội nghị, thể hiện trong bài viết, trao đổi tại hội thảo, chuyện trò tâm sự bạn bè với nhau, người thân với nhau... làm lộ bí mật nhà nước.

Dẫn chứng khá hài hước mà đại biểu Dũng nêu, là về chuyện sức khoẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ông nói, vấn đề này “nếu là bí mật nhà nước thì phải thực hiện theo đúng tính chất của bí mật nhà nước, còn không phải thì chúng ta hoàn toàn công khai”. Nhưng “vừa qua liên quan sức khoẻ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tại sao không công khai cho cử tri, nhân dân cả nước biết việc đó mà để mạng đồn thổi, nhân dân và cán bộ Đảng viên lo lắng băn khoăn rất nhiều?”- ông Dũng nêu.

Tiếp tục mạch dẫn chứng, đại biểu Dũng nói: “Chuyện thông tin mật vừa rồi tôi nghĩ chúng ta xử lý rất kém. Đến khi hình ảnh của Chủ tịch nước rạng ngời mạnh khoẻ đã đập tan mọi dư luận phản tuyên truyền”.

Theo đại biểu Dũng, nêu ví dụ như vậy để thấy “nếu chúng ta cứ cái gì cũng quy chụp vào bí mật là cũng kẹt, thì sẽ không cảnh giác được chuyện ấy”.