Khan hiếm lao động có chất lượng
Chiều 18/9, tại Diễn đàn thúc đẩy liên lết đào tạo nguồn nhân lực TP Đà Nẵng do Chi nhánh VCCI tại Đà Nẵng phối hợp với Sở LĐ-TB & XH TP Đà Nẵng tổ chức, cùng sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các sở ban ngành, các trường đại học, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn, đại diện Chi nhánh VCCI tại Đà Nẵng một lần nữa thừa nhận tình trạng các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng và đào tạo lao động, nhất là lao động có trình độ cao.
Trong khi đó, công tác liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vẫn chưa thật sự hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển của doanh nghiệp nói riêng và của kinh tế-xã hội TP Đà Nẵng nói chung.
Theo ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Đà Nẵng, Đà Nẵng hiện có hơn 27.000 doanh nghiệp đang hoạt động và Đà Nẵng là 1 trong 5 trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nhưng doanh nghiệp đang gặp khó hơn so với các địa phương trong cả nước về tuyển dụng lao động có trình độ cao.
Theo số liệu điều tra năm 2018 của VCCI, có đến 86% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động ở cấp giám đốc điều hành, cao hơn so với bình quân cả nước 3%; 75% doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động ở vị trí quản lý, giám sát (cao hơn cả nước 3%); 32% doanh nghiệp gặp khó khi tuyển dụng công nhân, lao động phổ thông (cao hơn cả nước 7%),…
Không những vậy, chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động của các doanh nghiệp có xu hướng tăng qua các năm.
Chi phí đào tạo lao động cũng đã tăng từ 4,5% (năm 2016) lên 7,8% (năm 2018) trên tổng chi phí kinh doanh. Bên cạnh đó, chi phí tuyển dụng cũng tăng từ 4,2% (năm 2016) lên 5,9% (năm 2018).
Diễn đàn thúc đẩy liên lết đào tạo nguồn nhân lực TP Đà Nẵng
|
“Trong bối cảnh Đà Nẵng đang điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển Kinh tế xã hội theo hướng bền vững, ưu tiên công nghệ cao, dịch vụ có hàm lượng giá trị lớn, thì chất lượng nguồn nhân lực được xem là vấn đề then chốt của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, diễn đàn hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ của các đại biểu để đưa ra được những chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao chất lượng cũng như số lượng nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của Đà Nẵng” - ông Nguyễn Tiến Quang nói.
Doanh nghiệp cần “đặt hàng” cơ sở đào tạo.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Chang Hee Lee-Giám đốc ILO tại Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Đà Nẵng đang phát triển nhanh khiến địa phương đang đối mặt với những thách thức to lớn. Đó là thách thức giữa yêu cầu phát triển bền vững và nguồn lao động phát triển cao.
“Việc đòi hỏi lao động có trình độ cao cho thấy tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế phát triển nhanh, vừa đẩy nền kinh tế của Đà Nẵng đứng trước những thách thức, vừa đem lại những cơ hội để tiếp tục phát triển. Nên điều cần nhất là làm sao lựa chọn những giải pháp phù hợp mà ở đó đảm bảo phát triển hài hòa giữa nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động. Tôi hy vọng, việc ký kết giữa Sở LĐ-TB &XH TP Đà Nẵng với VCCI về hợp tác đào tạo kỹ năng cho người lao động sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu đang đặt ra, góp phần trong tiến trình phát triển chung của Đà Nẵng”- ông Chang Hee Lee chia sẻ.
Công bố kết quả khảo sát thực trạng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn, Sở LĐ-TB &XH TP Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát 320 doanh nghiệp, có đến 75,78% doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trong giai đoạn 2019-2021, cùng với đó là nhu cầu tuyển dụng lên đến 31,165 lao động (trong đó: 15,3% trình độ đại học, 15,7% trình độ cao đẳng, 21,1% trình độ trung cấp, 27,7% trình độ sơ cấp và 20,2% lao động không qua đào tạo).
Ngoài ra có gần 30% số doanh nghiệp phản hồi cho biết có nhu cầu liên kết đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hiện tại và tương lai.
Trong khi đó, việc đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp của các cơ sở đào tạo còn hạn chế.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB & XH, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 64 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 20 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 11 trung tâm và 27 cơ sở giáo dục dạy nghề khác có đăng ký) với quy mô tuyển sinh 52.563 học sinh, sinh viên/năm với 260 ngành nghề ở các cấp bậc đào tạo.
Tuy vậy, chỉ có 70% số học sinh, sinh viên ra trường có việc ngay (sau 6 tháng), một số ngành về dịch vụ du lịch, cơ khí, CNTT thì tỷ lệ có việc làm cao hơn từ 90%-100%.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động nghề tại Đà Nẵng vẫn chiếm tỷ lệ 10-12% trong tổng số tỷ lệ thất nghiệp chung toàn TP, khả năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chưa cao do nhiều nguyên nhân.
Ông Chang Hee Lee-Giám đốc ILO tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn
|
“Nhìn chung, công tác phối hợp đào tạo nghề giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua có nhiều chuyển biến.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế như các doanh nghiệp còn thụ động, trông chờ vào nguồn nhân lực sẵn có để tuyển dụng, chưa chủ động trong dự báo nhu cầu lao động, nhiều cơ sở giáo dục tập trung đào tạo ngành nghề giống nhau, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo thưc tiễn,... nên chưa đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực cho nhu cầu doanh nghiệp.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần xây dựng và ban hành các chính sách, cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề đảm bảo chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”-ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB &XH TP Đà Nẵng chia sẻ.
Đồng quan điểm, đại diện Chi nhánh VCCI tại Đà Nẵng cho rằng, công tác liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế, sự hợp tác còn yếu và thiếu cơ chế phù hợp từ cam kết cho đến đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng đảm bảo nhu cầu của doanh nghiệp.
“Nên trong thời gian tới các bên hữu quan, nhà trường, doanh nghiệp cần chủ động, tích cực trong hợp tác liên kết đào tạo, doanh nghiệp cần chủ động “đặt hàng” các cơ sở đào tạo và xem kinh phí đào tạo như khoản đầu tư. Có vậy mới đáp ứng được yêu cầu phát triển chung”- đại diện Chi nhánh VCCI tại Đà Nẵng nhấn mạnh.