Đà Nẵng: Cứ nói thành phố đáng sống nhưng đáng sống với ai?

VietTimes -- "Chúng ta lâu nay cứ đánh giá, cứ nói TP đáng sống nhưng đáng sống ở đây đo bằng tiêu chí nào, chứ cứ đẩy lên đáng sống, đáng sống mà không có tiêu chí đánh giá nó đáng sống ở chỗ nào, khía cạnh môi trường, khía cạnh xã hội,… Cứ nói đáng sống mà không đo lường được nó thì cuối cùng chúng ta chẳng thể nói đáng sống cái gì! Nên nói mục tiêu thì ta phải có chỉ tiêu để đo lường, định lượng rõ ràng”-Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nói.
Theo các chuyên gia, thật sự Đà Nẵng có phải là TP đáng sống hay không, và đáng sống đối với những ai thì cần có tiêu chí đánh giá, đo lường
Theo các chuyên gia, thật sự Đà Nẵng có phải là TP đáng sống hay không, và đáng sống đối với những ai thì cần có tiêu chí đánh giá, đo lường
Đà Nẵng đang bị tụt lại
Tại Hội thảo Quy hoạch Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 11/6, nhiều chuyên gia đã hiến kế nhiều định hướng để Đà Nẵng phát triển tốt hơn trong tương lai.
Trong đó nhiều chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng phát triển nhanh, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu bền vững.
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng-Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH-ĐT), trong thời gian qua, sự phát triển không gian TP Đà Nẵng có phần nghiêng về phía biển. Trong khi công tác quy hoạch và triển khai thực hiện và quản lý sự phát triển đô thị chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hài hòa. Thậm chí có dấu hiệu tụt hậu.
“Phạm vi phát triển đô thị hạn hẹp, nhưng việc khai thác quỹ đất chưa thực sự có định hưỡng rõ ràng, bài bản, căn cơ nên xuất hiện trình trạng cạn kiệt nguồn đất dự trữ, đặc biệt là đất cho phát triển không gian công cộng. Một số dự án ở khu vực trung tâm TP chậm triển khai, một vài dự án chắn mối ra biển… gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và môi trường sống”, 
Không chỉ vậy, theo Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, các khu vực nhạy cảm của đô thị như bán đảo Sơn Trà, quần thể Ngũ Hành Sơn… chưa có thiết kế đô thị và các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc. Việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san nền tác động nghiêm trọng đến cảnh quan tự nhiên và môi trường sinh thái các khu vực đồi núi.
Còn theo TS.Huỳnh Thế Du từ Chương trình giảng dạy Fulbright, năng lực cạnh tranh của Đà Nẵng không có gì phải bàn khi chỉ số PCI và chỉ số PAPI liên tục dẫn đầu cả nước.
Tuy nhiên, “theo ý kiến của các chuyên gia thì Đà Nẵng không còn có vẻ tụt hậu nữa mà là thật sự tụt hậu rồi khi so sánh một cách tương đối với các đối thủ cạnh tranh trong nước của chúng ta. Trong 20 năm qua, địa phương có kết quả nỗ lực tốt nhất và có hiệu quả nhất là Đà Nẵng. Trong 20 năm qua, Đà Nẵng được TƯ ưu ái rất lớn so với tất cả các tình thành, với chỉ tiêu chi ngân sách cao nhất cả nước, lên đến 32% so với GDP. Sau 20 năm, Đà Nẵng đã trở thành nơi thu hút được nhiều người đến ở, tốc độ tăng dân số của Đà Nẵng chỉ sau TP HCM và Bình Dương", TS.Huỳnh Thế Du phát biểu.
Tuy nhiên, theo TS.Huỳnh Thế Du, mặc dù được TƯ ưu ái, nhưng mức tăng việc làm thể hiện nguồn nhân lực có chất lượng lại tụt giảm dần, tăng thu chi ngân sách lại đứng thấp nhất trong nhóm thặng dư ngân sách, chi ngân sách lại rơi vào nhóm nửa bên dưới danh sách các địa phương được so sánh, chỉ tiêu bình quân đầu người năm 2001 và thu ngân sách Đà Nẵng đứng thứ 5, còn năm 2015 thì đứng thứ 10, GDP bình quân đầu người của Đà Nẵng từ vị trí thứ 4 đã tụt xuống vị trí thứ 10. Điều này cho thấy Đà Nẵng đang bị tụt lại.
“Vấn đề của Đà Nẵng là trong thời gian rất dài, việc thu ngân sách phụ thuộc nhiều vào thu từ đất. Ví dụ như giai đoạn các năm 2005 - 2010 có đến 40% thu ngân sách từ đất, bây giờ còn hơn 10%. Hiện tại nguồn thu của Đà Nẵng phụ thuộc vào đất, nguồn thu xuất khẩu thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt. Một nội dung để đánh giá phát triển là mức thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân thì Đà Nẵng đang đứng ở mức rất hạn chế. Có nghĩa là lượng người giỏi, người giàu của chúng ta đang có vấn đề. 
Khó khăn nhất của Đà Nẵng bây giờ là về vị trí, dù đã nỗ lực hết mình, được ưu ái rất nhiều. Nếu so sánh các yếu tố lợi thế cạnh tranh thì Đà Nẵng đang có lợi thế so với các tỉnh miền Trung, nhưng nếu so với các địa phương dẫn đầu trong cả nước thì Đà Nẵng đang có trục trặc. Hai vấn đề lợi thế của Đà Nẵng là môi trường kinh doanh và hạ tầng kỹ thuật,…tất cả đều rất tốt nhưng cái bất lợi của Đà Nẵng là đang nằm ở vị trí bất lợi. Đó là câu trả lời cho câu hỏi tại sao PCI luôn dẫn đầu nhưng FDI không về”, TS.Huỳnh Thế Du phân tích.
 
Đà Nẵng là TP đáng sống cho ai?
Nói về chiến lược phát triển không gian đô thị Đà Nẵng, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn-Chủ tịch Công ty Tư vấn Ngô Viết cho rằng, trong thời gian qua, Đà Nẵng phát triển rất nóng và rất nhanh. Về phát triển hạ tầng đô thị thì Đà Nẵng đứng hàng đầu cả nước.  Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng trong bối cảnh hiện tại, Đà Nẵng không còn phát triển theo chiều rộng mà phải phát triển theo chiều sâu. Bởi vì đất của Đà Nẵng cũng có giới hạn và trong giai đoạn này, Đà Nẵng cần phát triển về chất.
Theo các chuyên gia, Đà Nẵng đang phát triển kiểu tụt lùi.
Theo các chuyên gia, Đà Nẵng đang phát triển kiểu tụt lùi.
“Để có những đề xuất, chúng tôi đã xem xét các vấn đề về xã hội của Đà Nẵng  để biết được chúng ta cần phải đưa Đà Nẵng phát triển theo hướng nào. Về địa lý, Đà Nẵng nằm ở vị trí rất đặc biệt, đó là nằm giữa đất nước Việt Nam, nằm trên hành lang kinh tế Đông- Tây nối qua với Thái Lan, Lào Campuchia. Vừa là thuận lợi vừa là khó khăn do địa hình có độ dốc cao, chủ yếu là đồi núi và đất đô thị có thể sử dụng được chỉ ở mức 30-35%. Nên với diện tích đất sử dụng không nhiều thì với tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước sẽ khiến diện tích đất đô thị còn lại không còn nhiều, chính vì vậy quy hoạch cần làm sao để gia tăng giá trị cho những lô đất còn lại và tạo nên quỹ đất mới. Điều này rất quan trọng vì bên cạnh tạo nên tài chính cho Đà Nẵng còn gợi mở một số hướng phát triển cho tương lai.
Theo chúng tôi, có 8 vấn đề chiến lược đối quan trọng đối với Đà Nẵng hiện nay. Thứ nhất là phát triển vai trò lãnh đạo của Đà Nẵng, đô thị hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cùng mối liên kết với các địa phương lân cận. Và trong mối liên kết này, Đà Nẵng làm gì cho những vùng lân cận. Thứ hai là Đà Nẵng phải bảo tồn được bản sắc đô thị đặc trưng của biển, sông và núi. Đồng thời làm sao cho phát triển thế mạnh này cho đúng tầm hơn. Tiếp theo là phát triển Đà Nẵng theo hướng quy hoạch xanh và kiến trúc xanh; Phát triển thành đô thị văn minh hiện đại, tiêu biểu cho đô thị Việt Nam thế kỷ 21; Tiếp đó là phát triển Đà Nẵng thành đô thị đáng sống hàng đầu, tầm quốc gia và quốc tế, vì Đà Nẵng có nhiều khu vực có thể xây dựng trở thành không gian sống cho cộng đồng trong nước và quốc tế.
“Tuy nhiên khi đi sâu vào thành phố đáng sống thì phải xem xét đáng sống cho ai, đáng sống cho tất cả người dân được hưởng tất cả các giá trị đáng sống cho mình hay thế nào. Vì các khu vực đô thị khác nhau sẽ cần những quy hoạch khác nhau phù hợp với mức sống, phong tục tập quán cũng như nhu cầu của người dân thì mới thật sự đáng sống”, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.
Nói về định hướng phát triển Đà Nẵng, TS. Nguyễn Đình Cung-Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng: “Nếu đánh giá chung với cả nước thì Đà Nẵng có một vài điểm nổi trội hơn, Tuy nhiên nếu đánh giá mục tiêu theo Nghị quyết 33 thì Đà Nẵng chưa đạt được. Cái tiếp theo, nhìn lại Đà Nẵng đạt được trong thời gian vừa qua đạt thì Đà Nẵng đạt được cái gì. Theo tôi thì Đà Nẵng chỉ yếu đạt được là khai thác tự nhiên để tạo ra cái thay đổi cụ thể, chứ những thứ tạo ra giá trị gia tăng lớn, tạo ra sự tăng trưởng, thể hiện độ tinh vi, phức tạp để phát triển thì chưa đạt được. Nhìn lại thì chưa thấy. Nhìn lại chúng ta chả thấy cái gì, công ăn việc làm ở Đà Nẵng cũng vậy, nó là cái gì. Người dân đến đây sống vì cái gì, thu nhập bằng cái gì,…tất cả các điều ấy chưa nhìn thấy để nói về trình độ phát triển. Có thể thu nhập cao nhưng trình độ phát triển thấp.
Với cách phát triển như vậy nên Đà Nẵng là một TP hướng nội, nên nếu nói kết nối toàn cầu thì mình chưa thấy hướng ngoại, chưa thấy xuất khẩu, chưa thấy sản phẩm đặc trưng quy mô phát triển xuất khẩu. Ví dụ như chỉ số PCI, nếu ở top 5 thì ở các địa phương sẽ thu hút được nhà đầu tư nước ngoài đến và có đầu tư tương lớn, tạo ra khác biệt, nhưng Đà Nẵng lại không có, dù đạt được liên tục. Điều này cho thấy ở đây có gì đó chưa thuận lợi. Nên muốn phát triển thì phải hướng ngoại, khi đó tiềm năng mới bùng lên được, chứ còn hướng nội thì ngày càng thu hẹp dần thôi”.
“Và nếu nhìn lại Đà Nẵng cho đến hôm nay, thì Đà Nẵng mới chỉ ở mức khai thác lợi thế tự nhiên để phát triển mà không có sự sáng tạo, sáng kiến, tạo ra ngành nghề mới, tạo ra giá trị để thúc đẩy phát triển. Và ở đây, vai trò của sáng tạo, vai trò của thể chế mang tính quyết định. Điều cần và giải pháp là Đà Nẵng cần có tầm nhìn tham vọng hơn, và tăng trưởng GDP phải đạt 14-16%/năm. Sau đó nên xây dựng Đà Nẵng là TP năng động sáng tạo, cạnh tranh kết nối toàn cầu, sau đó là trình độ phát triển cao, thông minh, có bản sắc.
Quan điểm của tôi là chúng ta hơi hiền, bởi nếu cứ bám vào định hướng của vùng, của cả nước thì sẽ không thay đổi, không phát triển được. Mà bám vào xu thế chung của quốc gia, và Đà Nẵng nhìn vào xu thế đó để tìm ra bước đột phá khác biệt, tạo ra bước nhảy vọt”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Bày tỏ quan điểm về định hướng phát triển và tiêu chí thành TP đáng sống của Đà Nẵng, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Chúng ta lâu nay cứ đánh giá cứ nói TP đáng sống, nhưng đáng sống ở đây đo bằng tiêu chí nào? Chứ cứ đẩy lên đáng sống đáng sống mà không có tiêu chí đánh giá, không đo lường được nó thì cuối cùng chúng ta chẳng thể nói đáng sống cái gì! Nên nói mục tiêu thì ta phải có chỉ tiêu để đo lường, định lượng rõ ràng”.