Đà Nẵng cần làm gì để trở thành trung tâm AI của Việt Nam?

“Để trở thành thủ phủ của công nghệ trí tuệ nhân tạo, Đà Nẵng cần đầu tư trung tâm dữ liệu, Trung tâm AI đủ lớn. Bên cạnh đó, thành phố cần tự chủ về AI, nguồn nhân lực cho ngành AI”, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT nhấn mạnh.

"Cơ hội để Đà Nẵng nâng cao chất lượng sống cho người dân"

Sáng 9/5, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo - Động lực mới phát triển Đà Nẵng”. Sự kiện thu hút sự quan tâm tham dự của gần 400 đại biểu trực tiếp cũng như trực tuyến, gồm lãnh đạo UBND thành phố; các Sở, ban ngành; các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia công nghệ, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở đào tạo, y tế và cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong và ngoài nước.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo - Động lực mới phát triển Đà Nẵng”.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm cụ thể hóa kế hoạch triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; trong đó, hướng đến mục tiêu phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là AI.

Đồng thời triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức hội thảo chuyên sâu về phát triển các ứng dụng AI và thu hút đầu tư các doanh nghiệp AI vào thành phố.

Quang cảnh Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo - Động lực mới phát triển Đà Nẵng” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức.

“Trí tuệ nhân tạo đang nổi lên như một nền tảng quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và tăng sức cạnh tranh cho từng quốc gia, từng địa phương. AI là xu thế tất yếu, mở ra nhiều cơ hội mới để các thành phố như Đà Nẵng tối ưu hóa quản lý, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống cho người dân", ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

Với mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước với trọng tâm là vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… thời gian qua Đà Nẵng đã và đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển ứng dụng AI trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, logistics, dịch vụ hành chính công và thành phố thông minh.

Hội thảo là cơ hội để Đà Nẵng lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu ngành, cộng đồng doanh nghiệp trẻ trong và ngoài nước nhằm hoàn thiện một kế hoạch phát triển AI với các giải pháp có tính thực tiễn và khả thi cao, phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện đặc thù của thành phố, ông Hồ Kỳ Minh nêu rõ.

Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và đang tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng một hệ sinh thái công nghệ hiện đại, năng động và bền vững. Thành phố cam kết tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu cùng chung tay phát triển hệ sinh thái AI một cách toàn diện, bền vững.

Tiến sĩ Christopher Cường Nguyễn, Nhà sáng lập và Chủ tịch Aitomatic, inc và Các ứng dụng cụ thể của AI chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia.

Đà Nẵng cần làm gì?

Trong phiên toàn thể diễn ra sáng nay, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, cơ hội hợp tác và đưa ra các đề xuất, giải pháp nhằm tháo gỡ các thách thức và khó khăn Đà Nẵng gặp phải trong hành trình phát triển lĩnh vực AI.

Trong tham luận mang chủ đề “Tương lai cho AI tại Việt Nam và đề xuất đối với TP Đà Nẵng”, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT đánh giá Đà Nẵng có nhiều cơ hội lớn để trở thành thủ phủ công nghệ AI của Việt Nam và khu vực.

“Không chỉ hiện tại mà trong 20 năm tiếp theo, Đà Nẵng vẫn có nhiều cơ hội để khai thác ngành công nghiệp công nghệ AI, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Để xây dựng, trở thành thủ phủ của công nghệ trí tuệ nhân tạo này, Đà Nẵng cần đầu tư trung tâm dữ liệu, Trung tâm AI đủ lớn đặt tại Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần tự chủ về AI, nguồn nhân lực cho ngành AI, nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao. Khi thực hiện 2 chiến lược trọng tâm này, chúng ta sẽ xây dựng Đà Nẵng trở thành thủ phủ công nghệ AI của cả nước và khu vực trong tiến trình kiến tạo kỷ nguyên về trí tuệ nhân tạo”, ông Tú nhấn mạnh.

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT chia sẻ khuyến nghị để Đà Nẵng phát triển công nghiệp AI.

Còn ông Albert Antoine, Chuyên gia AI đã phân tích sâu về các cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ các cường quốc công nghệ trên thế giới mà Đà Nẵng có thể áp dụng, nhằm tận dụng lợi thế trong quá trình định vị hình ảnh một trong những trung tâm AI của quốc gia và khu vực.

Trong đó, ông cho rằng Đà Nẵng có đủ điều kiện để xây dựng trở thành trung tâm AI tối tân. Để làm được điều này, TP cần thu hút trở thành nơi để các công ty thử nghiệm công nghệ AI và thu hút nhiều hơn những ông lớn về công nghệ đặt nền móng tại địa phương.

"Sẵn sàng trở thành thung lũng công nghệ của Việt Nam"

Cũng tại phiên khai mạc, nhiều chuyên gia, nhà sáng lập các công ty công nghệ đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm và những khuyến nghị cho Đà Nẵng trong phát triển và khai thác công nghệ AI trong phát triển TP.

Tiến sĩ Christopher Cường Nguyễn, Nhà sáng lập và Chủ tịch Aitomatic, inc và Các ứng dụng cụ thể của AI trong các lĩnh vực thiết yếu của đời sống xã hội cũng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm phát triển AI từ các quốc gia trên thế giới.

Ông Anthony Tuấn Phan, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành AIAVN cho rằng, Đà Nẵng có nền tảng hạ tầng tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống hành chính công minh bạch… là cơ hội để Đà Nẵng trở thành thủ phủ công nghệ trong tương lai, nhất là trong cải cách hành chính công.

Ông Anthony Tuấn Phan, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành AIAVN chia sẻ các nền tảng công nghệ AI trong cải cách hành chính công cho Đà Nẵng.

“Am hiểu địa phương, ứng dụng công nghệ quốc tế, Đà Nẵng sẵn sàng để trở thành thung lũng công nghệ của Việt Nam khi có sự đồng hành của các công ty công nghệ và các tập đoàn hàng đầu thế giới”, ông Anthony Tuấn Phan nhấn mạnh.

Cũng tại phiên khai mạc, các diễn giả, chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm và các khuyến nghị dành cho Đà Nẵng trên các lĩnh vực như giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ… trong tiến trình phát triển và khai thác ứng dụng AI để thúc đẩy phát triển TP Đà Nẵng trong tương lai.

Đặc biệt, các diễn giả đã tập trung phân tích các yếu tố giúp Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp AI, từ hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ đến khả năng mở rộng thị trường từ góc nhìn chuyên gia cũng như góc nhìn từ các nhà đầu tư để Đà Nẵng có thể đi nhanh hơn trong việc khai thác công nghệ này.

Không gian triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghệ AI, hệ sinh thái AI, các chính sách khuyến khích phát triển AI của thành phố Đà Nẵng...

“Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo - Động lực mới phát triển Đà Nẵng” không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố mà còn là bước đi cụ thể trong việc xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực. Sự kiện này là minh chứng rõ ràng cho định hướng phát triển thành phố dựa trên tri thức, công nghệ và hợp tác quốc tế - những yếu tố then chốt để Đà Nẵng vươn lên trong thời đại trí tuệ nhân tạo”, ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ chương trình Phiên toàn thể diễn ra Lễ ký kết giữa Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng và Tập đoàn VINGROUP về Kế hoạch hợp tác nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, hội thảo còn có hoạt động triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghệ AI, hệ sinh thái AI, các chính sách khuyến khích phát triển AI của thành phố Đà Nẵng...

Năm 2024, ngành công nghệ thông tin tại Đà Nẵng đạt doanh thu 39.888 tỷ đồng, đóng góp 20,69% GRDP thành phố. Đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 35-40% GRDP, trong đó ngành công nghệ thông tin, bao gồm trí tuệ nhân tạo, đóng góp 10-15%.

Để hỗ trợ, thành phố đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Thiết kế Vi mạch và Trí tuệ Nhân tạo (DSAC), ký kết với 15 đối tác quốc tế, thu hút 13 doanh nghiệp thiết kế vi mạch mới, đồng thời đào tạo nhân lực với 4 trường đại học mở ngành trí tuệ nhân tạo, tuyển sinh 300 chỉ tiêu mỗi năm.