
Ngày 9/5, Công an TP Đà Nẵng phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới, khi đối tượng giả danh cán bộ Nhà nước, dụ người dân cài đặt phần mềm giả mạo “Cổng dịch vụ công quốc gia” để chiếm đoạt tài sản.
Cảnh báo dựa trên vụ việc của chị T.T.T. (33 tuổi, trú tại phường An Khê) bị một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 130 triệu đồng.
Đối tượng đã giả danh cán bộ nhà nước, gọi điện yêu cầu chị T. cài phần mềm mang tên “Cổng dịch vụ công quốc gia” để xác thực thông tin.
Sau khi cài đặt, ứng dụng này đã chiếm quyền điều khiển điện thoại, từ đó lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng và thực hiện chuyển tiền trái phép.
Công an TP Đà Nẵng cho biết, đây là thủ đoạn lừa đảo đang được các nhóm đối tượng tội phạm công nghệ cao sử dụng phổ biến. Chúng thường giả danh công an, cán bộ toà án, ngân hàng… để yêu cầu người dân truy cập website, tải ứng dụng giả mạo.
Sau khi nạn nhân làm theo, các đối tượng dễ dàng theo dõi và điều khiển thiết bị từ xa, chiếm đoạt tài sản thông qua việc truy cập vào ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử của người bị hại.
Trước tình hình trên, lực lượng công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không cài đặt ứng dụng từ đường link lạ, không cung cấp mã OTP, mật khẩu hay bất kỳ thông tin cá nhân nào cho người lạ tự xưng là cán bộ nhà nước. Người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi yêu cầu xác minh tài khoản, phong toả tiền hoặc điều tra hình sự.
Trước đó, Công an TP Đà Nẵng cũng vừa có văn bản gửi các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cảnh báo tình trạng một số đối tượng mạo danh trường đại học để lừa đảo sinh viên, phụ huynh thông qua các chương trình học bổng du học nước ngoài.
Theo đó, từ cuối năm 2024 đến nay, tình trạng giả mạo các trường đại học nhằm lừa đảo trong tuyển sinh du học đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Đà Nẵng.
Các thủ đoạn chủ yếu như làm giả thông báo, thư mời tham gia các chương trình học bổng với logo, con dấu, chữ ký của hiệu trưởng các trường đại học, cơ quan chức năng thuộc Bộ GD&ĐT.
Các đối tượng sử dụng mạng xã hội hoặc email giả tạo (giả danh phòng Hợp tác Quốc tế của các trường) phát tán quảng cáo, mời gọi sinh viên tham gia các chương trình trao đổi đối sinh viên và du học ngắn hạn.
Mạo danh là cán bộ Phòng Hợp tác Quốc tế của nhà trường gọi điện thoại cho các trường hợp có nhu cầu để trao đổi về các chương trình học bổng; lợi dụng tâm lý muốn đi du học của sinh viên, đối tượng lừa đảo áp lực cho phụ huynh và sinh viên cần phải gửi tiền ngay vì đang có danh sách chờ, nếu không sẽ mất suất.
Theo cơ quan công an, hậu quả là nhiều sinh viên, phụ huynh ở thành thị và nông thôn, đặc biệt những người thiếu thông tin về du học chính thống đã bị lừa đảo số tiền lớn; ảnh hưởng uy tín nhiều trường...
Điển hình, tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), một sinh viên nhận được thông báo mạo danh nhà trường, thông báo “trúng tuyển” chương trình trao đổi với Đại học Hosei (Nhật Bản). Trong thông báo nêu rõ sinh viên sẽ được miễn học phí và nhà ở, nhưng phải chứng minh tài chính qua tài khoản ngân hàng với số dư 200 triệu đồng. Gia đình sinh viên đã chuyển tiền vào tài khoản để chứng minh năng lực tài chính. Tuy nhiên, nghi ngờ nội dung có dấu hiệu bất thường, sinh viên đã báo với Phòng Công tác sinh viên và được xác nhận thông báo là giả mạo.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại trường Đại học Kinh tế và Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), khi một số sinh viên nhận được giấy báo trúng tuyển học bổng toàn phần từ các chương trình không rõ nguồn gốc.
Trước tình trạng này, Công an TP Đà Nẵng đề nghị các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến cảnh báo đến sinh viên và phụ huynh để tránh bị lừa.