
Để thực hiện cưỡng chế, ngay từ sớm lực lượng công an cùng các đơn vị liên quan đã phong tỏa khu vực cần được cưỡng chế, đại diện UBND quận Sơn Trà đã công bố các quyết định cưỡng chế quầy hàng và máy móc được điều đến thực hiện nhiệm vụ.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) cho biết UBND quận Sơn Trà đã tổ chức đối thoại và trả lời ý kiến bằng văn bản nhiều lần đối với 7 hộ kinh doanh trên nhưng không nhận được sự hợp tác, nên buộc phải thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định.
Trong buổi cưỡng chế, các hộ kinh doanh đều vắng mặt, tuy nhiên các tài sản đã được di dời đi từ trước.
Theo ông Hùng, mặt bằng sau cưỡng chế sẽ được bàn giao cho Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng để tham mưu các phòng chức năng của thành phố tổ chức đấu giá công khai, thực hiện kinh doanh phù hợp quy hoạch.

Như VietTimes đã đưa tin, để khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ du lịch tại một số khu vực bãi biển phục vụ người dân và du khách, trên cơ sở đề xuất của Sở Du lịch, từ năm 2012, UBND TP đã đồng ý chủ trương cho phép thí điểm triển khai 10 quầy ẩm thực, hàng lưu niệm tại khu vực công viên Biển Đông và phía Nam Nhà hàng Mỹ Hạnh (thuộc địa bàn phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà).
Với chủ trương này, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện thí điểm 10 quầy ẩm thực - hàng lưu niệm và được miễn phí cho thuê mặt bằng kinh doanh trong thời gian thực hiện thí điểm; cam kết tự tháo dỡ mặt bằng khi có chủ trương mới.
Sau thời gian khai thác thí điểm, đến nay, căn cứ quy định về quản lý sử dụng tài sản công và Luật Đất đai, để quản lý, sử dụng tài sản công đảm bảo đúng quy định, tránh thất thoát, lãng phí, UBND TP đã phê duyệt phương án quản lý, khai thác và đấu giá công khai, rộng rãi.
Thành phố có văn bản chấm dứt hoạt động thí điểm, yêu cầu chủ 10 quầy ẩm thực, hàng lưu niệm bàn giao mặt bằng chậm nhất trước ngày 30/9/2024 để tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật.
Trước khi đi đến quyết định cưỡng chế, UBND phường Phước Mỹ đã vận động, đối thoại với các hộ kinh doanh 2 lần. Lần 1 vào cuối năm 2024 và lần 2 vào ngày 3/1. Kết quả có 3 hộ kinh doanh chấp hành, tự tháo dỡ. Còn lại 7 trường hợp không đồng tình.
UBND phường Phước Mỹ đã lập biên bản vi phạm hành chính và trình UBND quận ban hành quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế đối với 7 trường hợp không chấp hành.
Không đồng ý với quyết định của UBND quận Sơn Trà, các tiểu thương nơi đây đã có đơn khiếu nại gửi đến Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, các cơ quan chức năng đề nghị thực hiện các bước đảm bảo quyền lợi của các hộ kinh doanh.

Đà Nẵng: Sẽ cưỡng chế di dời kiot kinh doanh ven biển không chấp hành

Thu hồi kiot ven biển Đà Nẵng: Hộ kinh doanh muốn xử lý "thấu tình đạt lý", ban quản lý nói gì?
